Chuyện đời người hùng Liên Xô cứu mạng lãnh tụ Triều Tiên

Google News

Xin giới thiệu câu chuyện về tình cảm người ông nội của Chủ tịch Kim Jong-un - Chủ tịch Kim Nhật Thành với một sỹ quan Liên Xô đã có công cứu mình.

 

Bài mới được đăng lại trên báo “Luận chứng và sự kiện” (Nga) ngày 1.2.2019 (bài từng đăng tháng 10.2017). Sau đây là nguyên văn:
“Trong suốt 38 năm liền dân làng không còn tin vào những câu chuyện của Novichenko. Họ gọi ông là kẻ bốc phét, khoe khoang và ba hoa..... Mãi đến khi đích thân Chủ tịch Kim Nhật Thành bắt tay cảm ơn người sỹ quan Xô Viết đã cứu sống mình.
Chuyen doi nguoi hung Lien Xo cuu mang lanh tu Trieu Tien
 Gặp Chủ tịch Kim Nhật Thành /Ảnh từ Album gia đình Novichenko.
Từ đó đến giờ Yakov Novichenko đã trở thành Anh hùng dân tộc Bắc Triều Tiên. Ông được phong tặng Danh hiệu Anh hùng lao động Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, được dựng tượng ở Bình Nhưỡng, được “xây dựng” thành nhân vật chính trong bộ phim truyện “Một giây để lập chiến công”.
Gia đình ông thường xuyên được mời đến thăm Bắc Triều Tiên, các học sinh phổ thông Bắc Triều Tiên thì học chiến công của người sỹ quan Xô Viết này trong các sách giáo khoa.
Câu chuyện cứu nạn kỳ diệu này xảy ra ngày 1 tháng 3 năm 1946. Trung đội của Thiếu úy Novichenko được giao nhiệm vụ bảo vệ lễ đài cho phái đoàn chính phủ Bắc Triều Tiên tại một cuộc mit tinh ở Quảng trường ga Bình Nhưỡng.
Các quân nhân Liên Xô được chở đến Quảng trường ga từ rất sớm, và để khỏi phí thời gian, Yakov ngồi xuống bậc thang và đọc sách - rất may là anh đã mang theo quyển sách dày “Đột phá Brusilov”. Đến giờ làm việc,Yakov nhét quyển sách vào thắt lưng và đi phân công các chiến sỹ bảo vệ lễ đài vào từng vị trí.
Buổi mít tinh bắt đầu... Kim Nhật Thành phát biểu điều gì đó trên lễ đài, xung quanh ông là đám đông nhiều nghìn người Triều Tiên, đột nhiên, không biết từ đâu nhưng ngay trên hàng đầu có ai đó ném một quả lựu đạn lên lễ đài (kẻ ném lựu đạn ngay lập tức bị vật ngã và mang đi).
Quả lựu đạn ném trúng lễ đài, nhưng lăn từ trên xuống và đến đúng cạnh chân Novichenko. Yakov (Novichenko) ngay lập tức cúi người, nắm chặt quả lựu đạn và liếc nhìn xung quanh... Có tiếng ai đó hét lên: “Novichenko, ném quả lựu đạn đi!”. Nhưng ném đi đâu? Xung quanh toàn người là người.
Và Yakov ngả nghiêng người xuống đất, lấy tay ép quả lựu đạn vào bụng và nằm đè lên. Sau đó là một tiếng nổ, có một vầng sáng lóe trong mắt... Và anh không còn biết gì nữa.
Chuyen doi nguoi hung Lien Xo cuu mang lanh tu Trieu Tien-Hinh-2
 Thiếu úy Novichenko. Ảnh từ Album gia đình.
Thiếu tá quân y Elizaveta Bogdanova, người trực quân y viện khi đó sau này kể lại: “Trước mặt chúng tôi là một người gần như nát bét. Tay phải bị cắt lìa, rất nhiều vết thương trên vùng ngực, mắt trái lồi ra ngoài, nhiều vết thương khác trên cơ thể”. Thế mà anh ta vẫn sống!”.
Còn bác sỹ phẫu thuật chính của bệnh viện nói với Novichenko: “Cậu phải cảm ơn quyển sách - nó đã cứu mạng cậu. Nếu như không có cuốn sách đó đỡ bớt các mảnh lựu đạn, sẽ không còn cần bất kỳ một sự can thiệp dao kéo nào nữa. Cậu có lẽ đã đang phiêu du ở thế giới bên kia rồi”.
Trung úy Novichenko nằm bẹp ở bệnh viện hơn 2 tháng. Ngày nào Chủ tịch Kim Nhật Thành cũng cho người mang hoa và hoa quả đến cho anh, sỹ quan tùy tùng của Chủ tịch Kim còn đem tặng anh một hộp đựng xì gà bằng bạc có khắc dòng chữ :
“Món quà tặng Anh hùng Novichenko từ Chủ tịch Kim Nhật Thành”. Còn Sư đoàn trưởng của Novichenko thì quả quyết với anh: “Cậu đã được đề nghị phong tặng Danh hiệu Anh hùng Liên Xô”.
"Chúng tôi sẽ không mời kẻ ba hoa đó "
