Tiết lộ luật chế biến đồ ăn, thuốc uống của đế vương xưa

Google News

(Kiến Thức) - Người ta thường nghe nói đến món sơn hào hải vị đế vương xưa dùng, nhưng ít ai biết rằng phía sau đó là các quy định xử lý đối với những hành vi bị coi là đe dọa đến sự an nguy, sự cao quý của bậc thiên tử. 

Đưa tạp dược vào bếp bắt tự uống để kiểm nghiệm

Trong số các bộ luật của các triều đại phong kiến Việt Nam, Quốc triều hình luật (Bộ luật Hồng Đức thời Hậu Lê) và Hoàng Việt luật lệ (Bộ luật Gia Long thời triều Nguyễn) được đánh giá có nhiều điểm nổi bật. Đây cũng là hai bộ luật hiếm hoi có các điều khoản đề cập đến việc chế biến đồ ăn, thức uống cũng như bào chế, sắc thuốc cho đế vương kèm theo đó là các quy định xử lý đối với những hành vi bị coi là đe dọa đến sự an nguy, sự cao quý của hoàng đế.

Trước tiên là quy định cấm xâm phạm vào khu vực dành riêng để nấu nướng, chế biến đồ ăn, hoặc khu vực sắc thuốc của vua. Điều 51 của Quốc triều hình luật có quy định hình thức xử lý những trường hợp tự tiện vào khu vực hoàng thành, khu vực mà vua nghỉ ngơi, làm việc…

Tiet lo luat che bien do an, thuoc uong cua de vuong xua

Canh gác tại Sở ngự thiện. Hình minh họa. 

Trong đó đối với hành vi vào khu vực sắc thuốc hay khu vực nấu đồ ăn cho vua mà không được phép cũng bị xử lý nghiêm khắc: “Người tự tiện vào nơi sắc thuốc và nơi nấu ăn của vua thì phải đày đi châu xa (với quan thường trực chỉ được đến ngoài cửa các nơi này, nếu vào lầm thì phải tội biếm hay đồ)”.

Theo điều 1 của Quốc triều hình luật đối với người bị đày đi châu xa thì bị “đánh 100 trượng, thích vào mặt 10 chữ, bắt đeo xiềng 3 vòng, đày đi làm việc ở các xứ Cao Bằng”. Còn biếm, là giáng tư cách xuống theo các bậc khác nhau; đồ là bị giam cầm và bắt phải làm việc khổ sai.

Trong bộ Hoàng Việt luật lệ ở phần Nghi chế không có điều nào giống như nội dung trên của Quốc triều hình luật nhưng lại có quy định về việc xử lý hành vi mang thuốc vào khu vực nấu ăn: “Nếu quan giám lâm, đề điệu và những người đầu bếp nhầm lẫn mang tạp dược đến chỗ nấu ăn, thì bị phạt đánh 100 trượng, các tạp dược đã mang đó bắt phải tự uống hết. Những người đầu bếp ở sở ngự thiện mà phạm tội, quan thủ vệ lơ là việc kiểm tra cũng cùng bị tội như phạm nhân, tất cả các việc đó đến khi xảy ra phải tâu trình để khu xử”.

Nội dung quy định này được giải thích thêm như sau: “Nơi nấu ăn không phải là nơi dùng thuốc, quan giám lâm, đề điệu và những người đầu bếp không phải là người mang thuốc, nếu đem tạp dược đến nơi nấu ăn thì phạt đánh 100 trượng, số thuốc đó bắt phải tự uống để kiểm nghiệm. Những người đầu bếp phạm tội, quan giám lâm, đề điệu biết mà không tâu lên và quan gác cửa, quan thủ vệ trực nhật ở sở ngự thiện lơ là việc kiểm tra cũng cùng bị tội, đều phạt đánh 100 trượng.

Các tội kể trên, tuy pháp luật đã định rõ nhưng không được tự tiện xét xử, đều phải ngay khi xảy ra tâu trình lên để khu xử, hoặc y theo luật, hoặc xét xử riêng xin bề trên phán quyết”.

Hình phạt về phạm sai lầm khi nấu thức ăn  

Tiếp đến là các điều luật quy định liên quan đến đồ ăn cho vua dùng, không chỉ nấu nướng chu đáo, cẩn thận mà người đầu bếp nếu vô ý sơ xuất, hoặc cố tình phạm phải những điều cấm thì sẽ bị xử lý tùy theo mức độ. Tại điều 111 Quốc triều hình luật quy định:

“Những người làm ngự thiện mà phạm lầm phải những đồ ăn cấm kị thì người chủ thực bị xử tội lưu; nếu có những vật uế tạp, độc hại lẫn vào trong đồ ăn thức uống thì xử tội đồ hay lưu. Lựa chọn đồ ăn không cẩn thận thì xử phạt 50 roi, biếm một tư. Cố ý dùng những đồ uế tạp độc hại thì xử tội tử hình. Nếu phải nếm trước các thứ đồ ăn mà không nếm, hay nếm không cẩn thận thì xử tội nhẹ hơn một bậc”.

Tiet lo luat che bien do an, thuoc uong cua de vuong xua-Hinh-2

Quan hầu dâng đồ uống cho vua dùng khi mới thức giấc. (Hình minh họa)

Cũng trong văn bản pháp luật này, tại điều 115 có quy định: “Những quan ty giám đương và người coi Sở ngự thiện nếu vô ý đem các thứ thuốc đến Sở ngự thiện: Thuốc lành thì xử tội đồ, lưu; thuốc độc thì xử tội chém. Cho đến những người được vào cung điện mà đem thuốc độc vào thì xử tội giảo”.

Sở ngự thiện chính là bộ phận làm cơm dâng lên vua dùng, đây cũng là đối tượng chính phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các sai sót trong việc sửa soạn các món đồ ăn thức uống để dâng lên vua “ngự”.

Ở phần Nghi chế của bộ Hoàng Việt luật lệ thì quy định về lựa chọn, chế biến đồ ăn cho vua như sau:

“Nếu làm món ăn cho vua, nhầm lẫn phạm vào các món bị cấm thì đầu bếp bị phạt đánh 100 trượng. Nếu các đồ ăn thức uống không sạch sẽ thì bị phạt 80 trượng, chọn lựa không phải đồ ăn hảo hạng thì bị phạt đánh 60 trượng; đồ ăn thức uống của vua mà không nếm trước thì bị phạt đánh 80 trượng. Quan giám lâm và đề điệu (quan giám sát và cai quản) đều giảm hai bậc so với tội của thày thuốc và đầu bếp”.

Tài liệu tham khảo:

Đại Việt sử ký toàn thư

Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam

Hoàng Việt luật lệ

Bộ luật Hồng Đức

Lê Thái Dũng

>> xem thêm

Bình luận(0)