5 cách dễ dàng phát hiện ở trường con có bị bạo hành không

Google News

Sau vụ bạo hành trẻ em ở nhóm trẻ Mầm xanh (Tp Hồ Chí Minh) rất nhiều bậc phụ huynh hoang mang, lo sợ về sự an toàn của con mình khi đi nhà trẻ.

Làm thế nào để biết được con mình có an toàn hay không khi đến trường là câu hỏi đau đáu của nhiều bậc cha mẹ.
Đã đưa con đi nhà trẻ được tròn 7 tháng nhưng chị Nguyễn Thu Hà (Hà Đông – Hà Nội) vẫn chưa chấm dứt được tình trạng con khóc ngất đòi ở nhà mỗi sáng. Chị Hà cho biết, trường mầm non chị chọn để gửi con là một trường tư thục, trường lớp cũng khá khang trang, vật dụng, đồ chơi nhiều và các cô giáo có vẻ cũng ổn, vậy mà không hiểu sao cứ nhắc đến đi học là con chị sợ còn hơn dọa... ngáo ộp.
Lớp mẫu giáo Mầm xanh (Tp Hồ Chí Minh) nơi xảy ra vụ bạo hành trẻ em (Ảnh: IT)
“Vì con mới hơn 2 tuổi, nói cũng chưa sõi thỉnh thoảng có gặng hỏi con về trường lớp nhưng con không trả lời được nhiều mà cũng lảng đi không nói. Nếu hỏi con có thích đi học không thì lắc đầu nguây nguẩy, hỏi con yêu cô giáo nào cũng lắc đầu? Ban đầu mình cũng nghi ngờ ở trường con bị các cô đánh nên sợ nhưng kiểm tra nhiều lần cũng không phát hiện dấu vết gì?” – chị Hà nói.
Là công nhân trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long, thu nhập thấp nên chị Trần Thị Nụ (quê Bắc Giang) cũng chỉ dám chọn một nhóm trẻ tư chuyên dành cho con em công nhân gần khu công nghiệp với giá rẻ 700.000 đồng/ tháng. Chị Nụ cho biết, năm nay con đã hơn 3 tuổi, nhưng từ lúc con bắt đầu đi trẻ (2 tuổi) đây là trường mầm non thứ 3 mà chị chuyển cho con.
“Ở trường thứ nhất thấy 1 phụ huynh cùng lớp con kể, chị đi đón con bị ốm về thì thấy con mình (lúc đó mới 2 tuổi) bị nhốt trong toalet của lớp và đang gào khóc ầm ĩ, lý do là con ị ra quần. Sau khi kể lại cho mình thì mẹ đó và mình cũng cho con nghỉ học ở trường luôn. Ở trường thứ 2 thì hàng tháng trời cứ đi học, nhìn thấy cô giáo là con khóc thét lên không chịu vào lớp. Khi hỏi thì con kể là cô Phương (giáo viên lớp con) có cái thước to, bạn nào không ăn bị đánh vào tay đau. Vì không có bằng chứng nên không nói được cô giáo. Mình lại cho con nghỉ học tìm trường khác” – chị Nụ kể.
Vì không có điều kiện, quá bận rộn, nhiều bậc cha mẹ đành phải gửi con ở những nhóm trẻ chi phí thấp, không có camera theo dõi và nơm nớp mỗi ngày phải đưa con đến lớp. Nhiều cha mẹ vì quá lo lắng đã phải lựa chọn cách gửi con về quê cho ông bà nội, ngoại nuôi để lên thành phố làm việc.
Trẻ bị bạo hành, xâm hại thường có thái độ rất khiếp nhược, sợ hãi (Ảnh minh họa IT)
TS Vũ Thu Hương – giảng viên ĐH sư phạm rất bất bình trước những vụ việc bạo hành trẻ em. Bà Hương cho biết, những vụ việc như vậy, phần lớn chỉ xảy ra ở các nhóm trẻ tự phát, tuyển dụng một cách thiếu chuyên nghiệp, người giữ trẻ không có nghiệp vụ sư phạm, thiếu chuyên môn. Những giáo viên mầm non được đào tạo bài bản họ hiểu tâm lý trẻ, biết cách xử lý tình huống và rất ít dùng bạo lực với trẻ.
Để phát hiện trẻ có bị bạo hành ở trường hay không, bà Hương khuyên cha mẹ cần để ý các dấu hiệu có thể nhìn thấy được bằng mắt thường và phải có “chiêu” để khai thác được thông tin từ trẻ:
Thứ nhất, nếu con đột ngột khóc, hờn, nôn ói.... mà con không hề ốm đau hay ươn người thì phải ngay lập tức đề phòng. Nếu 2,3 ngày con đi học đến nhìn thấy ai đó mà khóc thét lên thì phải ngưng ngay và tìm cách chuyển trường cho con. Nhiều khi, người giữ trẻ đánh ko để lại dấu vết trên cơ thể đâu. Bố mẹ phải thật tinh ý.
Thứ 2, khi con về nhà, cha mẹ đừng quên hỏi han con về trường lớp. Tuy nhiên, tuyệt đối không đặt câu hỏi kiểu: Hôm nay con học gì? Mà hỏi kiểu này: Ngày xưa bố/mẹ đi học vui lắm, cô giáo thường cho ăn bánh này, cho ăn kẹo này, cho hát này....Lập tức trẻ sẽ "buôn dưa lê" về lớp học của nó nếu nó đủ khả năng ngôn ngữ để trả lời.
Thứ 3, khi đi đón con, nên quan tâm hỏi han con thật nhiều từ cô giáo. Hỏi cô xem con ăn gì, chơi gì, vui không? Càng tỏ ra quan tâm con bao nhiêu, người giữ trẻ càng phải để ý và cẩn trọng bấy nhiêu. Khi con có vết bầm hay gì đó ở người, bố mẹ đừng làm toáng lên mà hãy im lặng điều tra. Nếu có dấu hiệu rõ hơn thì hãy xử lý.
Thứ 4, một cách khác cũng rất đơn giản giúp cha mẹ phát hiện ra con bị bạo hành là chơi trò "đóng vai". Bố mẹ sẽ làm học sinh và con là cô giáo. Con sẽ diễn lại y chang những gì cô đã làm ở trường lớp. Khi đó, nếu không có bằng chứng để xử lý triệt để, cha mẹ cũng ngay lập tức chuyển trường cho con.
Thứ 5, bố mẹ cần quan sát con nhiều hơn. Nếu con trước nay ko đánh ai bao giờ, đi học về cứ thích đánh đánh người khác thì các bố mẹ cũng nên đề phòng. Hoàn toàn có thể có hình thức bạo lực trong cách dạy dỗ ở trường.
“Chỉ cần để ý và quan sát con, bố mẹ hoàn toàn có thể kiểm soát được việc con ăn, học, ngủ nghê ở trường có an toàn hay không. Nếu con có biểu hiện bất thường mà không có bằng chứng, tốt nhất vẫn nên chuyển trường cho con không nên để tình trạng đó kéo dài” – bà Hương nhấn mạnh.
Tag: clip hành hạ trẻ ở TPHCM, vụ bạo hành trẻ em ở TPHCM, bảo mẫu hành hạ trẻ, vụ bạo hành trẻ em, bạo hành trẻ em, Phạm Thị Mỹ Linh, lớp mẫu giáo Mầm Xanh, khởi tố
Theo Tùng Anh/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)