Phát hiện loài hươu cao cổ lùn nhất thế giới

Google News

Các nhà khoa học suy đoán lý do một số con hươu cao cổ không sở hữu chiếc chân dài thường gặp có liên quan đến chứng loạn sản xương.

Phat hien loai huou cao co lun nhat the gioi

Cao lớn là lợi thế cạnh tranh của hươu cao cổ, vì hươu cao cổ có thể hái lá từ những cây cao nhất, vì vậy các nhà khoa học đã vô cùng sửng sốt khi phát hiện ra hai chú hươu cao cổ lùn ở hai phía khác nhau của châu Phi.

Julian Fennessy, đồng sáng lập của Tổ chức Bảo tồn Hươu cao cổ, nói với Reuters rằng: “Thật hấp dẫn với những gì mà các nhà nghiên cứu của chúng tôi tìm thấy trong lĩnh vực này. Chúng tôi đã rất ngạc nhiên".

Hầu hết các con hươu cao cổ đều phát triển đến 15 - 20 feet (4,5 - 6 mét), nhưng vào năm 2018, các nhà khoa học làm việc với tổ chức này đã phát hiện ra một con hươu cao cổ chỉ cao khoảng 2,6 mét ở Namibia.

Ba năm trước đó, họ cũng đã tìm thấy một con hươu cao cổ cao khoảng 2,8 mét trong một công viên động vật hoang dã ở Uganda.

Họ đã công bố phát hiện của mình trên Tạp chí Y khoa Anh vào cuối tháng trước.

Trong cả hai trường hợp, hươu cao cổ đều có cổ dài tiêu chuẩn nhưng chân ngắn và khẳng khiu.

Nguyên nhân lý giải điều này được cho là do chứng loạn sản xương (thuật ngữ chung chỉ những chứng bệnh ảnh hưởng tới chiều dài chi, bao gồm chứng lùn), ảnh hưởng đến con người và động vật thuần hóa. Nhóm nghiên cứu cho biết đây là lần đầu tiên hội chứng tương tự loạn sản xương ở hươu cao cổ hoang dã.

Những hình ảnh được chụp lại cho thấy con hươu cao cổ Uganda đứng trên đôi chân dày và cơ bắp trong công viên quốc gia Murchison Falls ở miền bắc Uganda, trong khi một con hươu cao cổ khác với đôi chân dài như  bình thường đi phía trước nó.

Fennessy nói rằng, rất có thể chúng sẽ không thể sinh sản với những đồng loại có kích thước bình thường.

Kích thước nhỏ bé còn có thể khiến hươu cao cổ lùn dễ bị săn mồi hơn vì chúng không có khả năng chạy và đá hiệu quả, đây là hai trong những chiến thuật đối phó động vật ăn thịt hiệu quả nhất của loài hươu cao cổ.

Fennessy còn nói đó là do mất môi trường sống, môi trường sống bị chia cắt, dân số ngày càng tăng, đất canh tác nhiều hơn cùng với việc săn bắt trộm động vật, biến đổi khí hậu…đã làm cho số lượng các loài động vật có vú cao nhất thế giới đã giảm khoảng 40% trong vòng 30 năm qua xuống còn khoảng 111.000 con.

Nhưng những nỗ lực bảo tồn đã giúp số lượng bắt đầu phục hồi trong thập kỷ qua, ông nói thêm.

Theo Giaoducthoidai

>> xem thêm

Bình luận(0)