Những cuộc “đổi mới” quan trọng trong lịch sử Việt Nam (3)

Google News

(Kiến Thức) - Tuy là cuộc "đổi mới hụt" do không được triều đình chấp nhận, nhưng tư duy của Nguyễn Trường Tộ đã tạo đà cho các trào lưu cải cách sau này.



Vua Minh Mạng tổ chức lại đất nước

Vào nửa đầu thế kỷ 19, khi xã hội Việt Nam đã lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện về kinh tế - chính trị, vua Minh Mạng (1791 – 1841) của nhà Nguyễn đã thực hiện cải cách hành chính một cách quy mô nhằm siết chặt lại trật tự kỷ cương.

Nhà vua đã bỏ hết cách phân cấp hành chính đất nước thành, doanh, trấn theo kiểu cũ để thống nhất lãnh thổ thành 30 tỉnh. Dưới tỉnh là phủ, huyện, châu, xã. Đây là nền móng của tổ chức chính quyền 4 cấp, một sáng tạo thành công trong cải cách hành chính của Minh Mạng mà đến nay đất nước còn kế thừa.

  Lăng vua Minh Mạng.

Các cải cách bộ máy hành chính cũng được tiến hành với các biện pháp như bãi bỏ chức tham tụng thay bằng một nội các do 4 viên quan hàng tam, tứ phẩm cùng quản lý nhằm tránh lộng quyền; đặt ra cơ mật viện có nhiệm vụ dự bàn những việc cơ mưu, trọng yếu; tạo ra cơ chế giám sát lẫn nhau giữa các quan lại cao cấp; cải cách các cơ quan chuyên trách về văn hóa; thay đổi chức danh của người đứng đầu các cấp xã, phủ, huyện, châu, tỉnh…

Với những cải cách này, bộ máy chính trị có thể bảo đảm được nguyên tắc tập trung quyền tối thượng vào tay nhà vua, phân quyền kiềm chế kiểm soát lẫn nhau giữa quan lại các ngành, các cấp vừa bảo đảm được tính tập trung vừa tăng cường được tính thống nhất của mỗi quốc gia với một lãnh thổ rộng lớn từ trước tới nay chưa từng có.

Tuy nhiên cải cách cũng có những mặt hạn chế cơ bản, đó là củng cố thêm hệ tư tưởng Tống Nho trì trệ, khước từ mọi đổi mới, canh tân, nặng về củng cố vương quyền mà không chú trọng cải thiện dân sinh. Điều này đã kìm hãm sự phát triển của đất nước, tước đi cơ hội thoát khỏi ngoại thuộc của dân tộc trong một thời kỳ dài.

Cuộc “đổi mới hụt” của Nguyễn Trường Tộ

Nguyễn Trường Tộ ( 1830 – 1871) là một danh sĩ, kiến trúc sư, và là nhà cải cách xã hội nổi bật của Việt Nam ở thế kỷ 19.

Tư duy của ông được biểu hiện cụ thể trong các điều trần với triều đình nhà Nguyễn, tiêu biểu là: Bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ; kế hoạch làm cho dân giàu, nước mạnh; kế hoạch khai thác tài nguyên đất nước; về khả năng lấy lại ba tỉnh miền Tây; báo cáo về gặp viên lãnh sự Tây Ban Nha; tổ chức gấp việc khai mỏ và đào tạo chuyên viên; kế hoạch thu hồi sáu tỉnh Nam Kỳ; bàn về quan hệ với nước ngoài; canh tân và mở rộng quan hệ ngoại giao; nên mở cửa không nên đóng kín...

Qua các văn bản này, Nguyễn Trường Tộ đã yêu cầu cải cách một cách toàn diện đất nước trên các lĩnh vực kinh tế; văn hóa, xã hội, chính trị.

 Nguyễn Trường Tộ.

Tư tưởng cải cách của ông toát lên tinh thần khoa học và cầu tiến, thể hiện ở các điểm như coi trọng phát triển lực lượng sản xuất xã hội, đề cao khoa học công nghệ hiện đại, cổ vũ cho việc thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài.

