Vén màn bí ẩn hiện tượng thoát xác

Google News

Thoát xác là hiện tượng khá phổ biến trong hầu hết các nền văn hóa. Nhiều người tin rằng, khi đó “hồn” bay khỏi “xác”, bồng bềnh giữa không trung, quan sát thể xác và thế giới xung quanh.

Mời quý độc giả xem video: 10 hiện tượng kỳ lạ xảy ra trong khi bạn ngủ (Nguồn: Zing News)
Những bằng chứng
Năm 1991, nữ ca sĩ người Mỹ - Pam Reynolds tiến hành phẫu thuật não sau khi được chẩn đoán mắc căn bệnh hiểm nghèo. Trong suốt quá trình phẫu thuật, Pam ở trong trạng thái chết lâm sàng khi máu được rút hết ra khỏi bộ não khiến não cô hoàn toàn không hoạt động. Khi tỉnh lại, Pam kể, cô đã rời khỏi cơ thể và nhìn thấy hình ảnh mình đang được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật.
Ảnh minh họa. 
Cô nhớ một y tá đã thốt lên trong lúc phẫu thuật, mạch máu ở chân phải của cô quá nhỏ để cắm máy chạy tim, dụng cụ giống hình bản chải đánh răng mà các bác sĩ dùng để mở hộp sọ, thứ mà cô chưa từng nhìn thấy trong đời. Những lời của Pam hoàn toàn đúng và khiến các bác sĩ vô cùng sửng sốt.
Pam kể, cô thấy mình bị cuốn về một con đường đầy ánh sáng, nơi cô nhìn thấy người thân đã khuất của mình. Trường hợp “thoát xác” của Pam Reynolds là một ví dụ điển hình cho hàng nghìn mô tả về hiện tượng bí hiểm này. Các nhà khoa học cho rằng, có đến 1/10 người trong chúng ta đã trải nghiệm điều này trong đời. Hiện tượng thoát xác này được ghi nhận ở những người đang ở bên bờ vực cái chết, được gọi là trải nghiệm cận tử.
Năm 2012, một sinh viên tâm lý học tên là Reese trình bày với Giáo sư Claude Messier và Andra Smith thuộc Đại học Ottawa (Canada) rằng, cô thường xuyên thoát ra khỏi cơ thể mình và thậm chí có thể chủ động việc này.
Reese kể, những chuyện lạ lùng đến với cô từ những giấc ngủ trưa khi còn học mẫu giáo. Lớn lên, cô có cảm nhận rõ hơn cảm giác bồng bềnh và tự mình nhìn thấy cơ thể của mình trên giường hoặc sàn nhà.
Đương nhiên, Giáo sư Messier và Smith nghi ngờ nhưng khi đưa Reese vào máy chụp cộng hưởng từ, họ nhận thấy cứ khi nào nữ sinh viên này “thoát xác” là phần vỏ não chịu trách nhiệm tạo ra hình ảnh lại bị vô hiệu hóa. Thực tế, toàn bộ phía não phải của cô này không hoạt động, nhưng bên trái thì hoạt động tích cực. Giáo sư Messier và Smith cho rằng Reese trải qua một loại ảo giác, nó giống như một giấc mơ, trong đó bạn có thể thoát ra ngoài cơ thể mình.
Theo nữ tâm lý gia Susan Blackmore, người đã nghiên cứu hiện tượng này hơn 40 năm, xuất hồn là “kinh nghiệm mà dường như một người cảm nhận được thế giới từ một vị trí ngoài cơ thể vật chất”. Theo Blackmore, khoảng 15-20% dân chúng thi thoảng xuất hồn.
Đa phần chỉ một vài lần trong đời, nhưng một số xuất hồn khá thường xuyên, còn một số ít thì luyện tập đến mức xuất hồn lúc nào cũng được. Xuất hồn thường xảy ra lúc nghỉ ngơi, trước khi ngủ hay đang thiền. Đặc trưng chung của trạng thái là thư giãn, giảm hay mất cảm giác bản thể và kích thích cảm giác.
Nó xảy ra trong thời gian ngắn, thường bắt đầu với cảm giác đi vào đường hầm tối đen với ánh sáng rực rỡ phía cuối, giống trạng thái cận kề cái chết. Có người thấy “hồn” xuất rồi lại nhập vào xác.
Đa số người xuất hồn thấy thoát xác, dẫn tới giả định về sự tồn tại của “linh hồn”, độc lập với thể xác và có thể tồn tại sau cái chết của thể xác. Đây là một quan điểm sai lầm vì chia tách con người thành thể xác và linh hồn và xem chúng khác nhau. Vậy chúng tương tác với nhau như thế nào? Khi chết hồn bay đi đâu? Ở người chết đi sống lại, hồn thoát rồi nhập xác ra sao? Đó là những câu hỏi chưa bao giờ được trả lời.
Vậy, bản chất của thoát xác là gì? Hiện tượng này có thể được giải thích theo 2 quan điểm khác nhau. Quan điểm thiên về tôn giáo tồn tại trong hầu hết các nền văn hóa cho rằng, mỗi người chúng ta có một linh hồn và hiện tượng “thoát xác” xảy ra khi linh hồn tách khỏi cơ thể dưới một điều kiện nào đó.
Khoa học giải thích
Các nhà khoa học tạm chia “thoát xác” ra làm 2 loại: ngẫu nhiên và có chủ đích. Thoát xác ngẫu nhiên gồm những trường hợp cận tử, ngủ không sâu do tiếng ồn, căng thẳng hay bệnh tật. Thoát xác có chủ đích là việc một số người cố tình duy trì ý thức mình tỉnh táo trong khi cơ thể ở trạng thái ngủ bằng cách luyện tập mơ thực (lucid dreaming) hoặc dùng các chất hóa học gây ảo giác như ketamine, dextromethorphan hay phencyclidine.
Theo các nhà khoa học, thoát xác thực ra chỉ là ảo ảnh được tạo ra bởi tiềm thức của con người, tức là hiện tượng này không khác giấc mơ thông thường về mặt bản chất. Việc nhìn thấy thiên thần hay người thân quá cố được cho là cách tiềm thức củng cố niềm tin tôn giáo vào sự tồn tại và bất tử của linh hồn.
Nhà tâm lý học Susan Blackmore đề ra giả thuyết: Thoát xác xảy ra khi bộ não của chúng ta ở vào trạng thái hoạt động nhưng mối liên hệ với các giác quan lại bị chặn đứng. Lúc đó, bộ não sẽ tự tạo ra hình ảnh hoặc sự việc không có trên thực tế. Một số trường hợp thoát xác kể lại, họ cũng trải qua cảm giác bị bóng đè, hiện tượng có nguyên nhân tương tự.
Năm 2007, nhà khoa học Olaf Blanke tại Thụy Sĩ đã mô phỏng hiện tượng “thoát xác” trong phòng thí nghiệm. Các tình nguyện viên được gắn các điện cực trên đầu và chứng kiến cơ thể người trong không gian 3D (avatar) mô phỏng chính xác từng hành động của họ.
Sau một thời gian, người tình nguyện viên đã nhầm lẫn giữa cơ thể thực với avatar của chính mình. Điều này xảy ra do sự rối loạn giữa xúc giác và thị giác. Lý do này được nhiều nhà khoa học chấp nhận để giải thích hiện tượng thoát xác. Tuy vậy, nhiều bí ẩn xoay quanh vấn đề này vẫn còn để ngỏ.
Theo Nam Phương/Giaoducthoidai.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)