Cuộc đời của nữ nô lệ cuối cùng trên con tàu buôn vượt biển

Google News

Những kẻ buôn nô lệ đã ép bà Redoshi, khi đó mới chỉ 12 tuổi, trở thành “vợ” của một người đàn ông trưởng thành đã là nô lệ nhưng lại nói một ngôn ngữ khác.

Bà Redoshi được đưa đến Mỹ trên chiếc Clotilda, con tàu nô lệ cuối cùng được biết đến. Bà sống đến năm 1937.
Giống như nhiều người dân châu Phi khác bị bắt thành nô lệ người Mỹ, bà Redoshi chỉ là một đứa trẻ khi bọn buôn nô lệ đưa bà lên con tàu của chúng. Ở tuổi 12, bà đã bị bắt cóc ở nơi mà bây giờ gọi là Benin và trở thành tù nhân trên con tàu nô lệ cuối cùng được biết đến chuyên buôn lậu nô lệ vào nước Mỹ: Clotilda. Và khi được một học giả người Anh phát hiện, bà trở thành người sống sót cuối cùng trên con tàu đó: bà Redoshi sống cho đến năm 1937, đúng 72 năm sau khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ.
Cuoc doi cua nu no le cuoi cung tren con tau buon vuot bien
Ảnh minh họa. 
Trước khi học giả Hannah Durkin ở Đại học Newcastle biết đến bà Redoshi, người sống sót cuối cùng trên con tàu Clotilda là ông Oluale Kossola, một người đàn ông bị bắt năm 19 tuổi ở Tây Phi và đã sống đến năm 1935 với cái tên “Cudjo Lewis”. Cả ông ta và bà Redoshi đều nằm trong số hơn 100 nô lệ châu Phi bao gồm trẻ em, thanh niên và người trưởng thành trẻ tuổi đến Alabama trên con tàu nô lệ bất hợp pháp vào năm 1860, một năm trước khi cuộc Nội chiến ở Mỹ nổ ra.
Những kẻ buôn nô lệ đã ép bà Redoshi, khi đó mới chỉ 12 tuổi, trở thành “vợ” của một người đàn ông trưởng thành đã là nô lệ nhưng lại nói một ngôn ngữ khác. Những tên buôn sau đó lại bán bà Redoshi và người đàn ông như một cặp đôi cho ngài Washington Smith, người sáng lập của Ngân hàng Selma Alabama. Bà Redoshi đã mô tả cuộc hôn nhân trẻ em ép buộc này cho nhà hoạt động quyền công dân là bà Amelia Boynton Robinson.
“Tôi 12 tuổi và anh ta là người đàn ông từ một bộ lạc khác, người đã có gia đình ở châu Phi. Tôi không thể hiểu lời của anh ta và anh ta cũng vậy, không thể hiểu tôi. Họ để chúng tôi trên cùng chỗ và bán cả hai cho người đàn ông và vợ.” Bà Redoshi kể lại theo như hồi kí của bà Boynton Robinson trong cuốn Bridge Across Jordan.
Trong gần 5 năm, bà Redoshi làm việc trên đồn điền Bogue Chitto của nhà Smith ở Hạt Dallas. Nhà Smith cũng buộc bà phải lấy cái tên mới “Sally Smith”. Bà Redoshi mang thai và sinh hạ con gái ngay ở đồn điền. Khi tuyên ngôn giải phóng nô lệ hay còn gọi là “Juneteenth” đến vào ngày 19.6.1865, bà Redoshi mới chỉ 17 tuổi.
Với ít lựa chọn và không có phương tiện nào để trở về quê nhà cùng gia đình ở Tây Phi, bà tiếp tục sống ở đồn điền Bogue Chitto với cô con gái. Sau đó bà và những người bị nô lệ hóa khác đã tiếp nhận sở hữu khoảng 6.000 mẫu Anh đất trên đồn điền, nơi bà sống nốt quãng đời còn lại.
Durkin đã tìm thấy bằng chứng về cuộc đời của bà Redoshi trong những nguồn tư liệu đa dạng: hồi kí của bà Boynton Robinson, những trang viết chưa được công bố của Zora Neale Hurston và thậm chí trong một bộ phim. Nó có chứa đoạn băng về bà Redoshi, được biết như cuốn phim duy nhất về người phụ nữ sống sót của chuyến buôn nô lệ vượt Đại Tây Dương. Durkin đã công bố nghiên cứu của cô về bà Redoshi vào tập sách năm 2019: Chế độ nô lệ và Sự bãi bỏ.
“Những tài liệu khác duy nhất mà chúng ta có về trải nghiệm của những người phụ nữ châu Phi trên về cảnh nô lệ vượt biển là những lời bóng gió bâng quơ được ghi lại bởi chính những chủ buôn nô lệ, vì vậy thật tuyệt khi có thể kể lại câu chuyện đời của Redoshi. Hiếm khi nào chúng ta được nghe câu chuyện của cá nhân một phụ nữ, hãy xem bà ấy trông thế nào, ăn mặc ra sao và đã sống ở đâu", bà Durkin chia sẻ trên báo chí ở Newcastle.
Sylviane A. Diouf, giáo sư thỉnh giảng tại Trung tâm của trường Đại học Brown về Nghiên cứu Nô lệ và Công lý cho rằng câu chuyện của bà Redoshi “có thể có giá trị chỉ riêng với nó”, nhưng cần cẩn trọng rằng chúng ta không nên quá tập trung vào việc xem thử người còn sống nào là cuối cùng.
“Có rất nhiều người trẻ khác trên con tàu Clotilda và một vài người có thể qua đời thậm chí còn muộn hơn bà ấy,” Diouf, cũng là tác giả của Những giấc mơ Châu Phi ở Alabama: Con tàu Nô lệ Clotilda và Câu chuyện của những người châu Phi cuối cùng được đem đến Mỹ, cho biết.
“Điều quan trọng không phải liệu bà ấy hay ông Cudjo là người cuối cùng mà là câu chuyện của bạn viết về gì.”
Theo Tuấn Anh/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)