Mỹ và Anh lên kế hoạch tấn công hạt nhân các mỏ dầu ở Trung Đông

Google News

Mỹ và Anh từng có kế hoạch đối phó rất nham hiểm, bao gồm cả việc hủy hoại tài nguyên này và hạ tầng cơ sở bằng sức mạnh hạt nhân.

Đầu thế kỷ 20, do dầu mỏ bắt đầu thay thế than đá như một nguồn năng lượng quan trọng cho các nền kinh tế công nghiệp tiên tiến, xuất hiện thách thức chiến lược đối với thế giới phát triển khi các cường quốc công nghiệp tìm cách tiếp cận nguồn dự trữ “vàng đen”. Không giống như than đá, có thể được khai thác trên khắp thế giới từ Anh, Đức đến Hàn Quốc và Trung Quốc, trữ lượng dầu tập trung nhiều hơn ở một số khu vực cụ thể, hầu hết đều thuộc thế giới thứ ba và cách xa các nền kinh tế phát triển.

Duy trì khả năng tiếp cận nguồn tài nguyên này đã trở thành chủ trương chiến lược đối với các cường quốc, và với Trung Đông vào thời điểm đó là khu vực xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, việc kiểm soát các mỏ dầu của Arab và Iran xung quanh Vịnh Ba Tư đã trở thành một vấn đề có tầm quan trọng lớn. Khu vực trước đây có ít giá trị chiến lược này đã sớm trở thành ưu tiên hàng đầu của Đế quốc Anh để duy trì ảnh hưởng đối với Trung Đông và kiểm soát nguồn cung dầu của nước này.

Sau Thế chiến I, Anh đã đầu tư rất nhiều vào việc khai thác dầu ở Trung Đông và bắt đầu thu được những lợi ích kinh tế lớn và chiến lược từ hoạt động sản xuất ở khu vực. Iran, Iraq, Kuwait và Saudi Arabia đều cậy nhờ lực lượng quân đội Anh để bảo vệ những tài sản Trời ban đó. Các công ty của Anh đã thành công trong việc tìm kiếm và khai thác dầu ở Trung Đông, trong khi quân đội của họ đóng vai trò quan trọng trong việc giữ các nguồn dự trữ chiến lược này khỏi tay Đức Quốc xã và các đồng minh phát xít trong Thế chiến II.

Hậu chiến tranh, khi sức mạnh trên toàn cầu của Anh suy giảm, Mỹ đã tận dụng vai trò của một cường quốc Phương Tây để thống trị Trung Đông. Các lợi ích chiến lược của Anh phần lớn vẫn được đáp ứng và các mục tiêu của Mỹ đối với khu vực và đảm bảo nguồn cung dầu của nước này phục vụ các lợi ích của Phương Tây đa phần vẫn giống các mục tiêu của thê lực tiền nhiệm. Chiến tranh Lạnh bùng nổ đã chứng kiến các nỗ lực mới của cả Anh và Mỹ, và ở một mức độ nào đó của Khối Phương Tây, nhằm giữ cho dầu ở Trung Đông nằm dưới sự kiểm soát của mình, không rơi vào tay Liên Xô.

My va Anh len ke hoach tan cong hat nhan cac mo dau o Trung Dong
Lính Mỹ đang rút khỏi các mỏ dầu đang cháy; Nguồn: militarywatchmagazine.com.

Liên Xô là một thách thức rất đáng kể đối với quyền bá chủ của Phương Tây vốn phụ thuộc vào dầu mỏ Trung Đông - Liên Xô giáp biên giới với cả Iran giàu dầu mỏ và Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí chiến lược, và nếu cường quốc này mở rộng ảnh hưởng về phía nam thì nguy cơ không chỉ là Khối Phương Tây sẽ mất đi một trong những lợi ích kinh tế và chiến lược quan trọng nhất của mình, mà những tài sản này sẽ được quản lý bởi chính phủ thân Liên Xô, làm xói mòn một lợi thế lớn của Phương Tây.

Khối Phương Tây bắt buộc phải ngăn chặn các đối thủ trong Chiến tranh Lạnh của họ giành quyền kiểm soát các nguồn dự trữ của Trung Đông bằng mọi giá khi đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng về việc nguồn cung dầu đang đổi chủ, phát triển các biện pháp phòng ngừa để từ chối tiếp cận các nguồn tài nguyên này đối với kẻ thù nếu các nỗ lực duy trì quyền kiểm soát đối với chúng không thành công.

Năm 1949, Tổng thống Mỹ Harry Truman đã ký chính sách NSC 26/2 do Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ khởi thảo, theo đó tìm cách ngăn chặn Liên Xô tiếp cận các nguồn lực và cơ sở chiến lược ở Trung Đông nếu chúng có nguy cơ rơi vào tay cường quốc Cộng sản này. Mỹ đã chuẩn bị để các nhân viên của công ty dầu mỏ Phương Tây thực hiện các hoạt động phá hoại các cơ sở của chính họ một khi Washington ra lệnh làm như vậy. Vương quốc Anh đã nhiệt tình ủng hộ chiến lược này và đề nghị hỗ trợ các nhân viên công ty dầu khí nếu họ hợp tác với Không quân Hoàng gia trong sứ mệnh mang tầm quan trọng chiến lược.

