Nhà khoa học kể chuyện sống ở Nam Cực âm đến 90 độ C

Google News

Làm việc cho NASA, TS. Nguyễn Trọng Hiền nhiều lần đặt chân đến Nam Cực. Đặc biệt nhất, năm 1994, nhà khoa học Việt đã tự tay cắm lá cờ Tổ quốc khi sống ở Nam Cực.  

Sinh năm 1963 tại Đà Nẵng, TS. Nguyễn Trọng Hiền là nhà khoa học đã từng sống ở Nam Cực. Sang Mỹ từ năm 1981, ông tốt nghiệp khoa Vật lý trường Đại học Berkeley, nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành nghiên cứu bức xạ nền vũ trụ tại Đại học Princeton và sau tiến sĩ (post doc) chuyên ngành vật lý thiên văn tại Đại học Chicago. Sau này, ông làm việc tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). 
Nha khoa hoc ke chuyen song o Nam Cuc am den 90 do C

Là nhà vật lý thiên văn làm việc cho NASA, TS. Nguyễn Trọng Hiền có nhiều cơ hội đặt chân đến Nam Cực. Lần đầu tiên, ông đến Nam Cực là năm 1992 để nghiên cứu bức xạ nền của vũ trụ.
Chính trong chuyến đi lần này, chứng kiến những lá cờ của các cường quốc tung bay trên bầu trời Nam Cực, ông đã nung nấu ý định mang cờ Tổ quốc đến nơi này.
Chuyên gia của NASA quay lại Nam Cực lần thứ hai vào năm 1994 và ở lại đó gần một năm. Tại đây, ông đã tự tay khâu một lá cờ đỏ sao vàng rộng 4m2, sau đó tự mình cắm quốc kỳ Việt Nam giữa băng tuyết tại Cục Chào đón ở châu Nam Cực. 
Khi nhìn thấy cờ Tổ quốc tung bay bên cạnh quốc kỳ Mỹ, Nga, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Úc, New Zealand, Chile, Argentina, Nam Phi… TS. Nguyễn Trọng Hiền tâm sự: “Một cảm xúc khó tả”. 
Ông kể: “Ở Nam Cực - tức là ở cực nam, vĩ độ âm 90, nhìn đâu mình cũng thấy có câu chuyện lý thú để kể. Từ cái lạnh nghiệt ngã, đến hướng gió, đến cột mốc Nam Cực, tức là trục xoay của Trái Đất, đến những chi tiết bình thường mỗi ngày đều làm cho ta ngẫm nghĩ…”.
Ông cho biết thêm: “Chúng tôi cố gắng thiết lập một nhịp sống bình thường, tức là mỗi 24 giờ đồng hồ vẫn ba bữa ăn. Tối về có tivi, có mạng internet rồi đi ngủ. Tụi tôi gìn giữ môi trường rất tốt. Mọi rác rưởi đều được phân loại và mang về lại. Tinh thần tiết kiệm năng lượng rất cao. Ở đây chúng tôi phải dùng xăng dầu để nấu nước đá nên mỗi tuần chúng tôi chỉ được tắm hai lần, và mỗi lần chỉ được 2 phút”.
Nha khoa hoc ke chuyen song o Nam Cuc am den 90 do C-Hinh-2
Cờ Việt Nam tung bay trên bầu trời Nam Cực.
Sau này, TS. Nguyễn Trọng Hiền còn nhiều lần quay trở lại Nam Cực để làm việc, thậm chí nhiều đến nỗi, vị chuyên gia nổi tiếng này cũng không nhớ nổi. 
Đặc biệt, TS. Nguyễn Trọng Hiền giải thích thêm, truyền thông hay đăng tin một số người Việt đến Nam Cực. Thực ra, đa số mọi người chỉ đến vùng ven biển châu Nam Cực (tức là Antarctica). Việc đặt chân đến South Pole, vĩ độ âm 90, tức là Nam Cực là rất khó. Bởi một phần vì các chuyến đi đến Nam Cực rất tốn kém. 
Theo TS. Nguyễn Trọng Hiền, từ vùng ven biển châu Nam Cực đến Nam Cực cách nhau hơn 1.300km đường chim bay. Ngày trước sự khác biệt này là rất lớn, nhiều người đã thiệt mạng trên con đường đến Nam Cực.
Ngày nay việc đi lại đã dễ dàng hơn nhiều, hằng năm người ta tải hằng triệu tấn dầu vào đến tận Nam Cực bằng xe tải; hay các chuyên gia, chỉ mất ba giờ bay từ ven biển châu Nam Cực bằng máy bay quân sự của Hoa Kỳ.
 Những người muốn đi du lịch Nam Cực thì phải thông qua các dịch vụ du lịch tư nhân. Hồi 2011, nhân dịp kỷ niệm 100 năm, có nhiều đoàn du lịch đến Nam Cực. Chi phí cho mỗi chuyến đi như thế rất cao.
Không chỉ yêu Nam Cực, TS. Nguyễn Trọng Hiền còn yêu quê hương tha thiết. Là nhà khoa học nổi tiếng ở Mỹ, tuy nhiên, TS. Nguyễn Trọng Hiền thường xuyên về nước tham dự Hội nghị “Gặp gỡ Việt Nam” cũng như tham gia giảng dạy cho các sinh viên và nhà khoa học trẻ Việt Nam.
Thu Hà (T.H)

>> xem thêm

Bình luận(0)