Trận đánh xóa sổ Thục Hán: 2.000 tàn binh đánh bại 7 vạn quân thục

Google News

Năm 263, nhà Thục Hán diệt vong sau khi quân Thục đại bại dưới tay nhà Ngụy trong trận đánh cuối cùng.

Sơ lược về bối cảnh nhà Thục Hán diệt vong

Gia Cát Chiêm sinh năm Kiến Hưng thứ 5 (năm 227), lúc ấy Gia Cát Lượng đã 46 tuổi, dâng lên "Xuất sư biểu", chuẩn bị bắt đầu Bắc phạt lần thứ nhất.

Năm Kiến Hưng thứ 12 (năm 234), sau lần Bắc phạt thất bại cuối cùng của Gia Cát Lượng, ông qua đời vì bệnh tại Ngũ Trượng Nguyên.

Trước lúc lâm chung, Gia Cát Lượng viết tác phẩm "Giới tử thư", Gia Cát Chiêm khi ấy 8 tuổi được kế thừa tước vị Vũ Hương hầu.

Năm Diên Hy thứ 6 (năm 243), Gia Cát Chiêm 17 tuổi, lấy công chúa của Thục Hán làm vợ, được giao chức Kỵ đô úy, bắt đầu chính thức bước vào quan trường.

Từ đó, Gia Cát Chiêm lần lượt đảm nhiệm chức vụ Trung lang tướng Cấm vệ quân, Thượng thư Bộc xạ, kiêm chức Quân sư tướng quân.

Năm Cảnh Diệu thứ 4 (năm 261), đảm nhiệm Đại lý đô hộ kiêm Vệ tướng quân, cùng Phụ quốc đại tướng quân Đổng Quyết quản lý chính vụ của Thượng thư đài, thống lĩnh quốc sự.

Năm Cảnh Diệu thứ 6 (năm 263), Chinh Tây tướng quân Đặng Ngải của nước Nguỵ đánh úp vào Âm Bình, tấn công từ Cảnh Cốc.

Gia Cát Chiêm dẫn theo Thượng thư Trương Tuân, Thượng thư lang Hoàng Sùng, Hữu bộ đốc Cấm vệ quân Lý Cầu dẫn quân đón địch.

Cuối cùng, Gia Cát Chiêm và con trai của mình là Gia Cát Thượng, Trương Tuân, Hoàng Sùng, Lý Cầu đều chết trận; Đặng Ngải kéo đến Thành Đô, Hậu chủ Lưu Thiện đầu hàng, chính quyền Thục Hán diệt vong.

Tran danh xoa so Thuc Han: 2.000 tan binh danh bai 7 van quan thuc

Cách nói "Bảy vạn hùng binh của Gia Cát Chiêm bại dưới tay hai ngàn tàn binh của Đặng Ngải" xuất phát từ hồi thứ 117 trong "Tam Quốc diễn nghĩa": "Đặng Sĩ Tái lẻn qua núi Âm Bình; Gia Cát Chiêm chết tại thành Miên Trúc".

Với thể loại tiểu thuyết diễn nghĩa, trong quá trình sáng tác, để hình tượng được sinh động, việc thêm thắt là không thể tránh khỏi.

Chính sử quả thật không hề ghi lại hai bên Gia Cát Chiêm, Đặng Ngải có bao nhiêu binh mã khi giao tranh, cũng không thể khảo cứu được. Nhưng việc Gia Cát Chiêm thất bại và tử trận trong trận này là sự thật.

Trận đánh chấm dứt sự tồn tại của nhà Thục Hán

Trận đánh Miên Trúc xảy ra vào giai đoạn cuối của Tam Quốc, là một trận mấu chốt để Nguỵ diệt Thục.

Năm Quý Mùi thứ 6 (năm 263), Tư Mã Chiêu quyết định khai chiến với Thục Hán.

Quân Nguỵ vốn định chia làm ba đường, Đặng Ngải tấn công Khương Duy, Gia Cát Tự phụ trách chặn đường lui của Khương Duy, còn Chung Hội sẽ nhân cơ hội đó tiến đánh Hán Trung.

Kế hoạch của quân Nguỵ không tồi, vậy nhưng Khương Duy đã ứng phó tài tình khiến quân Nguỵ không thể ngờ tới.

