Cá voi hoa tiêu mang thai tại Ninh Thuận chết do ngộ độc?

Google News

Sau nhiều nỗ lực cứu hộ, cá voi dạt vào vịnh Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận) đã chết. Trước đó, trong quá trình cứu hộ, nhóm tình nguyện viên đã phát hiện rác thải nhựa kèm dịch màu đỏ trôi ra từ lỗ thở cá voi. Người dân đã chôn cất cá tại lăng trong làng với nghi thức truyền thống.

Ngày 20/8, báo cáo của cơ quan chuyên môn địa phương cho biết, rạng sáng ngày 16/8, ngư dân thôn Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận) phát hiện một cá thể cá voi (ngư dân thường gọi cá Ông) dài 3,64m, ước tính cân nặng khoảng 300kg bị trôi dạt vào vịnh Vĩnh Hy.
Sau nhiều lần người dân cố gắng dìu cá ông trở lại biển, cá vẫn tiếp tục dạt vào bờ.
Tiếp nhận thông tin, cơ quan bảo tồn thiên nhiên sở tại đã thông tin đến mạng lưới động vật biển Việt Nam, Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học và loài nguy cấp để cử các chuyên gia, nhóm tình nguyện viên bảo vệ bờ biển… và cộng đồng người dân địa phương tiến hành cứu hộ cá.
Ca voi hoa tieu mang thai tai Ninh Thuan chet do ngo doc?
Nỗ lực cứu hộ cá voi tại vịnh Vĩnh Hy. Ảnh: Thiện Nhân. 
Sáng 18/8, cá Ông được nhóm cứu hộ di chuyển đến vùng biển thuộc bãi Bà Điên, trong khu du lịch Amanoi, nơi có vùng nước sạch, không rác thải và yên tĩnh, nhằm thuận lợi cho công tác chăm sóc, cứu hộ.
Trong quá trình cứu hộ, nhóm tình nguyện viên phát hiện vỏ kẹo bằng nhựa và dịch màu đỏ như máu bị thổi ra từ lỗ thở trên đầu của cá. Trong khoảng thời gian 42 giờ được chăm sóc và theo dõi, cá đã bị chết vào lúc 1h35’ sáng ngày 19/8.
Sáng cùng ngày, xác cá voi được đưa về lăng Vĩnh Hy và được người dân chôn cất theo nghi thức truyền thống. Trước khi xác cá được mang chôn, lực lượng cứu hộ tiến hành phẫu thuật để lấy một số bộ phận phục vụ xét nghiệm đã bất ngờ phát hiện 1 cá thể cá voi con bên trong bụng cá.
Theo nhận định của các chuyên gia, cá voi chết có thể do stress từ việc mắc cạn, từ việc mang thai và ngộ độc rác thải nhựa.
Cũng theo các chuyên gia, cá voi chết tại vịnh Vĩnh Hy là cá voi hoa tiêu vây ngắn, tên khoa học là Globicephala macrorhynchus, giới tính cái, phân bố rộng khắp vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Đây là loài thú biển cỡ trung bình lớn thuộc bộ cá voi Cetacea, bộ phụ cá voi răng Odontoceti, là loài có tập tính xã hội cao, thường sống theo bầy đàn từ 15-50 cá thể. Cá đực trưởng thành có thể dài đến 5m, nặng 3 tấn; cá cái nhỏ hơn, dài đến 3,7m, nặng dưới 2 tấn.
Theo Khánh Hà/BVPL

>> xem thêm

Bình luận(0)