Ngỡ ngàng xe lửa hơi nước tái xuất giang hồ

Google News

(Kiến Thức) - Điều như chẳng ai ngờ tới là từ một đầu máy xe lửa cũ nát không khác gì đống phế liệu lại được hồi sinh sau 30 năm ngừng hoạt động.

Câu chuyện tưởng chừng khó tin này nhưng lại có thật tại Việt Nam. Sau hơn 8 tháng lắp ráp, các công nhân của Công ty xe lửa Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã phục hồi thành công chiếc đầu máy xe lửa tự lực 141-190. Đây được xem là chiếc xe lửa hơi nước chạy bằng than đầu tiên được phục hồi 100% tại Việt Nam.
Ngo ngang xe lua hoi nuoc tai xuat giang ho
Xe lửa hơi nước tái xuất sau 30 năm không hoạt động. 
Đầu máy xe lửa Tự lực 141-190 là loại đầu máy chạy bằng hơi nước, đốt than, được sản xuất vào năm 1966 ở Trung Quốc và đưa về hoạt động tại tuyến đường Hà Nội - Hải Phòng. 141 là ký hiệu của kiểu phân hiệu công nghệ đầu máy xe lửa Mikado, tức là phần đầu máy xe lửa sẽ có một bánh nhỏ điều hướng, đến bốn bánh lớn chịu lực và một bánh nhỏ sau cùng phân phối hướng. 190 là thứ tự sản xuất của chiếc xe.
Mời quý độc giả xem trailer "Hồi sinh xe lửa hơi nước":

141-190 có một nồi hơi mang thể tích 4m3, kéo theo một xe có khả năng chứa 10 tấn than và 16m3 nước, số nhiên liệu nước đủ để kéo được 20 toa khách lưu thông đoạn đường dài 50km. Sau khi có chủ trương thay thế xe lửa hơi nước bằng xe lửa chạy dầu vào năm 1996, chiếc 141-190 được đưa về Xí nghiệp vận dụng đầu máy Hà Nội. Năm 2009, với chủ trương phục hồi đầu máy hơi nước để đưa vào khai thác du lịch, 141-190 cùng với hai đầu máy hơi nước khác được Công ty TNHH dịch vụ du lịch đường sắt Đông Dương mua lại để phục hồi.
Chương trình phục hồi lúc đầu được ký kết với Nhà máy xe lửa Gia Lâm, phân chia làm hai giai đoạn rã máy và lắp ráp hoàn chỉnh. Nhưng sau khi chiếc đầu máy 141-190 được rã ra thì chương trình tạm dừng. Tưởng đã ngừng hẳn, nhưng đến cuối năm 2010 các thiết bị của 141-190 được chuyển vào Công ty xe lửa Dĩ An để tiếp tục sữa chữa. Nhiều phần thiết bị thất lạc hay gỉ sét tới mức không thể sử dụng được. Thậm chí có bộ phận như hệ thống bơm nước phải được mượn tạm từ đầu máy xe lửa hơi nước đang trưng bày ở Đà Lạt về.
Từ lúc bắt đầu sửa chữa, Công ty xe lửa Dĩ An từng mời thêm nhiều chuyên gia từ nước ngoài về để làm kỹ sư trưởng. Nhưng lần lượt họ đều lắc đầu trước một đống thiết bị vương vãi, bởi hầu hết chuyên gia đều chỉ chuyên môn một bộ phận. Sau đó, kỹ sư về đầu máy hơi nước Nguyễn Văn Hiến được mời đến và gần như toàn bộ công nhân của Công ty xe lửa Dĩ An đã được huy động để sửa chữa cỗ máy này. Đến tháng 2/2014, cỗ máy 141-190 được lắp ráp hoàn thiện và hồi sinh trở lại.
Đầu máy xe lửa hơi nước là một cỗ máy thiết kế phức tạp đầu tiên mà con người tạo ra. Một động cơ hơi nước cần một nồi hơi để đun nước sôi tạo hơi. Việc giãn nở của hơi tạo một lực đẩy lên piston hay các cánh tuốc bin và chuyển động thẳng được chuyển thành chuyển động quay để quay bánh xe hay truyền động cho các bộ phận cơ khí khác. Một trong những lợi thế của động cơ hơi nước là nó có thể sử dụng bất cứ nguồn nhiệt nào để đun nồi hơi nhưng nguồn nhiệt thông dụng nhất là đốt củi, than đá hay dầu diesel. Do vậy, việc vận hành hay sửa chữa những cỗ máy kiểu này trở nên phức tạp không kém.
Việc hồi sinh chiếc đầu máy xe lửa cũ nát khó khăn và phức tạp thế nào, nó có được đưa vào sử dụng như một loại hình dịch vụ, đi xe lửa hơi nước thú vị ra sao, quý khán giả sẽ có câu trả lời trong phóng sự "Hồi sinh xe lửa hơi nước" phát sóng lúc 20h15 thứ 6 ngày 20/2/2015 trên kênh ANTG (Truyền hình An Viên).
Hải Sơn

Bình luận(0)