Việc người nhà nạn nhân và cảnh sát đuổi theo xe tên cướp đã vô tình tạo ra 1 nguồn nguy hiểm cao độ. Tên cướp “chó cùng dứt giậu” đã chạy bạt mạng gây tai nạn cho nhiều người vô tội. Vậy, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm pháp lý, hình sự trước thương vong của 5 nạn nhân trên, hay tất cả đều quy tội về mình tên cướp xe? Trong những trường hợp như vậy, khi tâm lý tên trộm hoảng loạn vì bị phát giác, người dân và đặc biệt là lực lượng công an nếu nhận biết sẽ có nguy hiểm cho người khác thì có nên truy đuổi kẻ phạm tội không? Trong luật có điều khoản nào quy định về điều này hay chưa? Nếu hiện chưa có thì đây có phải là một lỗ hổng pháp lý không?
Trao đổi với Kiến Thức, Luật sư Hoàng Văn Trạch, Văn phòng Luật sư Trí Minh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết, trường hợp của tên cướp trên là trường hợp phạm tội quả tang. Theo quy định tại Điều 82 Bộ luật tố tụng hình sự thì khi phát hiện hành vi phạm tội quả tang, tất cả mọi người đều có quyền truy bắt người phạm tội quả tang.
|
Đối tượng Việt cướp ô tô, bị phát hiện và truy đuổi, đã chạy bạt mạng, gây ra hàng loạt vụ tai nạn khiến 1 người chết, 4 người bị thương. |
Khi truy bắt tội phạm bằng phương tiện xe cơ giới thì cũng không có quy định cho phép người truy bắt được quyền vi phạm Luật giao thông đường bộ, do vậy nếu người truy bắt gây tai nạn họ vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình gây ra. Tuy nhiên trường hợp này tai nạn do tên cướp gây ra, nên chỉ mình tên cướp phải chịu toàn bộ trách nhiệm. Theo quy định pháp luật hiện nay là như vậy. Tóm lại theo quy định hiện hành thì trong quá trình truy bắt tội phạm, ai vi phạm Luật giao thông gây tai nạn thì người đó phải chịu toàn bộ trách nhiệm.
“Hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc truy bắt tội phạm thì phải thực hiện như thế nào? Có được ưu tiên gì đặc biệt (đi quá tốc độ, đi lấn làn đường ...) khi truy đuổi bằng phương tiện giao thông hay không? Do vậy trong tương lai theo tôi cần có quy định điều chỉnh vấn đề này. Tuy nhiên quy định như thế nào để cân bằng được lợi ích giữa một bên là đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và một bên là đảm bảo quyền lợi cho người bị hại cũng như đảm bảo công tác đấu tranh phòng chống tội phạm là bài toán không dễ cho những nhà làm luật”, luật sư Thạch nêu ý kiến.
Nhìn nhận ở một góc độ khác, góc độ diễn biến tâm lý con người, chuyên gia tâm lý Bùi Nhài, Trung tâm tư vấn Thành Đạt (Hà Nội), cho rằng, việc tên trộm cướp xe ô tô và bỏ chạy, người dân và công an đuổi theo để truy bắt, thông thường là một hành động đáng hoan nghênh. Với cảnh sát giao thông, đây là nhiệm vụ của họ. Nếu cảnh sát giao thông thấy cướp xe chạy qua khu vực mình đang làm việc mà không đuổi theo truy bắt thì còn có thể bị nhiều người chỉ trích. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nếu việc đuổi theo tên trộm mà gây hậu quả nghiêm trọng cho những người vô tội khác thì chúng ta nên dừng việc đuổi theo và nghĩ các cách khác để có thể bắt giữ kẻ trộm. Việc tên cướp lái xe bỏ chạy đã là một mối nguy hiểm trên đường phố, những người khác truy đuổi theo sẽ đẩy mối nguy hiểm này lên tột độ. Như trường hợp kẻ cướp ô tô này, trong lúc bỏ chạy vì bị truy đuổi, tâm lý đối tượng càng lúc càng trở nên hoảng loạn, bất cần, “chó cùng dứt giậu” nên đã phi bạt mạng, gây tai nạn liên hoàn khiến nhiều người bị thương nặng và 1 người chết. Nếu sau khi truy đuổi tên trộm được 1 đoạn và chứng kiến cảnh đối tượng gây ra tai nạn đầu tiên với một người vô tội đang lưu thông trên đường, những người truy đuổi nhận thức được những mối nguy hiểm tiếp theo và dừng truy đuổi thì có thể những vụ tai nạn tiếp theo như trong bài báo nêu sẽ không xảy ra. Thay vào đó, chúng ta có thể nghĩ các cách khác để bắt tên trộm, như ghi nhớ tên xe và biển số, dự đoán tên trộm sẽ chạy hướng nào và báo trước với các đồn cảnh sát giao thông ở những nơi đó.