TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu: Người Việt trẻ sở hữu 16 bài báo quốc tế

Google News

Không chỉ có niềm đam mê Vật lý bất tận, Tiến sĩ Nguyễn Trương Thanh Hiếu còn có 16 bài báo quốc tế. Đây là khối gia tài trí thức đáng nể ai cũng hằng ao ước.

Anh Nguyễn Trương Thanh Hiếu năm nay 35 tuổi, quê ở thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà). Nhờ có cha làm việc tại Thư viện thành phố Nha Trang nên từ khi còn nhỏ, anh Hiếu đã có cơ hội tiếp cận và đọc nhiều đầu sách khoa học. Từ chỗ đọc vì tò mò, dần dần anh đâm ra say mê và xem sách trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Lớn lên một chút, cậu bé Hiếu biết đến nhà vật lý và hóa học Marie Curie. Ngưỡng mộ, say mê với các công trình nghiên cứu của bà, Hiếu càng có động lực theo đuổi các môn học tự nhiên, đặc biệt là vật lý.
Thời cấp 3, anh Hiếu học Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn của tỉnh và vào đại học khoa Vật lý Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM. Sau khi học 1 học kỳ ở đại học, anh là số ít sinh viên nhận được học bổng đi học tại Đại học Tổng hợp Kỹ thuật quốc gia Volgograd (Nga). Anh bắt đầu theo học tại Trường đại học này từ năm 2005 rồi lấy bằng Cử nhân (năm 2009), thạc sĩ (2011) và tiến sĩ Vật lý (2015).
Thời còn là sinh viên bên Nga, Hiếu đã gặt hái cho mình nhiều thành tích trong các cuộc thi nghiên cứu khoa học như: Giải Ba Hội nghị các nhà nghiên cứu trẻ khu vực Volgograd (2008), giải nhất Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học Trường Đại học Tổng hợp Kỹ thuật quốc gia Volgograd (2009), giải nhất (Poster, Vật lý) Hội nghị quốc tế các nhà khoa học trẻ “Lomonosov 2013” (2013).
TS. Nguyen Truong Thanh Hieu: Nguoi Viet tre so huu 16 bai bao quoc te
Điều duy nhất khiến TS Hiếu hài lòng đó là vẫn yêu thích và theo đuổi Vật lý từ lúc quyết định thi vào đại học cho đến lúc trở về từ Nga. Ảnh: @Google. 
Tại đây, Hiếu có nhiều cơ hội tiếp cận với bạn bè, thầy cô nước ngoài, điều đó đã giúp anh tích lũy cho mình rất nhiều vốn sống và kiến thức về khoa học. Trong một đề tài nghiên cứu khoa học của mình tại nước Nga, Hiếu được tiếp cận với tán xạ năng lượng đàn hồi, kể từ đó "đối tượng này" đã lọt vào "mắt xanh" và làm anh say mê, gắn bó cho đến bây giờ. Với Hiếu, tán xạ điện tử là một chủ đề rất lớn, đã có nhiều nhà khoa học nghiên cứu và phát triển bằng lý thuyết lẫn thực nghiệm để xác định đại lượng quan trọng này.
Sau khi về Việt Nam, anh Hiếu từng làm trợ giảng tại trường mình từng theo học năm đầu đại học, sau đó chuyển công tác đến Viện Tiên tiến Khoa học vật liệu (Đại học Tôn Đức Thắng) làm nghiên cứu khoa học và tham gia giảng dạy cho nghiên cứu sinh của Viện Khoa học tính toán nhà trường, anh vẫn tiếp tục theo đuổi tán xạ điện tử năng lượng thấp.
Ở tuổi 34, anh có 16 bài báo quốc tế, trong đó, bài báo về công trình nghiên cứu “Quãng đường tự do trung bình không đàn hồi của điện tử năng lượng thấp trong vật liệu” (Low-energy electron inelastic mean free path in materials) đã giúp anh trở thành 1 trong 3 nhà khoa học Việt Nam được nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020.
Công trình của anh được Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận xét: “Trong nghiên cứu “Low-energy electron inelastic mean free path in materials” [Applied Physics Letters, 108, p.172901 (2016)], tác giả đã đề xuất một phương pháp tổng quát để xác định quãng đường tự do trung bình của điện tử năng lượng thấp.
