Vụ án “Cái bẫy chuột” và tội ác động trời của cha nuôi "ác quỷ"

Google News

Vở kịch The Mousetrap (Cái bẫy chuột) của Agatha Christie cũng đang giữ kỷ lục vở kịch được công diễn lâu nhất trong lịch sử sân khấu London. Nội dung của nó kể về một vụ án mạng có thật, từng gây chấn động Vương quốc Anh vào năm 1945.

Có rất nhiều vụ án mạng xảy ra mà nguyên nhân chỉ vì những lý do tưởng chừng như rất hoang đường, nhưng lại gây chấn động thế giới, thậm chí còn tác động rất lớn đến đời sống xã hội, hệ thống tư pháp...
Loạt bài 10 vụ án mạng gây chấn động sau đây sẽ lột tả chân thực những gì xảy ra trong các vụ trọng án, vốn đã đi vào lịch sử nhân loại.
Cái chết gây chấn động giữa thế chiến 2
Chiến tranh thế giới thứ hai, Vương quốc Anh là một trong những đế quốc tham chiến sớm nhất. Cho đến ngày hiệp ước đình chiến được các bên ký kết, tổng thiệt hại về người của đảo quốc sương mù cho cuộc chiến này là 320.000 người. So với những quốc gia tham chiến khác như Liên Xô, Đức, Ba Lan… thì con số này rất "nhỏ". Thế nhưng, chỉ tính riêng tại Vương quốc Anh, thì con số này lớn vô cùng.
Ngày 9/1/1945, cậu bé Dennis O’Neill - 13 tuổi bị phát hiện đã chết trong tình trạng thể chất vô cùng kinh khủng. Cậu bé gần như chỉ còn một bộ da bọc xương, cơ thể bầm dập những vết đòn roi, vết đòn cũ chưa mờ thì đã bị che lấp bởi những trận đòn kế tiếp. Dennis và em trai Terence - 11 tuổi, được một đôi vợ chồng trung niên nuôi nhận ở một nông trại hẻo lánh tại Shropshire.
13 giờ chiều, mẹ nuôi của Dennis - bà Esther Gough gọi điện báo với bác sỹ rằng Dennis đã ổn định, sức khỏe đang hồi phục. Thế nhưng đến 15h cùng ngày, khi vị bác sỹ đến nông trại, Dennis đã chết. Và theo khám nghiệm tử thi cũng như kết luận từ các bác sỹ, Dennis đã chết nhiều giờ trước đó. Nước Anh một phen chấn động về cái chết của Dennis.
Thời điểm ấy, báo chí xứ sở sương mù chỉ đưa tin về những chiến thắng của quân đội Anh trước phe phát-xít, về hàng nghìn kẻ thù bị tiêu diệt trong ở mỗi chiến trường, về những thiệt hại của người Anh trong cuộc chiến. Vậy nhưng, hình ảnh về cái chết thương tâm của Dennis O’Neill vẫn khiến tất cả phải ngậm ngùi.
Kết quả khám nghiệm tử thi gây sốc với tất cả. Dennis bị trụy tim do bị đánh quá mạnh vào lồng ngực. Cậu bé bị giết, chứ không phải vì chết đói nữa. Dennis chết, chỉ 2 ngày trước sinh nhật tuổi 13. Và phải có kẻ phải chịu trách nhiệm cho tội ác này.
Tội ác của người cha nuôi & cuộc chiến vì công lý
Ngày 3/2/1945, cha mẹ nuôi của Dennis - cặp vợ chồng Reginald và Esther Gough bị bắt. Reginald bị buộc tội bạo hành, tra tấn tàn độc với Dennis. Còn người vợ Esther khai nhận với nhà chức trách rằng mình chỉ tuân theo lệnh của chồng, bởi nếu không cũng bị người đàn ông vũ phu cũng "tẩn" luôn.
Với những lời khai ấy, ban đầu Esther chỉ bị phạt tù 6 tháng, còn người chồng Reginald bị khép vào tội ngộ sát. Tuy nhiên, trước làn sóng căm phẫn đến cực điểm của công chúng Anh, tòa án khép Esther vào tội ngộ sát, còn Reginald phải trả giá với tội danh giết người.
Những kẻ mang danh cha mẹ nuôi ấy thực sự khiến cả Vương quốc Anh rúng động. Họ cố gắng nhận nuôi những đứa trẻ để nhận được 2 bảng trợ cấp mỗi tháng - một khoản tiền không hề nhỏ ở thời điểm năm 1945.
Thế nhưng họ lại đối xử tàn ác với những đứa con nuôi mà mình đã cam kết nuôi nấng và chăm sóc. Dennis và em trai Terence sống những tháng ngày địa ngục với cha mẹ nuôi, cả hai đứa trẻ đều bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, và hơn hết là bị bạo hành. Terence chỉ may mắn hơn anh trai đôi chút là vì ít tuổi hơn, nên cha mẹ nuôi không thể bắt cậu bé làm những công việc như Dennis đã làm, cũng không thể đánh Terence như đã đánh Dennis.
Vu an “Cai bay chuot” va toi ac dong troi cua cha nuoi
Một trong những nhân chứng của câu chuyện năm ấy - người anh Terry O'Neill 
Reginald lúc đầu bị kết án tù 6 năm, sau đó tăng lên 10 năm tù. Nhưng công chúng Anh vẫn cảm thấy hình phạt ấy không tương xứng với tội ác ghê tởm mà nhà Gough đã gây ra. Một làn sóng dư luận yêu cầu phải sửa đổi lại thể chế luật lệ của nước Anh, để phù hợp hơn với bối cảnh xã hội, với những kẻ tàn bạo như cặp vợ chồng Reginald và Esther Gough. Chính bởi tiền đề này, đến năm 1948, Đạo luật trẻ em ra đời như một biện pháp để có nhiều quyền bảo vệ hơn cho trẻ em khắp xứ sở Anh quốc.
Bên cạnh đó, hai anh em khốn khổ Dennis và Terence O'Neill (ngoài ra còn một người anh em có tên Terry) cũng như những tội ác của hai kẻ cha mẹ nuôi Reginald và Esther Gough đi vào lịch sử. Tất cả trở thành nguồn cảm hứng cho nữ tác giả Agatha Christie viết nên vở kịch The Mousetrap (Cái bẫy chuột) - cho đến nay vẫn giữ kỷ lục vở kịch được công diễn lâu nhất trong lịch sử sân khấu London.
Sau 73 năm của sự kiện ấy, “Cái bẫy chuột” cũng là lời nhắc nhở với tất cả, rằng trẻ em cần được yêu thương, chăm sóc và bảo vệ, để tránh những thảm kịch mà khi ấy truyền thông Anh mô tả bằng cụm từ “nỗi đau của Vương quốc Anh”.
Theo Tiểu Quyên/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)