3 việc TP.HCM cần làm ngay để chặn dịch COVID-19

Google News

Theo PGS Trần Đắc Phu, TP HCM đã xác định được bệnh nhân F0. Nếu làm tốt công tác truy tìm người tiếp xúc để cách ly, dịch sẽ không bùng phát.

Tối 30/11, Bộ Y tế công bố bệnh nhân 1347 mắc COVID-19. Đây là nam giáo viên ở TP.HCM, F1 của tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines (BN1342, đã công bố trước đó). Về tình hình dịch, Zing đã trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế; Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, về vấn đề này.

Sơ hở từ việc cách ly tại nhà

- Liên quan bệnh nhân 1342, nhiều người đang thắc mắc tại sao nam tiếp viên được trở về cách ly tại nhà sau 4 ngày cách ly tập trung. Điều này có sai quy định hay không?

- Nhiều người đặt câu hỏi với tôi về việc liệu Vietnam Airlines và Bộ Y tế có sai sót trong trường hợp này. Tôi khẳng định cả 2 đơn vị này đều làm đúng. Về lý do bệnh nhân này chỉ phải cách ly tập trung 4 ngày, công văn 3588 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã hướng dẫn về việc áp dụng các biện pháp cách ly đối với tổ bay của Vietnam Airlines.

Cụ thể, trong thời gian cách ly tập trung, khi có 2 lần xét nghiệm COVID-19 âm tính (với điều kiện toàn bộ tổ bay và hành khách cũng âm tính 2 lần), họ sẽ được rời khỏi khu cách ly và tiếp tục thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Xét nghiệm lần 2 sau ít nhất 72 giờ kể từ khi lấy mẫu đầu tiên.

3 viec TP.HCM can lam ngay de chan dich COVID-19

Bộ Y tế họp khẩn chiều 30/11 liên quan ca mắc COVID-19 mới. Ảnh: MOH.

Nam tiếp viên cách ly tập trung từ ngày 15/11, sau đó có kết quả 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 nên ngày 18/11 được chuyển cách ly tại nhà. Riêng với trường hợp này, Vietnam Airlines đã xử lý đúng hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Việc bệnh nhân dương tính vào lần xét nghiệm thứ 3 (kết quả ngày 28/11) cũng là điều bình thường. Vì vậy, các chuyên gia đều khuyến cáo người nghi ngờ nhiễm virus cần được theo dõi trong 14 ngày.

- Vậy theo ông sơ hở bắt nguồn từ đâu?

- Để xảy ra sự lây nhiễm này là lỗi của người tiếp viên khi không tuân thủ các nguyên tắc cách ly tại nhà của Bộ Y tế.

Ngay từ khi dịch COVID-19 từ Trung Quốc xâm nhập, chúng tôi đã xây dựng và hoàn thiện hướng dẫn về cách ly, trong đó, cụ thể người cách ly tại nhà/nơi lưu trú cần phải làm gì. Chẳng hạn, nguyên tắc là phải cách ly ở phòng riêng, hạn chế ra khỏi phòng. Họ cũng phải ăn uống riêng, đeo khẩu trang, rửa tay với dung dịch sát khuẩn. Chất thải y tế như khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng của người cách ly phải bỏ vào túi đựng rác thải riêng.

Trường hợp này cách ly tại nhà nhưng lại tiếp xúc mẹ và 2 bạn. Thậm chí, bệnh nhân 1347 còn chuyển đến ở chung. Như vậy đâu phải là cách ly.

3 viec TP.HCM can lam ngay de chan dich COVID-19-Hinh-2

Nhiều khu vực đã được phong tỏa. Ảnh: Chí Hùng.

Xác định được F0

- Ông nhận định về tình hình dịch hiện tại ra sao? Làm thế nào để TP.HCM có thể ngăn chăn dịch lây lan?

- Khi dịch xuất hiện ở Đà Nẵng, chúng ta không xác định được ai là F0. Đồng thời, lúc đó, dịch đã lan rộng và tấn công vào các bệnh viện. Còn ở TP.HCM, may mắn là chúng ta xác định được trường hợp 1342 dương tính trước 14 ngày, phát hiện ngay lúc tiếp xúc với người khác, từ đó mới tìm ra ca bệnh 1347. Như vậy, TP.HCM khác Đà Nẵng vì đã tìm ra bệnh nhân F0.

Chính vì thế, ngay bây giờ, chúng ta có 3 điều cần phải làm. Một là tìm toàn bộ F1, F2 của trường hợp này để cách ly, xét nghiệm theo quy định. Sau đó, tổ chức cách ly cộng đồng, phong tỏa những địa điểm cần thiết. Cuối cùng và rất quan trọng là chấn chỉnh lại việc tự cách ly tại nhà của người dân hiện nay. Quy định, hướng dẫn đã có mà người dân không thực hiện thì chẳng khác việc cố tình vượt đèn đỏ.

- Ông có lời khuyên với người dân trong bối cảnh hiện tại?

- Người dân không nên lo lắng quá. Bộ Y tế đang chỉ đạo rất quyết liệt. Hiện việc truy vết, tìm người tiếp xúc để cách ly rất quan trọng. Ngay từ thời điểm trước, Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân không được lơ là, chủ quan trong tình hình mới, thực hiện đủ 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế. Chúng ta sợ mà không thực hiện, không tuân thủ quy định.

Hiện tình hình trên thế giới rất phức tạp, các nước bên cạnh như Campuchia vẫn có lây lan trong cộng đồng. Người dân không được chủ quan. Trường hợp nam tiếp viên là một ví dụ của việc chủ quan, dẫn tới hệ quả là có ca lây trong nước.

Theo Hà Quyên/ Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)