TS. Nguyen Truong Thanh Hieu: Nguoi Viet tre so huu 16 bai bao quoc te-Hinh-2
Nguyễn Trương Thanh Hiếu năm nay 35 tuổi, quê ở thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà). Ảnh: @Google. 
Với công trình “Low-energy electron inelastic mean free path in materials” xuất bản trên tạp chí uy tín Applied Physics Letters, TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu đã khiến giới khoa học trong nước sửng sốt khi đi tìm lời giải trong bài toán xác định quãng đường tự do trung bình không đàn hồi của điện tử năng lượng thấp trong vật liệu, vốn còn chưa được xác lập một cách chính xác do độ bất định lớn và không đáng tin cậy của các phương pháp hiện hành.
Theo đó, đại lượng này được xác định trong hệ hình thức điện môi, sử dụng hàm mất năng lượng thu được từ các tính toán nguyên lý đầu. Phương pháp này có thể áp dụng cho nhiều loại vật liệu khác nhau, từ vật liệu khối có cấu trúc chu kỳ cho đến vật liệu vô định hình (như nước lỏng) và cả vật liệu hai chiều đang rất được quan tâm hiện nay. Tính tổng quát của phương pháp được đề xuất có ý nghĩa rất quan trọng, vì như đã giới thiệu ở trên, các lĩnh vực khác nhau đòi hỏi thông tin về quãng đường tự do trung bình của điện tử năng lượng thấp trong các vật liệu khác nhau.
Công trình được anh lên ý tưởng từ tháng 9/2015, sau quá trình thử nghiệm, tìm ra kết quả, và viết bản thảo, đến tháng 3/2016, anh gửi bài viết cho tạp chí Applied Physics Letters.
TS. Nguyen Truong Thanh Hieu: Nguoi Viet tre so huu 16 bai bao quoc te-Hinh-3
 Nguyễn Trương Thanh Hiếu: Tiến sĩ trẻ đam mê Vật lý bất tận, có 16 bài báo quốc tế. Ảnh: @Google.
Anh Hiếu nhận định, Việt Nam là một đất nước đang trên đà phát triển, nhưng về cơ bản, các thiết bị phục vụ trong nghiên cứu vẫn còn hạn chế hơn so với các nước khác trên thế giới.
“May mắn là tôi nghiên cứu về mặt lý thuyết nên cũng không gặp quá nhiều khó khăn về cơ sở vật chất như nghiên cứu thực nghiệm. Về nguồn tài liệu quốc tế, hơn 10 năm trước thì khá khó khăn, các đồng nghiệp, nhà khoa học trong nước đều phải tự tìm nguồn riêng cho mình. Còn hiện nay đã thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, các tạp chí cũng có những chính sách cởi mở hơn, tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu”, anh nói.
“Sau nhiều bài báo, nhiều công trình nghiên cứu mà tôi đã làm, tới công trình này tôi mới giải quyết được một cách rõ ràng nhất, xác định được quãng đường tự do trung bình của điện tử năng lượng thấp. Đây là thành quả mà tôi cảm thấy rất hài lòng. Thời gian tới tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu về tán xạ điện tử, nhưng chú trọng vào khía cạnh động lực học điện tử” - anh Hiếu tiết lộ.
Anh Hiếu quan niệm rằng: "Trong nghiên cứu khoa học cần cố gắng giải quyết những vấn đề còn vướng mắc trong chuyên ngành thì thành quả mà mình gặt hái được mới có giá trị".
“Tôi là người đi sau, nhận kiến thức từ những người đi trước, nếu đã nhận thì cũng phải biết cho đi, nên tôi chọn cách cho bằng cách đóng góp, thúc đẩy cho sự phát triển trong chuyên ngành. Rộng hơn nữa là thúc đẩy cho sự phát triển của khoa học công nghệ nói riêng và xã hội nói chung” - anh Hiếu bày tỏ. 
Huỳnh Dũng (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)