Hiện tượng bất thường từ Mặt trời: Nỗi lo của nhân loại

Google News

Một số hiện tượng hiếm thấy xảy ra trên Mặt trời gần đây khiến các nhà khoa học chưa tìm được lời giải thích. Liệu chúng ta có nên lo sợ về những hiện tượng khác thường trên đó hay không?

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vào tháng rồi công bố bức ảnh về hiện tượng hiếm mà giới khoa học gọi là "sợi vật chất cuộn tròn" gần một "lỗ thủng" trên Mặt trời. Sợi vật chất này bao quanh một vùng hoạt động tích cực trên bề mặt Mặt trời. Thông thường, những sợi vật chất màu đen này xuất hiện với hình dáng thon dài, do đó việc chúng cuộn tròn vào nhau đã gây được sự chú ý của cộng đồng khoa học. Đây không phải là sự kiện lạ lùng duy nhất diễn ra trên Mặt trời thời gian qua. Trước đó, hiện tượng hai vết đen khổng lồ xuất hiện trên bề mặt của Mặt trời cũng khiến giới khoa học đặc biệt lo lắng và quan tâm.
Vết đen hoặc quầng lửa hoặc bão Mặt trời không phải là những hiện tượng xa lạ. Thông thường, chúng có khuynh hướng xuất hiện nhiều nhất vào thời điểm Mặt trời bùng phát mạnh nhất trong chu kỳ 11 năm. Thế nhưng, những sự kiện diễn ra trong thời gian qua lại cho thấy điều trái ngược, khiến giới khoa học vừa phấn khích vừa lo lắng vì họ không kỳ vọng thấy được Mặt trời hoạt động mạnh mẽ thời gian đó.
 
Không chỉ liên tục xuất hiện ở thời điểm không mong đợi, quầng lửa Mặt trời còn khiến các nhà khoa học lo lắng về quy mô và cường độ của chúng. Các hoạt động trên Mặt trời nói trên đã gây ra một vài cơn bão bức xạ ở những vùng vĩ độ cao của trái đất, làm gián đoạn liên lạc vô tuyến ở những tần số nhất định. Theo trang The Conversation, tác động của chúng còn lan đến xích đạo và gây ảnh hưởng đến liên lạc tần số cao, như vô tuyến điện nghiệp dư dùng trong ứng phó khẩn cấp và cứu trợ thiên tai. Dữ liệu từ Cục Khí tượng Úc cho thấy hoạt động liên lạc vô tuyến tần số cao dường như bị gián đoạn tại các khu vực bão Irma hoành hành.
Cũng tại những khu vực này, hoạt động liên lạc qua hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu (GNSS) dường như bị hỏng. Bão bức xạ còn buộc các chuyến bay đi qua vùng cực phải thay đổi lộ trình nhằm tránh môi trường bức xạ gia tăng có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người cũng như đe dọa làm hỏng hệ thống định vị, thông tin liên lạc của máy bay. Cơn bão này được biết đến với khả năng ảnh hưởng xấu đến vệ tinh, công nghệ thông tin liên lạc ở trái đất, điện lưới, GPS/GNSS, hoạt động dự đoán quỹ đạo bay của vệ tinh cũng như các mảnh vỡ trong vũ trụ. Theo một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ (NAS), một siêu bão Mặt trời khi tấn công trực tiếp vào trái đất có thể làm mất điện diện rộng và gây thiệt hại lên đến 2.000 tỉ USD.
Giới khoa học hiện chưa thể lý giải hết mọi chuyện diễn ra trên Mặt trời. Dù vậy, những gì xảy ra thời gian qua báo hiệu những sự kiện thời tiết không gian quan trọng có thể diễn ra vào bất kỳ thời điểm nào trong chu kỳ 11 năm của Mặt trời, ngay cả vào thời điểm nó được cho là yên tĩnh nhất.
Theo Nhật Linh/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)