Bí mật rợn người khi nóc nhà thế giới 'tan chảy'

Google News

Hiện tượng nóng lên toàn cầu đang khiến lớp băng ở Everest tan nhanh, làm lộ ra thi thể những nhà leo núi đã không may bỏ mạng trên con đường chinh phục ngọn núi cao nhất thế giới.

Thực tế mới
Vài năm trước, tại Trại căn cứ Everest nằm ở độ cao hơn 5.300m trên địa phận Nepal, ông Kami Rita - một nhà leo núi kiêm hướng dẫn viên kỳ cựu, người vừa lập kỷ lục thế giới với 24 lần chinh phục thành công đỉnh núi cao nhất thế giới – bất ngờ gặp phải cảnh tượng hãi hùng: những mẩu xương người nhô lên khỏi mặt đất, trơ trụi dưới băng mỏng.
Bi mat ron nguoi khi noc nha the gioi 'tan chay'
Dòng người chinh phục Everest. 
Tuy nhiên, kể từ đó cho đến nay, cảnh tượng mà ông Rita đã trải qua đã tái diễn với mức độ ngày càng thường xuyên. Trong các mùa leo núi tiếp theo đó, ngày càng có nhiều bộ phận cơ thể người được ông phát hiện hơn trên chặng đường lên tới đỉnh Everest, bao gồm từ hộp sọ, ngón tay và những phần chân người.
Các hướng dẫn viên leo Everest cho rằng những phát hiện nói trên chính là một biểu hiện rõ rệt cho thấy sự nóng lên toàn cầu ở đỉnh núi cao nhất thế giới: khí hậu ấm lên đang khiến Everest không còn là nơi an nghỉ một cách yên bình của những nhà leo núi không may tử nạn trong hành trình chinh phục thử thách. “Băng tuyết đang tan chảy ngày càng nhiều, khiến các thi thể trở nên lộ thiên. Vì thế, việc phát hiện những bộ xương người đang dần trở thành chuyện bình thường với chúng tôi”, ông Rita cho hay.
Trên thực tế, không chỉ ông Rita mà trong vài mùa gần đây, những người leo núi khác cũng cho hay, số xác chết mà họ phát hiện ở lưng chừng Everest đã nhiều hơn bất cứ bao giờ. Các nhà leo núi và chính phủ Nepal đều tin rằng đây là kết quả nghiệt ngã của hiện tượng nóng lên toàn cầu. 
Nó đang làm các dòng sông băng trên núi tan chảy nhanh hơn, khiến những bộ xương, những chiếc ủng cũ và cả những xác chết của những người thám hiểm được cho là đã không may tử nạn nhiều thập kỷ trước lộ lên trên bề mặt băng.
Thực tế này cũng đang đặt ra câu hỏi khó khăn đối với Chính phủ Nepal trong việc đưa ra giải pháp để xử lý các thi thể. Theo một số ước tính, hơn 100 thi thể có thể đang nằm trên đỉnh Everest. Hiện nay, tại Nepal vẫn đang nổ ra cuộc tranh luận công khai về việc đưa các thi thể đó xuống núi hay cứ tiếp tục để tại đó.
Trong đó, một số nhà leo núi cho rằng những người đã tử vong trong hành trình tìm cách chinh phục Everest đã trở thành một phần của ngọn núi này và nên để thi thể của họ tiếp tục nằm lại đó. Những người này cũng chỉ ra rằng các thi thể nạn nhân bỏ mạng tại Everest cũng đang được bảo quản rất tốt khi ánh mặt trời dù có chiếu xuống nhưng họ vẫn được lớp băng dày bảo vệ.
Trong vòng 6 thập kỷ qua, khoảng 300 người leo núi đã thiệt mạng trong các chuyến thám hiểm Everest, chủ yếu do gặp bão, bị ngã hoặc bị sốc độ cao. Đặc biệt, mùa leo núi năm nay được đánh giá là một trong những mùa chinh phục Everest chết chóc nhất, với ít nhất 11 trường hợp tử vong đã được ghi nhận, một phần là do số người khao khát chinh phục “nóc nhà thế giới” gia tăng đột biến. Trước tình hình này, Chính phủ Nepal cho biết đang xem xét thay đổi quy định về những người được phép leo lên Everest nhằm tránh ùn tắc và những hành vi gây mất trật tự trên đỉnh núi.
