Kỹ sư Tạch mổ xẻ “CSGT dùng bùi nhùi tóm quái xế“

Google News

(Kiến Thức) - Kỹ sư Lê Văn Tạch cho rằng, việc CSGT dùng bùi nhùi “tóm” quái xế khá hiệu quả nhưng không phải là một giải pháp tốt.

Liên quan đến việc dùng lưới bùi nhùi bắt quái xế gây tranh cãi của CSGT Thanh Hóa đang được đề xuất cho sử dụng tại Hà Nội, trao đổi với Kiến Thức, Kỹ sư Lê Văn Tạch cho rằng, biện pháp này khá hiệu quả nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ khó lường.

Dưới góc độ kỹ thuật, theo anh Tạch, việc CSGT sử dụng bùi nhùi lưới đánh cá để tóm bắt người đi xe máy lạng lách, đua xe trái phép trên đường là áp dụng triệt để ứng dụng của lực ma sát. Bởi về mặt kỹ thuật, để một xe máy có thể di chuyển ổn định trên đường thì cần phải có lực ma sát giữa các lốp xe với mặt đường.

Cụ thể, với những xe máy bình thường thì bánh sau quay được là nhờ có năng lượng từ động cơ truyền tới. Lốp sau tiếp xúc trực tiếp mặt đường và đẩy xe về phía trước. Khi đó lực ma sát không những có tác dụng ổn định vị trí tương đối giữa lốp sau với mặt đường mà còn tạo ra phản lực giữa lốp xe với mặt đường làm cho xe được đẩy đi về phía trước.

Còn để điều khiển được hướng đi thì lốp trước phải tiếp xúc và tỳ xuống mặt đường. Khi đó lực ma sát có tác dụng ổn định vị trí tương đối giữa lốp trước với mặt đường để xe có thể đúng hướng tương ứng với góc quay của gi-đông.

 CSGT dùng lưới bùi nhùi tóm "quái xế" ở Thanh Hóa.
Do vậy, anh Tạch cho rằng, khi CSGT dùng bùi nhùi lưới đánh cá để chặn xe thì sẽ có hai khả năng xảy ra.

Khả năng thứ nhất là lưới bị quấn gần như hoàn toàn vào các nan hoa và trục quay của bánh xe khiến bánh xe bị hãm dần. Trong trường hợp này thì xe sẽ chuyển động chậm dần và CSGT có thể chặt được xe một cách khá an toàn.

Tuy nhiên, rất có thể sẽ xảy ra khả năng thứ hai là một phần đáng kể lưới bị nằm trên mặt đường và một hoặc cả hai bánh xe máy đi lồng trên lưới đó, dễ xảy ra tai nạn. Bởi lưới được làm từ dây cước và được đan lại thành dải. Khi dải lưới được cuộn lại thành dạng bùi nhùi thì đồng nghĩa với việc tạo ra nhiều lớp lưới xếp chồng lên nhau. 

Do vậy, khi bánh sau đang nhận được công suất từ động cơ mà gặp bùi nhùi lưới thì sẽ làm cho một số lớp lưới tiếp xúc trực tiếp với lốp xe bị dịch chuyển tương đối theo lốp xe. Còn một số lớp lưới ở sát mặt đường sẽ không bị dịch chuyển do ma sát giữa các lớp lưới rất nhỏ sinh ra lực ma sát giữa lốp xe với mặt đường rất nhỏ, không thể tạo lực đẩy và cũng không thể giữ ổn định vị trí của lốp sau với mặt đường. Trong tình huống này, bánh sau dễ bị trượt ngang làm người điều khiển không kiểm soát được hướng nên dễ gây tai nạn.

Nếu bánh trước đi trên bùi nhùi lưới đánh cá cũng tương tự như bánh sau và đều dẫn đến hậu quả là lực ma sát giữa lốp xe với mặt đường gần như bị triệt tiêu làm mất ổn định vị trí tương đối giữa lốp trước với mặt đường. Đặc biệt, bánh trước dễ bị trượt ngang khi xe đang cua nên dễ gây tai nạn. 

 Kỹ sư Lê Văn Tạch.

Từ góc nhìn kỹ thuật, anh Tạch khẳng định, việc dùng bùi nhùi lưới để tóm bắt người điếu khiển xe máy lạng lách, đua xe trái phép trên đường là có hiệu quả bởi xe dính lưới thường chỉ có thể bị lưới quấn chặt dần khiến xe từ từ dừng lại hoặc xe bị đổ ngã do mất lái. Tuy nhiên giải pháp này có nguy cơ gây tai nạn không những cho người trực tiếp điều khiển xe máy lạng lách đó mà cả đối với nhiều người tham gia giao thông khác.

“Suy cho cùng, chặn, bắt quái xế đua xe, lạng lách trên đường là để tránh nguy cơ gây tai nạn giao thông. Nhưng giải pháp dùng bùi nhùi lưới lại có khả năng trực tiếp gây ra tai nạn, nhất là ở những nơi mật độ phương tiện tham gia giao thông cao như ở Hà Nội. Do vậy, dù có hiệu quả nhưng tôi không cho đây là một giải pháp tốt”, anh Tạch nói.

Trước đó, cuối năm 2011, CSGT Thanh Hóa đã áp dụng biện pháp dùng lưới đánh cá chống đua xe trái phép. Theo đó, nếu người điều khiển chống đối, lạng lách bỏ chạy thì CSGT sẽ ném lưới vào bánh xe môtô để khống chế phương tiện vi phạm. Nếu trúng thì lưới sẽ cuốn vào may ơ, găm vào nan hoa, giảm xóc... và bó chặt bánh khiến xe không thể di chuyển.

Biện pháp này đã hạn chế được tình trạng đua xe trái phép trên địa bàn. Hiện Thanh Hóa nghiên cứu sản xuất một loại thiết bị tương tự như súng, có chức năng phóng lưới để trang bị cho CSGT.

Tuy nhiên, một số người dân Thanh Hóa lại phản đối kịch liệt vì cho rằng nó có thể gây tai nạn cho người vi phạm. Họ cũng đã thấy có nhiều trường hợp do bị quăng lưới đã té ngã, bị thương.

TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU


Minh Tùng

Bình luận(0)