Thiên thạch 4,5 tỷ năm rơi ở Úc hé lộ nguồn gốc hệ Mặt Trời

Google News

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện thiên thạch rơi ở vùng hẻo lánh nước Úc, có niên đại lâu đời hơn Trái đất và có khả năng giúp làm rõ nguồn gốc của hệ Mặt Trời.

Thiên thạch rơi nặng khoảng 1,7kg được tìm thấy bởi một nhóm các nhà địa chất học và các nhà nghiên cứu từ đại học Curtin, thành phố Perth. Việc tìm kiếm đã diễn ra sớm và may mắn thu được mẫu vật trước khi cơn mưa lớn xóa tan tất cả mọi dấu vết.
 
Theo hãng tin ABC, có tất cả 5 chiếc máy ảnh điều khiển từ xa đã được lắp đặt xung quanh khu vực Lake Eyre để có thể phát hiện thiên thạch ngay sau khi nó rơi xuống Trái Đất.
Từ những hình ảnh thu được, nhóm nghiên cứu đã nhanh chóng kiểm tra chéo con đường rơi xuống của thiên thạch, thu hẹp phạm vi và tiến hành tìm kiếm trong suốt 3 ngày. Cuối cùng, thiên thạch lâu đời này đã được tìm thấy.
Thiên thạch có niên đại khoảng 4,5 tỷ năm tuổi, là hình mẫu tiêu biểu cho những thiên thạch xuất hiện từ những ngày đầu của hệ Mặt Trời.
Việc thu thập mẫu thiên thạch và tiến hành các thí nghiệm để xác định tính chất hóa học có thể cung cấp cho con người cái nhìn sâu sắc chưa từng có về lịch sử của Trái đất và hệ Mặt Trời.
 Nhà nghiên cứu Phil Bland vui mừng khi thấy thiên thạch sau 3 ngày tìm kiếm.
Việc phát hiện ra thiên thạch cổ xưa có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Sau khi xác định thành phần, tính chất hóa học, các chuyên gia có thể so sánh với những mẫu đá hiện nay, từ đó chỉ ra sự khác biệt về thành phần địa chất, nhìn nhận quá trình biến đổi xảy ra suốt hàng tỷ năm.
Đó cũng là lý do tại sao mà các cơ quan không gian trên thế giới đã lên kế hoạch cũng như tiến hành những nhiệm vụ thăm dò các tiểu hành tinh và thiên thạch để khoan lấy mẫu vật, sau đó nghiên cứu ra những kết quả vô cùng quý giá.
Nhà nghiên cứu Phil Bland nói trong cuộc họp báo sau khi thiên thạch được phát hiện: "Đây là một vấn đề có ý nghĩa vì các cơ quan không gian như NASA hoặc JAXA (cơ quan không gian Nhật Bản) có thể sẽ phải dành cả tỷ đô la để cố gắng tiếp cận một tiểu hành tinh và mang lại mẫu vật trở về".
Hiện tại, các nhà nghiên cứu đang hỏi những người dân bản địa – tộc người Arabana của Úc - về cách đặt tên cho thiên thạch quý giá này.

Theo ĐSPL

Bình luận(0)