Theo ước tính của ông Ang Tshering - Cựu chủ tịch Hiệp hội các nhà leo núi Nepal - thi thể của ít nhất 1/3 số người đã thiệt mạng tại Everest vẫn còn ở đó. Hài cốt của một số nạn nhân không được toàn vẹn do gặp phải tuyết lở. Nguyên nhân của việc này là do việc đưa một thi thể từ đỉnh núi xuống là việc rất nguy hiểm.
Một cơ thể bị đóng trong băng tuyết có thể nặng tới hơn 136 kg. Do vậy, việc mang một khối lượng nặng như vậy đi qua các khe núi, những sườn dốc trong điều kiện thời tiết thất thường sẽ khiến người di chuyển thi thể có nguy cơ thiệt mạng cao hơn.
Dãy Himalaya thay đổi vì biến đổi khí hậu
Theo các nhà quan sát, việc ngày càng có nhiều thi thể lộ ra ở Everest là một phần của thay đổi lớn hơn đang diễn ra ở đỉnh núi này. Trong vòng 1 thập kỷ qua, biến đổi khí hậu đang định hình lại một cách nhanh chóng toàn bộ dãy Himalaya. So với vài năm trước, đường băng tuyết ở trên đỉnh Everest đã cao hơn đáng kể.
Các khu vực trước đây được bao phủ trong lớp băng dày đặc thì bây giờ đã lộ ra nhiều hơn vì băng tan. Để có thể leo được lên đỉnh núi, những nhà thám hiểm nay phải dùng nhiều hơn tới những chiếc rìu phá băng để bổ vào các mỏm đá để có thể bám vào đường trong quá trình di chuyển lên cao.
Năm 2016, quân đội Nepal đã phải lấp một hồ nước ở gần Everest sau khi hiện tượng băng tan nhanh ở khu vực này đe dọa sẽ gây ra những trận lũ lụt thảm khốc ở dưới chân núi. Một nghiên cứu được công bố hồi đầu năm cũng cho thấy kích thước của các hồ trên đỉnh những sông băng trên khu vực Everest - tín hiệu về tốc độ tan băng – trong 3 năm qua đã tăng lên rất nhiều, vượt xa tốc độ thay đổi trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21.
Ông Kami Rita lo ngại rằng hiện tượng tan băng ở đỉnh Everest – vốn nằm gần một sông băng lớn và trải ở khu vực giáp ranh giữa Nepal và Tây Tạng – sẽ trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh ngọn núi đang tiếp tục được thương mại hóa và thu hút ngày càng nhiều những người leo núi không có nhiều kinh nghiệm. “Nếu băng tiếp tục tan chảy, việc leo được lên tới đỉnh núi tới đây sẽ rất khó”, ông này cho hay.
Trong một nghiên cứu về sự nóng lên ở những khu vực có độ cao lớn so với mực nước biển được công bố hồi tháng 2 vừa qua, các nhà khoa học cảnh báo rằng, ngay cả trong trường hợp những mục tiêu tham vọng nhất về biến đổi khí hậu được hiện thực hóa, 1/3 sông băng ở dãy Himalaya sẽ tan chảy vào cuối thế kỷ này.
Theo báo cáo có tên Hindu Kush Himalaya này, nếu hiện tượng nóng lên toàn cầu và khí thải nhà kính tiếp tục diễn tiến như mức độ hiện tại, con số trên có thể tăng lên thành 2/3. Báo cáo cũng cho biết, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tốc độ ấm lên của bề mặt Trái Đất sẽ tỉ lệ thuận với độ cao của một khu vực. Theo đó, nếu lượng phát thải khí nhà kính tiếp tục ở mức hiện tại, vào năm 2040, bầu khí quyển sẽ ấm lên 1,5 độ C so với hiện nay. Ở Himalaya, mức tăng có thể lên tới 2,1 độ C.
Ông Dandu Raj Ghimire - Giám đốc cơ quan quản lý du lịch của Nepal, cơ quan giám sát các cuộc thám hiểm trên núi - cho biết, sự xuất hiện của các thi thể tại đỉnh Everest cho thấy sự thay đổi rõ nét của khu vực này.
Đối với nhiều người leo núi, những thi thể được phát hiện thời gian qua chính là một lời nhắc nhở đáng sợ đối với họ về những hiểm họa trên núi. Cô Vibeke Andrea Sefland - một nhà leo núi người Na Uy cho biết, trong chuyến thám hiểm năm 2017, cô đã phải bước qua thi thể của 4 người, trong đó có một người bạn của cô.
Theo Minh Ngọc/Báo Pháp Luật

>> xem thêm

Bình luận(0)