Phát hiện mới về kẻ giết người hàng loạt bí ẩn chuyên giết gái gọi ở Anh

Google News

Sau nhiều nỗ lực của cảnh sát Anh, câu hỏi về chân tướng của hung thủ bí ẩn đứng sau hàng loạt những vụ giết hại dã man gái mại dâm ở Anh có khả năng tìm thấy lời giải.

Những năm 60 của thế kỷ trước, nước Anh rúng động trước một kẻ giết người hàng loạt. Kẻ biến thái chuyên tìm kiếm các cô gái hành nghề gái điếm rồi giết hại dã man với các thủ đoạn tàn bạo.
Các nạn nhân khi được tìm thấy đều trong tình trạng bị lột sạch đồ, chính vì vậy báo giới và người dân nước Anh thuở đó đặt cho kẻ sát nhân biệt danh Jack The Stripper (Jack kẻ thoát y), dựa trên tên của kẻ giết người hàng loạt khét tiếng Jack The Ripper ở Anh vào thế kỷ 19.
Ác mộng của người dân London bắt đầu vào một ngày tháng 6.1959 khi cảnh sát đi tuần tra phát hiện một thi thể phụ nữ ngực trần, quần áo bị xé toạc và nhiều vết cào lớn ở cổ họng. Nguyên nhân được xác định là nạn nhân bị siết cổ đến chết, không có dấu hiệu bị xâm hại tình dục.
Do không lần tìm được manh mối nào, cái chết bí ẩn nhanh chóng bị rơi vào quên lãng. Cho đến năm 1963, một gái gọi khác được phát hiện tử vong trong tình trạng tương tự, cảnh sát mới thực sự vào cuộc.
Liên tiếp trong hai năm sau đó, nhiều vụ việc gái điếm bị giết hại dã man với cách thức y hệt nhau lần lượt được phát hiện. Cảnh sát London đã thẩm vấn 8.000 người với 4.000 lời khai được ghi nhưng vẫn không thể khoanh vùng đối tượng tình nghi.
Ngày 16.2.1965, xác chết lõa thể của cô gái gọi người Ireland được phát hiện ở gần khu công nghiệp Acton. Đó cũng là lần cuối kẻ sát nhân Jack The Stripper ra tay với người vô tội. Kể từ đó, tên giết người hàng loạt biến mất hoàn toàn, dừng gây án và để lại một dấu hỏi lớn cho lực lượng điều tra.
Phat hien moi ve ke giet nguoi hang loat bi an chuyen giet gai goi o Anh
Khu công nghiệp Norton – một trong số các hiện trường nơi phát hiện ra các xác phụ nữ lõa thể. 
Sau này, nhiều giả thuyết về chân tướng kẻ reo giắc ác mộng lên toàn thành phố được đưa ra như Jack The Stripper đã tự sát nhiều năm trước, khi biết cảnh sát điều tra ra được hành tung của mình. Số khác lại cho rằng kẻ sát nhân vẫn còn sống và không giết người nữa vì cảnh sát London thực hiện chính sách phân khu quản lý quá an toàn.
Đến tận ngày nay, vẫn còn nhiều tranh cãi về thân phận thực sự của kẻ giết người hàng loạt. Theo điều tra mới nhất của David Wilson, giáo sư tội phạm học tại Đại học Thành phố Birmingham, một cái tên cụ thể về chân tướng kẻ sát nhân đã được đưa ra. Vị giáo sư này đã dành 15 tháng để lật giở lại các vụ giết người và trình bày những phát hiện mới của mình cho cảnh sát.
Theo đó, khả năng cao Jack The Stripper thực chất là một người đàn ông tên Harold Jones – người từng bị kết án vì tội giết người ở xứ Wales. Jones đối mặt với song sắt nhà tù khi mới chỉ 15 tuổi.
Phat hien moi ve ke giet nguoi hang loat bi an chuyen giet gai goi o Anh-Hinh-2
Harold Jones bị kết tội giết hại 2 cô gái khi chỉ mới 15 tuổi. 
Jones giết hại nạn nhân đầu tiên – cô bé Freda Burnwell 8 tuổi vào năm 1921. Tuy nhiên, do không có bằng chứng cụ thể, Jones được tuyên vô tội. Chỉ hai tháng sau, Jones tiếp tục ra tay với cô bé 11 tuổi Florence Little bằng cách rạch cổ nạn nhân ngay tại nhà bố mẹ đẻ rồi giấu xác lên gác mái.
Đến khi bị bắt vì giết hại Florence, Jones mới thừa nhận mình cũng là thủ phạm gây ra cái chết của cô bé Freda. Vì gây án khi còn ở độ tuổi vị thành niên nên Jones chỉ phải chịu mức án tù 20 năm.
Và hiện tại, vị giáo sư kiêm nhà tội phạm học tin rằng Jones hoàn toàn có khả năng liên quan đến vụ 6 gái mại dâm bị giết hại tàn bạo rúng động thủ đô nước Anh những năm 1960.
Cơ sở cho kết luận này dựa trên việc Jones sinh sống ở phía tây London trong giai đoạn những vụ án mạng liên tiếp xảy ra. Cùng với đó, cách thức hai nạn nhân bị Jones giết hại năm 15 tuổi cũng có sự tương đồng với cách các cô gái gọi bị giết.
Giáo sư Wilson tuyên bố Jones là Jack The Stripper và đổi tên thành Stevens để qua mắt cảnh sát. Người đàn ông này cũng thường xuyên qua lại khu công nghiệp gần nơi phát hiện ra xác các phụ nữ lõa thể.
Jones làm công việc phụ trách bảng điều khiển tại khu công nghiệp, làm dấy lên nghi ngờ anh ta có khả năng tiếp cận với loại sơn được tìm thấy trên cơ thể của bốn trong số sáu nạn nhân.
Vị giáo sư này cho hay: “Chúng ta cần cố gắng giành lại công lý cho gia đình các nạn nhân. Điều này vẫn vô cùng quan trọng ngay cả khi tội ác đã xảy ra cách đây cả nửa thế kỉ.
Về Harold Jones, chúng tôi đang cung cấp bằng chứng mà giới cảnh sát London chưa từng tìm thấy tại thời điểm các vụ án mạng nổi cộm. Các bằng chứng này khiến anh ta nổi lên như một nghi phạm hàng đầu.”
Trên thực tế, cái tên Harold Jones từng có trong danh sách những người khả nghi song cảnh sát không coi người đàn ông này là nghi phạm chính. Trước khi hung thủ thật sự của những vụ giết người hàng loạt một thời làm chấn động London được tìm ra, Jones đã chết ở tuổi 64 vì ung thư xương vào năm 1971.
Theo My Lê/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)