Sau khi giao chiến với Đặng Ngải, Khương Duy tiếp tục tránh được Gia Cát Tự, rồi lại ngăn quân chủ lực của Chung Hội tấn công vào Hán Trung. Cứ như vậy, chủ lực của hai bên đối đầu trong thế giằng co.

Đặng Ngải đề xuất bản thân mình sẽ dẫn binh đi đường vòng qua Âm Bình, đánh úp Giang Du, mở ra cục diện. Đặng Ngải tập kích bất ngờ khiến tướng thủ vệ Giang Du chưa đánh đã hàng.

Lúc này Lưu Thiện mới phái Gia Cát Chiêm dẫn quân đón đánh Đặng Ngải. Gia Cát Chiêm nhận lệnh đánh với Đặng Ngải, nhưng cuối cùng thất bại. 

Tran danh xoa so Thuc Han: 2.000 tan binh danh bai 7 van quan thuc-Hinh-2

Nguyên nhân khiến Gia Cát Chiêm bại trận

Trước tiên, Gia Cát Chiêm vốn không phải tướng tài, không hề phù hợp với việc dẫn quân đánh trận.

Sau khi Lưu Bị qua đời, Gia Cát Lượng một lòng Bắc phạt hoàn thành đại nghiệp, nhưng lao lực lâu ngày nên sinh bệnh, qua đời tại Ngũ Trượng Nguyên.

Dân chúng Thục Hán cảm nhớ thừa tướng đã cúc cung tận tuỵ, do đó có phần khen ngợi Gia Cát Chiêm, hễ trong triều có chính sách tốt nào được ban bố, họ sẽ quy công lao đó cho ông.

Trên thực tế, Gia Cát Chiêm tinh thông thư hoạ, lại biết nhiều nhớ lâu, quả thật là nhân tài, nhưng lại không thạo cầm quân đánh trận.

Khi Gia Cát Lượng qua đời, Gia Cát Chiêm mới chỉ tám tuổi. Đứa trẻ nhỏ tuổi như thế không thể theo cha đi Nam chinh Bắc chiến, kinh nghiệm của Gia Cát Lượng hiển nhiên cũng khó thể truyền lại. Về sau, việc Bắc phạt do Khương Duy phụ trách.

Nhìn chung trong lịch sử, Gia Cát Chiêm không hề giành được thành tựu đáng tự hào về mặt quân sự, đột nhiên cử ông đi nghênh chiến, khó tránh bại trận.

Ngoài việc không giỏi chinh chiến, Gia Cát Chiêm còn không chịu cân nhắc những lời khuyên chính đáng, dẫn đến bỏ lỡ cơ hội tốt.

Gia Cát Chiêm dẫn quân đi nghênh chiến, sau khi đến Bồi Huyện đã không tiến thêm. Lúc này, Thượng thư lang Hoàng Sùng khuyên ông giành lấy thời cơ quan trọng, chiếm lấy những nơi hiểm yếu trước. Gia Cát Chiêm không đồng ý với việc này, cứ lưỡng lự để rồi cuối cùng mất đi cơ hội tốt, khiến Đặng Ngải có thể đánh thẳng một mạch.

Đặng Ngải đánh bại quân tiên phong của Thục, khiến Gia Cát Chiêm không thể không lui về thủ thành Miên Trúc.

Ngoài việc này ra, tướng Thục Lý Cầu cũng từng nêu kiến nghị với Gia Cát Chiêm, đề xuất quân Thục chia binh ra khỏi thành, canh giữ cửa ải hiểm yếu.

Nhưng đề xuất ấy cũng không hề được tiếp nhận trong khi những đề xuất này đều có điểm đáng tiếp thu. Nếu như tiếp nhận, tuy rằng chưa chắc có thể giành thắng lợi, nhưng ít nhất có thể kéo dài một khoảng thời gian.

Tran danh xoa so Thuc Han: 2.000 tan binh danh bai 7 van quan thuc-Hinh-3

Về mặt quân binh, nếu so sánh, quân Thục quả thật có số lượng đông đảo hơn, nhưng quân sĩ chưa hẳn tinh nhuệ, tướng sĩ chưa hẳn đã giỏi giang. Binh lực quân Nguỵ trên thực tế không nhiều, nhưng lại được Đặng Ngải lựa chọn cẩn thận.

