Phạm Xuân Ẩn và độc chiêu tạo vỏ bọc trong nghề tình báo

Google News

(Kiến Thức) - Sau này, khi trả lời tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải (tác giả cuốn Phạm Xuân Ẩn – Tên người như cuộc đời), ông Phạm Xuân Ẩn cực kỳ coi trọng việc xây dựng một vỏ bọc trong nghề tình báo. 

Tình báo lại dạy gián điệp
Sau thời gian học báo chí ở Mỹ, ông Phạm Xuân Ẩn về nước. Vào thời điểm cuối những năm 1950, nhiều mạng lưới tình báo của ta bị vỡ, nhiều cán bộ bị bắt giữ. Ông Ẩn lo rằng mình đã bị lộ nên một thời gian ông chỉ ở nhà không đi đâu để nếu có bị bắt thì gia đình còn biết.
Sau đó, ông nghĩ ra một cách để thăm dò xem mình đã lộ hay chưa. Cách đó là viết thư nhờ Trần Kim Tuyến (một người ông Ẩn có quen biết và bấy giờ đang cầm đầu ngành an ninh, tình báo trong chế độ Ngô Đình Diệm) để nhờ giới thiệu việc làm. Ông Ẩn viết: “Tôi mới học xong lớp báo chí ở Mỹ và đã về nước, hiện đang cần một việc làm. Ông có thể bố trí cho tôi vào đâu được không?". Ông Ẩn dự tính nếu mình đã bị lộ thì Trần Kim Tuyến sẽ không bố trí việc làm vì Trần Kim Tuyến nắm giữ danh sách những người hoạt động cách mạng.
Nhưng Trần Kim Tuyến đã giới thiệu ông Ẩn vào làm việc trong Phủ Tổng thống của Ngô Đình Diệm. Một thời gian sau Tuyến lại giới thiệu ông Ẩn sang Việt Tấn Xã – hãng thông tấn chính thức của chính quyền Ngô Đình Diệm. Tại đây, ông Ẩn được gặp một người cũng học báo chí từ Mỹ về là Nguyễn Thái, lúc đó là Tổng Giám đốc Việt Tấn Xã.
Gặp Ẩn, ông Nguyễn Thái đánh giá rất cao và nhận ngay. Trong sách Điệp viên hoàn hảo, Nguyễn Thái có nói về việc này: “"Phạm Xuân Ẩn là nhân viên đầu tiên của Việt Tấn Xã được đào tạo báo chí ở Mỹ và là người nói trôi chảy tiếng Anh. Hơn nữa, tôi đang cần một phóng viên giỏi như vậy để đưa tin từ văn phòng Tổng thống, vì đây là một nhiệm vụ rất nhạy cảm. Tôi nhận thấy Phạm Xuân Ẩn rất thạo tin và quan hệ rộng. Dường như ông ấy quen biết tất cả những nhân vật quan trọng ở Nam Việt Nam, nhưng không bao giờ thấy ông khoe khoang điều đó. Đầu óc dí dỏm và khiếu hài hước khiến cho ông trở thành một người mà ai cũng thích".
Chính từ chỗ làm việc cho Việt Tấn Xã, Phạm Xuân Ẩn đã trở thành thày giáo cho lớp huấn luyện điệp viên do Trần Kim Tuyến tổ chức. Số là Trần Kim Tuyến có kế hoạch sử dụng Việt Tấn Xã làm bình phong cho các điệp viên của chính quyền Ngô Đình Diệm ra hoạt động ở nước ngoài. Tuyến chỉ thị cho Nguyễn Thái mở lớp đào tạo ngắn hạn về báo chí cho các điệp viên của ông ta trước khi tung sang New Delhi, Jakarta, Cairo để hoạt động tình báo.
Nguyễn Thái đã bác bỏ chỉ thị này nhưng sau khi Tuyến bảo đó là mệnh lệnh của Ngô Đình Nhu thì Nguyễn Thái phải chấp nhận. Ông Thái lại giao việc này cho Phạm Xuân Ẩn vì ông Ẩn không những vừa tốt nghiệp báo chí ở Mỹ về mà còn vì ông có quan hệ tốt với Trần Kim Tuyến.
 Ông Ẩn và một sĩ quan của chính quyền Sài Gòn. 
Không rõ lớp học đó kéo dài bao lâu nhưng khi nhận thấy các điệp viên của Trần Kim Tuyến không học tập một cách nghiêm túc, Phạm Xuân Ẩn đã đi thẳng đến gặp Trần Kim Tuyên để phản ánh. Ông nói: "Ông xem đấy. Tôi không thể dạy cho người của ông được nữa, chừng nào ông ra lệnh cho họ phải hiểu được tầm quan trọng của việc có một vỏ bọc như thế nào. Bởi vì họ sẽ bị bắt ngay nếu không học được nghề bình phong này. Họ cần nắm được chi tiết cách viết và gửi tin bài, cách phỏng vấn, và cách xây dựng nguồn tin. Nếu họ không học được những điều đó, thì chắc chắn sẽ bị bắt và khi đó, ông cũng sẽ gặp rắc rối". Sau buổi đó, các điệp viên của Trần Kim Tuyến trở lại học nghề báo chí làm vỏ bọc nghiêm chỉnh hơn.
Nghề vỏ bọc không thể đóng giả
Sau này, khi trả lời tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải (tác giả cuốn Phạm Xuân Ẩn – Tên người như cuộc đời), ông Phạm Xuân Ẩn cực kỳ coi trọng việc xây dựng một vỏ bọc trong nghề tình báo. Ông nói: “Bình phong để hoạt động không phải là cái vỏ, không phải là sự đội lốt trá hình, đó không phải sự ngụy trang bên ngoài. Phải thực sự sống bằng nghề đó một cách trong sạch – sống mãn đời nghề đó mới mong tiếp cận được mọi điều. Đó là cả một nghệ thuật sống. Nội cái đó không thôi cũng đã là cả một cái luận án.
Nếu coi bình phong chỉ là thứ nghề giả tạo mà không giỏi thật sự, không làm nghề thật sự thì “chết như không”.
Ông Ẩn rút ra kết luận rằng: “Bình phong phải là một cái nghệ thuật, phải sống thật với nghề, phải giỏi, không thể ghép vô đóng giả được. Bác sĩ giỏi cứu được người bệnh, mới có quan hệ thân được”.
Cũng chính bởi không thể đóng giả, đội lốt nên Phạm Xuân Ẩn, trong tư cách nhà báo vừa từ Mỹ về và đang làm việc cho Việt Tấn Xã đã không thể từ chối việc dạy báo chí cho các điệp viên của Trần Kim Tuyến. Không những thế, ông còn tỏ ra nhiệt tình với công việc khi yêu cầu Trần Kim Tuyến phải nói cho các điệp viên hiểu rằng vỏ bọc rất quan trọng. Đó có lẽ cũng là một góc độ cho thấy ông đã hóa thân vào vỏ bọc của mình thành công như thế nào.
Khánh Nam

Bình luận(0)