Nguyễn Trường Tộ còn thể hiện một tầm nhìn đi trước thời đại bằng các đề xuất bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững, không khai thác tận diệt các giống loài trong thiên nhiên mà tạo điều kiện để chúng có thể tái tạo.

Tiếc rằng những đề nghị của Nguyễn Trường Tộ không được triều đình chấp nhận. Dù vậy, tư duy của ông đã có tác dụng tạo đà các trào lưu cải cách, đổi mới sau này.

Trào lưu cải cách đầu thế kỷ 20

Những năm đầu thế kỷ 20, một phong trào cải cách rộng lớn đã ra đời nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng toàn diện của xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến tại Việt Nam. Phong trào này gắn với tên tuổi của nhiều nhà cải cách lỗi lạc.

Đó là Phan Bội Châu (1867 - 1940), người lập Duy Tân hội, một tổ chức ủng hộ tinh thần dân chủ tư sản với chính thể quân chủ lập hiến, chủ trương là giành độc lập dân tộc bằng vũ trang tranh đấu và cầu ngoại viện. Duy Tân Hội đã phát triển ra khắp ba miền, liên kết với phong trào Yên Thế, tổ chức phong trào Đông Du, đưa hàng trăm thanh niên yêu nước sang Nhật học tập các ngành quân sự, chính trị, khoa học... nhằm đi tới một cuộc đấu tranh vũ trang cứu nước. Trên cơ sở đó, Việt Nam Quang Phục hội đã được thành lập và tiến hành nhiều hoạt động gây tiếng vang lớn như vận động lính bản xứ nổi dậy, mưu sát toàn quyền Merlin…

  Phan Bội Châu.

Cũng giống Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh (1872 - 1926) cổ vũ con đường dân chủ tư sản, đề cao dân quyền với ba nội dung là: “Dân tộc, dân chủ, dân sinh”. Khác biệt cơ bản là ông chủ trương không bạo động vũ trang mà cũng không “cầu ngoại viện”. Tư tưởng của Phan Châu Trinh đã được dân chúng đón nhận rộng rãi và nhanh chóng biến thành các hành động cụ thể như phong trào tự nguyện phát triển sản xuất nông phẩm hàng hóa, lập hội buôn, phát triển văn hóa, giáo dục, bài trừ hủ tục mê tín, cải thiện dân sinh… và đỉnh cao là phong trào đấu tranh xin xâu, chống thuế, đòi cải cách dân chủ, có nơi tự phát tiến tới vũ trang chống thực dân và tay sai...

Huỳnh Thúc Kháng (1976 - 1947) là một trong những nhà khởi xướng và tham gia phong trào cải cách với Phan Châu Trinh, bị thực dân Pháp đày đi Côn Đảo. Khi ra tù, ông tiếp tục dấn thân vào con đường cứu nước theo hướng công khai, hợp pháp, được tín nhiệm, trúng cử làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, chủ bút báo Tiếng Dân, một cơ quan ngôn luận công khai với xu hướng cải lương yêu nước. Đồng chí Trường Chinh sau này nhận xét: “Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã gây được một tiếng vang lớn có lợi cho cách mạng, đã thét “Tiếng Dân” giữa kinh thành Huế”.

Đồng thời với các hoạt động trên là phong trào Đông Kinh nghĩa thục do Lương Văn Can (1854 - 1927) chủ trì. Đông Kinh nghĩa thục là một tổ chức hoạt động công khai, hợp pháp ở miền Bắc trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng nhằm đổi mới tư duy và hành động theo hướng dân chủ tư sản. Phong trào có liên hệ mật thiết với các phong trào khác đương thời ở ba miền, thu hút được nhiều trí thức tiến bộ tham gia với các biện pháp hữu hiệu như mở trường Đông Kinh nghĩa thục, giảng dạy, tuyên truyền cổ động, mở mang dân trí…

TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Hoàng Phương

Bình luận(0)