Sử gia nước Việt đầu tiên và chuyện được vợ nhờ... học giỏi

Google News

Tài học của Lê Văn Hưu không chỉ giúp ông rạng danh với đời mà còn được thầy yêu quý, chọn làm con rể.

Lê Văn Hưu (1230-1322), người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nay thuộc Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Theo sử liệu còn đến ngày nay, Lê Văn Hưu là con của Lê Văn Minh. Ông Minh mất từ khi Lê Văn Hưu chưa chào đời.
Sách Tấm gương hiếu học kể rằng khi mới khoảng 4 tuổi, Lê Văn Hưu thường mon men ra quán học để xem các anh trong làng ôn bài và người lớn giảng văn, bình thơ.
Nhiều lần, ông đồ thấy cậu bé Hưu nhắc bài cho các anh, bèn viết lên tờ giấy mấy chữ, rồi giảng cho cậu hiểu. Sau đó, ông viết lên tờ khác những chữ trên rồi hỏi lại, cậu bé Hưu không đọc sai bất cứ chữ nào. Mọi người trong quán học đều lấy làm lạ và cho rằng Lê Văn Hưu là thần đồng.
 Nhà sử học Lê Văn Hưu. Ảnh: NXB Văn hóa Thông tin.
Chồng mất sớm, mẹ Lê Văn Hưu chịu cảnh ở góa, không đi bước nữa để nuôi con ăn học. Cậu bé Hưu học rất giỏi, đọc đâu nhớ đấy, được thầy yêu quý.
Khi ấy, trên đường đi học về, Lê Văn Hưu thấy lò rèn dựng bên đường. Bác thợ rèn thường treo những chiếc dùi đóng vở. Cậu thích lắm, thầm ước có một chiếc nhưng không có tiền nên chỉ biết đứng nhìn.
Bác thợ rèn thấy cậu học trò mặt mũi sáng sủa, liền hỏi:
- Cậu muốn gì?
- Cháu muốn có chiếc dùi để đóng vở ạ!
- Tôi cho cậu vế đối, nếu đối được, sẽ cho một chiếc. Câu đối thế này: “Than trong lò, lửa trong lò, sắt trong lò, thổi phì phò đúc nên dùi vở”.
Lê Văn Hưu không chút lưỡng lự liền đối ngay: “Giấy trong túi, mực trong túi, nghiên trong túi, viết lúi húi mà đậu khôi nguyên”.
Trước vế đối chuẩn mực của cậu học trò, bác thợ rèn tấm tắc khen và tặng Lê Văn Hưu chiếc dùi đóng vở đẹp nhất, kèm theo 3 quan tiền.
Thấy con trí tuệ sáng láng, học hành xuất sắc, người mẹ rất mừng. Bà luôn ở bên cạnh để nhắc nhở con trai học tập. Bà nhờ đúc cho Lê Văn Hưu chiếc đèn có hình con rồng và mang mấy viên ngọc gia bảo được vua Lê Đại Hành ban cho tổ tiên trước đây khảm vào mắt rồng. Ban đêm, ánh sáng từ đèn tỏa ra cho Lê Văn Hưu đọc sách.
Năm 1247, Lê Văn Hưu thi đỗ bảng nhãn (xếp thứ hai sau trạng nguyên Nguyễn Hiền), khi mới 17 tuổi. Ông ra làm quan, được thăng đến chức Binh bộ Thượng thư. Nhờ chăm chỉ và học giỏi, Lê Văn Hưu được thầy giáo yêu mến và gả con gái cho.
Sau khi thi đỗ, Lê Văn Hưu được giữ lại trong cung dạy các hoàng tử. Ông chính là thầy của Trần Quang Khải (con vua Trần Thánh Tông), người sau này làm đến chức tể tướng, có rất nhiều đóng góp cho nước nhà trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Sau những năm tháng lăn lộn trên quan trường, ông từ quan về quê, mở trường dạy học để truyền lại những tri thức cho học trò.
Ông cũng du ngoạn đây đó, xem địa hình phong thổ các vùng trong nước. Ông mất ngày 23 tháng 3 năm Nhâm Tuất (1292), thọ 92 tuổi.
Trong thời gian làm việc ở Quốc sử viện, theo lệnh vua Trần Thái Tông, Lê Văn Hưu biên soạn bộ Đại Việt sử ký, ghi lại những sự việc quan trọng, từ thời Triệu Vũ Đế (Triệu Đà), cho tới Lý Chiêu Hoàng. Đây được xem là bộ quốc sử đầu tiên của nước ta.
Đại Việt sử ký gồm 30 quyển, hoàn thành năm 1272, được vua Trần Thánh Tông xuống chiếu ban khen.
Bộ sách này hiện nay không còn. Tuy nhiên, những nội dung cơ bản của sách được nhà sử học thời Lê là Ngô Sĩ Liên chép lại trong Đại Việt sử ký toàn thư, trong đó có 29 lời bình sử của Lê Văn Hưu với phần ghi rõ “Lê Văn Hưu nói…”.
Trong 29 lời bình đó, nội dung cơ bản là những bài học trị nước quan trọng gắn với sự thịnh, suy của một quốc gia.
Theo Nguyễn Thanh Điệp /Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)