Trước khi Đặng Ngải lẻn qua Âm Bình, ông đã cẩn thận chọn ra ba vạn binh sĩ, những binh sĩ này vốn rất xuất sắc.

Từ Âm Bình tới Giang Du, tuy Thục Hán không hề bố trí phòng ngự, nhưng núi cao cản trở, hoang vu hẻo lánh nên ít người đặt chân tới. Nếu muốn vượt qua đoạn đường bảy trăm dặm đường, mức độ khó khăn là vô cùng lớn.

Quân Nguỵ đã phải trải qua khó khăn này, bởi vậy những người còn lại nên gọi là tinh binh thay vì tàn binh. Điều này cũng khó trách tướng thủ vệ Giang Du thấy quân Nguỵ như thiên binh thiên tướng, chưa đánh đã hàng.

Tinh binh của Thục Hán phần lớn được Khương Duy lãnh đạo, tố chất quân sự của binh lính do Gia Cát Chiêm dẫn đầu khá kém cỏi, ngay cả tướng lĩnh Lý Cầu cũng là lâm trận nhận lệnh.

Khi giao tranh, ngoài yếu tố khách quan, tinh thần của binh sĩ cũng là điểm không thể xem nhẹ.

Một năm trước trận Miên Trúc, lần Bắc phạt thứ 11 của Khương Duy tuyên bố thất bại, quân Thục chuyển qua tình trạng bị động phòng ngự.

Nhận định của toàn thể quân Thục đối với tình hình chiến tranh không hề lạc quan, đây cũng là nguyên nhân Giang Du chưa đánh đã hàng.

Trước khi trận Miên Trúc nổ ra, Gia Cát Chiêm từng tự trách, đối nội không thể diệt trừ hoạn quan Hoàng Hạo, đối nội cũng không thể giữ cân bằng với Khương Duy, tiến quân cũng không thể bảo vệ lãnh thổ quốc gia.

Bản thân ông đã có ba tội, hổ thẹn không thể quay về, quyết định đánh một trận sinh tử với quân Nguỵ.

Do đó có thể thấy, Gia Cát Chiêm không hề ôm ý định phải chiến thắng để quyết chiến với quân Nguỵ, mà chỉ muốn trốn tránh. Tướng lĩnh còn như vậy, huống chi binh sĩ?

Tran danh xoa so Thuc Han: 2.000 tan binh danh bai 7 van quan thuc-Hinh-4

Quân Thục ủ rũ, quân Nguỵ lại sục sôi tinh thần chiến đấu. Khi trận Miên Trúc bắt đầu, Đặng Ngải cử con trai mình là Đặng Trung tấn công từ phía bên phải, cử Sư Toản đánh bọc sườn bên trái, kết quả là đều bị đánh bại.

Hai người báo cáo lại là tình thế khó khăn, Đặng Ngải nổi trận lôi đình, quát mắng rằng sống chết được quyết định bởi trận này, không gì là không làm được, đồng thời đòi cho chém đầu hai người này. Tuy nhiên về sau, 2 người họ lấy công chuộc tội, xuất binh lần nữa, đánh bại quân Thục.

Có thể thấy, Đặng Ngải mang theo quyết tâm một trận sống mái, lập trường kiên định với vai trò tướng lĩnh, quân lệnh đưa ra lại kịp thời đanh thép, hiển nhiên tinh thần của binh sĩ sẽ dâng cao, quân Nguỵ chiến thắng cũng không ngoài dự tính.

Ải Miên Trúc bị mất, lá chắn cuối cùng của Thành Đô bị vỡ, lực lượng quân sự cuối cùng là quân của Lai Hàng đô đốc Hoắc Dặc ở xa không kịp tới. Hậu chủ đầu hàng, Thục Hán chính thức mất nước.

Trận chiến Miên Trúc dù khiến người ta tiếc nuối, nhưng đổ hết tội lỗi lên người Gia Cát Chiêm cũng là không hợp lý.

Gia Cát Chiêm quả thật thất sách, nhưng cho dù ông có giành được thắng lợi ngắn ngủi, sức mạnh quốc gia của Thục Hán đã kém xa so với Nguỵ, diệt vong chỉ là chuyện sớm muộn.

Theo PV/ Pháp luật và Bạn đọc

>> xem thêm

Bình luận(0)