Cấm xe máy vào trung tâm thành phố: Kinh nghiệm “xương máu” ở xứ người

Google News

(Kiến Thức) - Nhằm giảm tắc nghẽn, tai nạn giao thông cũng như giảm mức độ ô nhiễm không khí do lượng khí thải xe máy gây ra, một số nước trên thế giới đã "xóa sổ" phương tiện giao thông này. Để làm được điều này, nhiều thành phố thực hiện lộ trình dài hạn...

Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) mới công bố đề xuất hạn chế, tiến đến cấm hẳn xe máy vào khu vực trung tâm thành phố (các quận 1, 3, 5 và 10) vào năm 2030. Sự việc này nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.
Trước Việt Nam, một số thành phố lớn trên thế giới đã thực hiện cấm hoàn toàn xe máy đi vào khu nội thị và đạt được hiệu quả. Những kinh nghiệm của các nước trong vấn đề này nhận được đánh giá cao và được nhiều thành phố lớn học hỏi kinh nghiệm.
Nổi bật trong số này là nhiều thành phố ở Trung Quốc "xóa sổ" xe máy bằng những quy định chặt chẽ. Cụ thể, nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc như Bắc Kinh hay Quảng Châu thực hiện cấm xe máy bằng cách dừng cấp biển số xe máy trong hơn 10 năm qua. Thêm nữa, chính quyền những thành phố trên cấm xe máy đi vào khu nội thị.
Thành phố Bắc Kinh là nơi đầu tiên áp dụng việc cấm xe máy khi không cấp biển số mới kể từ năm 1985. Đến năm 1998, Quảng Châu dừng đăng ký xe mới và cấm xe máy đi vào khu nội thị kể từ năm 2007. Đến năm 2002, xe máy bị cấm chạy trên những đường phố chính ở thành phố Thượng Hải.
Trước lệnh cấm trên, nhiều chủ sở hữu xe máy đã nói lời "tạm biệt" xế yêu. Nhiều xe máy cũ, mục nát, không còn được sử dụng được người dân đem đến các bãi phế liệu.
Cam xe may vao trung tam thanh pho: Kinh nghiem
Một số nước đã đưa ra những giải pháp và lộ trình thực hiện cấm xe máy hiệu quả. Ảnh: New York Times. 
Do xe máy bị cấm, người dân lựa chọn đi lại bằng những phương tiện công cộng như xe bus, tàu điện ngầm, xe điện, ô tô... Trong đó, xe điện là phương tiện được nhiều người dân lựa chọn thay thế cho xe máy. Trước nhu cầu của người dân, ngành công nghiệp xe điện có sự phát triển lớn. Chỉ trong vòng vài năm sau lệnh cấm xe máy, doanh số xe điện ở các thành phố của Trung Quốc, Indonesia... tăng nhanh.
Để thực hiện thành công việc cấm xe máy, chính quyền các nước cũng đưa ra một số giải pháp trong suốt một lộ trình dài nhằm giúp người dân có thời gian thích ứng. Những giải pháp này được đánh giá là hiệu quả. Ví dụ như chính Indonesia đã phê chuẩn một kế hoạch xây dựng 6 đường cao tốc thu phí cao dọc ngang khu vực trung tâm thành phố Jakarta nhằm giảm nhẹ áp lực giao thông khi số lượng ô tô gia tăng.

Mời độc giả xem video: Thủ đô Seoul, Hàn Quốc cấm xe chạy dầu diesel (nguồn: VTC1).

Chính quyền Quảng Châu đã đưa ra lộ trình cấm xe máy đi vào khu nội thu trong hơn 10 năm. Cụ thể, tháng 10/1991, Quảng Châu hạn chế đăng ký xe máy với số lượng giới hạn cho phép đăng ký chỉ 500 chiếc/tháng. Kể từ năm 1995, không có xe máy mới nào được cấp phép đăng ký.
Đến tháng 1/2002, quy định về quản lý tiêu hủy xe máy của thành phố Quảng Châu được ban hành. Theo đó, xe máy đã đăng ký sử dụng trên 15 năm sẽ bị tiêu hủy. Chỉ các mẫu xe đáp ứng được tiêu chuẩn khí thải mới được giữ lại.
Nằm trong lộ trình thực hiện cấm xe máy, tháng 3/2004, chính quyền Quảng Châu ra thông báo hạn chế xe máy ở một số tuyến đường thuộc một số khu vực đô thị. Kể từ tháng 1/2007, lệnh cấm xe máy bắt đầu chính thức có hiệu lực tại thành phố này. Như vậy có thể thấy lộ trình cấm xe máy hoàn toàn ở thành phố lớn (diễn ra từ năm 1991 - 2007) được chia làm nhiều giai đoạn và tiến hành trong thời gian dài nhằm giúp người dân thích ứng với tình hình cũng như tìm được phương tiện đi lại phù hợp.
Tâm Anh (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)