Đến tiểu hành tinh Bennu, khám phá loạt hạt bí ẩn gây choáng

Google News

(Kiến Thức) - Ngay sau khi tàu vũ trụ OSIRIS-REx đến tiểu hành tinh Bennu, nhóm khoa học khám phá ra sự thực bất ngờ, tiểu hành tinh này có hoạt động thải các hạt liên tục vào không gian. 

Cuộc điều tra vẫn đang diễn ra trên tiểu hành tinh Bennu, và mẫu vật cuối cùng sẽ được đưa trở lại Trái đất để làm sáng tỏ lý do tại sao lại có hiện tượng hấp dẫn này.

Nhóm OSIRIS-REx lần đầu tiên quan sát thấy một sự kiện phóng hạt vào không gian, qua các hình ảnh được chụp bởi các camera điều hướng của tàu vũ trụ.

Thoạt nhìn, các hạt dường như là những ngôi sao đằng sau tiểu hành tinh, nhưng khi kiểm tra kỹ hơn, nhóm nghiên cứu nhận ra rằng tiểu hành tinh đang đẩy vật chất hạt ra khỏi bề mặt của nó.

Den tieu hanh tinh Bennu, kham pha loat hat bi an gay choang
Nguồn ảnh: Phys. 

Sau khi kết luận rằng các hạt này không ảnh hưởng đến sự an toàn của tàu vũ trụ, đội thám sát bắt đầu các hoạt động thăm dò, nghiên cứu chuyên sâu.

Dante Lauretta, điều tra viên chính của OSIRIS-REx tại Đại học Arizona, Tucson cho biết: "Đây là một cơ hội tuyệt vời để mở rộng kiến thức của chúng ta về cách các tiểu hành tinh tồn tại và tiến hóa".

Sau khi nghiên cứu quan sát, nhóm khoa học đã công bố kết quả của họ trong một bài báo Khoa học xuất bản vào ngày 6/ 12. Nhóm đã quan sát ba sự kiện phóng hạt lớn nhất vào ngày 6 và 19/ 1 và ngày 11 /2 và kết luận rằng, các sự kiện bắt nguồn từ các vị trí khác nhau trên bề mặt của tiểu hành Bennu.

Sự kiện đầu tiên bắt nguồn từ Nam bán cầu, và sự kiện thứ hai và thứ ba xảy ra gần xích đạo. Cả ba sự kiện diễn ra vào thời gian cuối buổi chiều trên Bennu.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng, sau khi phóng ra từ bề mặt của tiểu hành tinh, các hạt quay quanh một thời gian ngắn và rơi trở lại bề mặt của nó, hoặc thậm chí có hạt thoát khỏi Bennu bay hẳn vào không gian.

Các hạt quan sát được di chuyển lên tới 10 feet (3 mét) mỗi giây và được đo có kích thước nhỏ hơn 1 inch lên đến 4 inch (10 cm). Khoảng 200 hạt đã được quan sát trong sự kiện lớn nhất diễn ra vào ngày 6/ 1.

Nhóm nghiên cứu đã đề ra một loạt các cơ chế có thể gây ra các sự kiện phóng hạt này, bao gồm do tác động thiên thạch nhỏ hơn vào tiểu hành tinh, nứt vỡ bề mặt do căng thẳng nhiệt, hoặc là sự bùng phát của hơi nước.

Các tác động của thiên thạch là phổ biến trong vùng lân cận không gian sâu của Bennu, và có thể những mảnh đá vũ trụ nhỏ này va vào Bennu nơi OSIRIS-REx không quan sát được nó, làm rung chuyển các hạt lỏng lẻo theo đà tác động của chúng.

Nhóm nghiên cứu cũng xác định rằng hiện tượng nứt nhiệt là một lời giải thích hợp lý khác. Nhiệt độ bề mặt của Bennu thay đổi đáng kể trong khoảng thời gian xoay vòng trong 4,3 giờ. Mặc dù trời rất lạnh vào ban đêm, bề mặt của tiểu hành tinh ấm lên đáng kể vào giữa buổi chiều.

Do sự thay đổi nhiệt độ này, đá có thể bắt đầu nứt và vỡ, và cuối cùng các hạt có thể bị đẩy ra khỏi bề mặt. Chu kỳ này được gọi là nứt gãy ứng suất do nhiệt.

Hơi nước bốc lên cũng có thể giải thích hoạt động của tiểu hành tinh. Khi đất sét khóa nước trên Bennu được làm nóng, nước có thể bắt đầu giải phóng và tạo ra áp lực.

Có thể có áp lực tích tụ trong các vết nứt và “lỗ chân lông” trong các tảng đá- nơi nước được giải phóng, bề mặt có thể bị kích động, khiến các hạt phun trào.

Mời quý vị xem video: Bí ẩn ngôi sao kỳ lạ nhất vũ trụ. Nguồn video: Cuộc sống thực

Huỳnh Dũng (theo Space)

>> xem thêm

Bình luận(0)