Đại gian thần triều Minh chọn mộ và cái kết bi thảm

Google News

Câu chuyện về số mệnh này do con cháu của Nghiêm Tung là Nghiêm Bỉnh Liễn kể lại, được ghi chép vào cuốn “Tử bất ngữ” và được lưu truyền đến ngày nay.

Có lẽ, không ít người thắc mắc rằng, cớ sao con người ta sinh ra đã có người giàu sang phú quý, có người nghèo khổ đến mức không đủ ăn, đủ mặc. Cũng có người lúc trẻ giàu sang, sung túc nhưng khi về già lại khốn khó, cùng cực và ngược lại. Vậy sự khác biệt ấy là có nguyên nhân do đâu? Phải chăng số mệnh của một người là đã được định sẵn từ trước?

Dai gian than trieu Minh chon mo va cai ket bi tham

Trong lịch sử có rất nhiều ví dụ điển hình về việc số mệnh của một người dường như đã được định sẵn từ trước. Trong đó, phải kể đến câu chuyện chọn mộ của đại gian thần nổi tiếng Nghiêm Tung.

Nghiêm Tung (1480 -1567) được sử sách triều Minh liệt vào danh sách 6 đại gian thần của triều đại nhà Minh. Cha con của Nghiêm Tung dùng quyền thế khuynh đảo thiên hạ trong 20 năm liền khiến người người oán hận.

Con trai của Nghiêm Tung là Nghiêm Thế Phan cuồng vọng, cao ngạo đến cực điểm. Thậm chí khi khoe khoang về bảo vật trong gia đình, Nghiêm Thế Phan từng cười lớn mà nói: “Trong triều đình không ai giàu có bằng ta.”

Nhưng Nghiêm Tung là người vong ân phụ nghĩa, có thể dẫm đạp lên người đã từng giúp đỡ mình để leo lên chức cao. Ông ta hãm hại đồng liêu, kết bè kết đảng, tham ô tham nhũng, giàu nhất nhì thiên hạ. Vây cánh bè phái và con cháu của ông ta tác oai tác quái, lộng hành triều chính. Nghiêm Tung chuyên quyền loạn chính, khiến triều Minh suy yếu, biên cương bị xâm hại, dân chúng lầm than, nhưng ông ta lại tìm người chịu tội thay mình.

Sau khi vợ là Âu Dương Thị qua đời, Nghiêm Tung liền mời mấy chục thầy phong thủy tìm huyệt cát để an táng. Ông ta nói với các vị thầy phong thủy rằng: “Đời ta giàu sang phú quý cũng xem như đến đỉnh điểm rồi, còn ước vọng nào hơn? Chỉ hy vọng các vị giúp ta chọn một miếng đất có phong thủy đại phú quý để con cháu ta sau này có thể giàu sang phú quý như ta. Vậy thì ta chết cũng mãn nguyện rồi!”

Những vị thầy phong thủy này lập tức đồng ý. Chưa đầy một tháng sau, một vị thầy phong thủy nói: “Ở trên núi có một nơi có thể dùng làm huyệt mộ, nếu chôn cất ở đó thì con cháu của ngài nhất định sẽ được phú quý, trường thọ giống như ngài.”

Nghiêm Tung lập tức cho kẻ dưới đi mời các vị thầy phong thủy cùng đến nơi đó khảo sát. Một vị thầy phong thủy trong số họ nói: “Nếu như chôn ở chỗ này thì con cháu tuy rằng có thể được giàu sang phú quý nhưng mà không được lâu dài. Nhiều nhất thì chỉ có thể kéo dài được đến sáu hoặc bảy đời là hết”. Tất cả mọi người đều cho rằng vị thầy phong thủy này nói đúng.

Sau một vài suy nghĩ, Nghiêm Tung đã mua lại mảnh đất này. Khi động thổ đào huyệt mộ, phát hiện dưới đất có một ngôi mộ cổ, trên có một bia mộ. Ông ta vô cùng kinh ngạc, lập tức ra lệnh cho người đào ngừng lại. Khi lau sạch bia mộ xem xét, ông ta vô cùng sợ hãi bởi đó chính là ngôi mộ của cụ tổ 7 đời của mình. Nghiêm Tung vội vã lấp huyệt mộ lại và chôn một mốc làm dấu hiệu ở bên trên.

Hóa ra, tại chính chỗ đó, tổ tiên của Nghiêm Tung cũng đã từng được chôn cất nên bảy đời con cháu mới được giàu sang phú quý. Đời của Nghiêm Tung vừa vặn là đời thứ bảy.

Sau khi khai mở huyệt xong, gia tộc Nghiêm Tung lập tức suy vong. Năm Gia Tĩnh thứ 41 (năm 1562), ở Sơn Đông có một vị đạo sĩ nổi tiếng khắp kinh thành về việc bói quẻ thông qua viết chữ tên là Lam Đạo Hành. Đại học sỹ nhà Minh là Từ Giai đã giới thiệu Lam Đạo Hành cho vua Thế Tông. Một lần, khi Lam Đạo Hành vừa viết chữ: “Kim nhật hữu gian thần tấu sự” (Hôm nay có gian thần tấu sự) thì đúng lúc Nghiêm Tung đi qua.

Vua Thế Tông vốn đã chán ghét cha con Nghiêm Tung từ lâu. Cuối cùng thì quyền thế của cha con Nghiêm Tung cũng bị mấy chữ này của Lam Đạo Hành đạp đổ. Nghiêm Thế Phan bị chém đầu. Trước khi bị hành hình, Nghiêm Thế Phan kêu gào khóc lóc thảm thiết một hồi. Hơn nữa, toàn bộ gia sản nhà họ Nghiêm cũng bị tước, Nghiêm Tung bị bãi chức, không có nhà để về.

Hai năm sau, Nghiêm Tung mắc bệnh nặng qua đời. Lúc Nghiêm Tung chết, thi thể được chôn mà không có quan tài, càng không có ai đến tiễn đưa.

Câu chuyện này do chính con cháu của Nghiêm Tung là Nghiêm Bỉnh Liễn kể lại. Sau này được ghi chép vào cuốn “Tử bất ngữ” và được lưu truyền đến ngày nay.

Cổ nhân và những người thông hiểu thuật số, toán mệnh đều tin rằng số mệnh của một người là đã được định sẵn từ trước. Khi họ nói rằng số mệnh của một người đã được định sẵn từ trước là không chỉ nói tới công danh, thọ mệnh ngắn hay dài của một người mà còn nói đến phú quý của người ấy được đến đâu. Đến nay, điều này thực sự vẫn khiến nhiều người phải tìm hiểu, suy ngẫm.

Theo Tri Thức

>> xem thêm

Bình luận(0)