Vào những năm 1950, các vấn đề bắt đầu xuất hiện với NSC 26/2 - cụ thể là Iran và Iraq đều bắt đầu vận hành các mỏ dầu ngày càng tự chủ, dẫn đến việc giảm sự hiện diện của công nhân Phương Tây, điều này làm suy yếu khả năng phá hoại các cơ sở của Khối Phương Tây nếu được yêu cầu. Giải pháp của Anh là dựa vào việc sử dụng vũ lực công khai, cụ thể là sử dụng vũ khí hạt nhân họ mới có được để phá hủy cơ sở hạ tầng dầu mỏ.

Vũ khí hạt nhân được Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Anh (Joint Chiefs of Staff - JCS) gọi là "phương pháp hoàn hảo nhất để phá hủy các cơ sở dầu khí". Trong khi vẫn chưa rõ liệu Mỹ có trực tiếp tham gia vào các kế hoạch này hay không, JCS đã có biện pháp trừng phạt chính thức để yêu cầu Mỹ sử dụng kho vũ khí hạt nhân đáng gờm hơn của mình nhằm ngăn chặn các đối thủ của Phương Tây tiếp cận cơ sở hạ tầng dầu mỏ ở Trung Đông.

My va Anh len ke hoach tan cong hat nhan cac mo dau o Trung Dong-Hinh-2
Các mỏ dầu cháy trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc (1991); Nguồn: militarywatchmagazine.com.

Thực tế là, JCS đánh giá các cuộc tấn công hạt nhân của Quân đội Mỹ là "biện pháp khả thi duy nhất (còn lại) để từ chối dầu mỏ". Đặc nhiệm CIA George Prussing, người được giao nhiệm vụ làm việc với các công ty dầu mỏ Phương Tây về các kế hoạch 'từ chối' ở Trung Đông, đã điều tra tính khả thi của các đề xuất "từ chối" khác nhau và đích thân kiểm tra các mỏ dầu của Iran để xác định tính khả thi của các phương pháp phá hủy chúng. Ông này cho rằng, việc phá hủy trên mặt đất hiệu quả hơn so với vũ khí hạt nhân, và nhữn

g kế hoạch như vậy một lần nữa có thể thực hiện được bởi ngày càng nhiều người Phương Tây làm việc tại các quốc gia sản xuất dầu mỏ khiến sự tham gia đầy rủi ro của nhân công địa phương là không cần thiết.

Với sự xuất hiện của một khối quyền lực theo chủ nghĩa dân tộc Arab vào những năm 1950, một số quốc gia Arab bao gồm Iraq và Libya giàu dầu mỏ, đã thoát khỏi phạm vi ảnh hưởng của Phương Tây sau khi lật đổ chế độ quân chủ thân Phương Tây của họ và chuyển sang quan hệ chặt chẽ với Liên Xô. Do đó, các kế hoạch của Phương Tây đã được mở rộng để bao gồm các biện pháp phòng ngừa chống lại thách thức thứ cấp mới này đối với sự thống trị khu vực của Phương Tây, chính sách NSC 26/2 đã bị loại bỏ và thay bằng NSC 5714.

Các kế hoạch mới chủ yếu dựa vào lực lượng quân sự hùng hậu và tìm cách phá hoại các cơ sở sản xuất dầu nếu chúng rơi vào tay Liên Xô hoặc Khối Dân tộc Chủ nghĩa Arab. Cuối cùng, cả NSC 5714 và NSC 26/2 đều không được thực hiện, mặc dù Mỹ được cho là đã đe dọa hành động quân sự chống lại Saudi Arabia vào năm 1973 nhằm quản lý các mỏ dầu của nước này để đáp trả lệnh cấm vận dầu cũng vào năm đó của nước này đối với một số nước Phương Tây.

Chiến tranh vùng Vịnh và sự khởi đầu của Chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991 nhằm khôi phục chế độ quân chủ Kuwait thân Phương Tây và ngăn Iraq tiếm quyền kiểm soát một phần lớn các mỏ dầu ở Trung Đông chủ yếu được thực hiện để bảo vệ an ninh dầu mỏ của Phương Tây, vì để trữ lượng dầu lớn như vậy rơi vào tay chính phủ Iraq theo chủ nghĩa dân tộc thân Liên Xô được coi là một rủi ro chiến lược không thể chấp nhận được.

Các kế hoạch hành động của Mỹ và Anh nhằm từ chối tiếp cận chiến lược dầu mỏ đã chứng tỏ tầm quan trọng đối với Khối Phương Tây trong việc duy trì lợi thế chiến lược và kinh tế so với Liên Xô bằng cách kiểm soát trữ lượng dầu ở Trung Đông và ngăn chặn lợi thế này đối với Liên Xô hoặc các quốc gia theo chủ nghĩa dân tộc Arab với bất cứ giá nào, bao gồm cả việc hủy hoại tài nguyên này và hạ tầng cơ sở bằng sức mạnh hạt nhân. 

Theo Lê Ngọc/VOV

>> xem thêm

Bình luận(0)