Sau khi giải ngũ, Yakov quay trở về làng cũ Travnoe thuộc tình Novosibirsk của mình. Với một mắt bị hỏng và tay phải không còn xương. Ông đã vắng mặt tại làng suốt hơn 8 năm, kể từ khi được gọi nhập ngũ năm 1938 - khi vợ ông đang mang thai.
Ông đã phục vụ ở Viễn Đông, và sau đó Chiến tranh Vệ quốc bùng nổ nên vẫn không được giải ngũ. Tham gia chiến dịch giải phóng Triều Tiên, rồi sau đó cùng với bộ đội Xô Viết tiến vào Bình Nhưỡng. Và có mặt tại Quảng trường nhà ga thủ đô Bình Nhưỡng trong cuộc mit tinh như đã nói ở trên.
Chủ nhiệm bộ phim “Một giây để lập chiến công” Boris Krishtul (phim về chiến công của Novichenko do Liên Xô- Triều Tiên hợp tác sản xuất năm 1985 nhưng các nhà làm phim Liên Xô không được tham gia nhiều, bộ phim mang đậm chất Triều Tiên nên không hợp gu các công dân Xô Viết lắm) kể lại:
“Trước đây tôi cứ nghĩ người anh hùng là phải trông có vẻ “rất hoành tráng ”, phải rất “phong độ”... Nhưng Yakov Novichenko lại không hề giống chút nào với mẫu người anh hùng trong hình dung của tôi. Ông ấy là một con người quá khiêm tốn, quá lặng lẽ ”.
Chuyen doi nguoi hung Lien Xo cuu mang lanh tu Trieu Tien-Hinh-3
 Chỉ còn một khoảng khắc nữa là Yakov Novichenko sẽ nằm đè lên quả lựu đạn. Cảnh trong phim "Một giây để lập chiến công "
Còn đạo diễn Urazbayev nổi tiếng với phim “Thanh tra giao thông”, diễn viên đóng vai Novichenko Andrei Martynov – người nổi tiếng với bộ phim “Và nơi đây bình minh yên tĩnh”, đạo diễn Krystul nổi tiếng với bộ phim “Kíp lái tăng” thì kể lại: Khi chúng tôi đến gặp nguyên mẫu Novichenko trước khi quay phim, anh ấy đã kể lại chuyện dân làng từng nghe anh thuật lại việc đã cứu Kim Nhật Thành như thế nào.
Vì thế cả làng háo hức chờ người đưa thư mang quyết định phong tặng Danh hiệu Anh hùng Liên Xô (cho Novichneko). Nhưng chờ mãi không thấy ... Và dần dần, một số người vốn trước đó coi việc phải đến chào Novichenko là một nghĩa vụ, giờ đã tảng lờ như không hề quen biết hoặc trêu chọc:
“Thế nào hỡi người anh hùng, vẫn chưa đeo ngôi “Sao đỏ” trên ngực áo à ?. Không còn ai mời ông tới nhà chơi nữa: “Chúng tôi sẽ không mời kẻ ba hoa đó đến nhà”. Đến khi phải xem xét về việc liệu có nên bầu Novichenko làm chủ tịch mới của nông trang hay không (sau chiến tranh trong nông trang không còn nhiều đàn ông) thì Bí thư huyện ủy phán:
Kẻ nào đã nói dối một lần, kẻ ấy không thể tin tưởng được”. Và đấy là giọt nước cuối cùng làm tràn ly...
Novichenko đã viết một lá thư gửi Bộ Quốc phòng. Vẫn không có phản hồi ... Nhưng đột nhiên vào mùa thu năm 1951, người đưa thư mang giấy triệu tập Novichenko lên Hội đồng quân sự.
“Được tặng thưởng rồi!” - tin mới làm náo động cả làng, nhưng rồi cả làng lại thất vọng - không phải được trao Ngôi sao Anh hùng, mà chỉ là Huân chương Cờ đỏ. Có lẽ, có được sự vinh danh muộn mằn này là nhờ tác động của Kim Nhật Thành trong lần ông gặp Stalin- Kim Nhật Thành đã nhắc tới người sĩ quan Xô Viết từng cứu mạng ông.
Nhưng Stalin không trao Danh hiệu Anh hùng cho ông. Và kể từ lúc đó,Yakov đã không còn hy vọng gì nữa. Cũng từ đây, vợ con Yakov (ông có 6 người con) không còn ai thấy ông nhắc đến chuyện gì về chiến tranh nữa. Mỗi khi trên truyền hình hoặc có ai đó có nhắc tới từ “lựu đạn”, Yakov lại đứng dậy và lẳng lặng ra ngoài hiên hút thuốc.
Chuyen doi nguoi hung Lien Xo cuu mang lanh tu Trieu Tien-Hinh-4
 Bắc Triều Tiên kỷ niệm 105 năm ngày sinh Chủ tịch Kim Nhật Thành. Ảnh: Reuters.
"Dừng tàu lại, tôi xuống đây
Người cháu gái của Yakov Novichenko là Liudmila Novichenko kể lại: “Vào một ngày mùa xuân năm 1984, ông tôi đang cắt cỏ ngoài vườn thì có mấy người khách đến gặp ông và nói: "Bác hãy chuẩn bị đến gặp Kim Nhật Thành".
Bạn có thể hình dung được ông tôi ngạc nhiên đến mức nào không?. – Thì ra nhà lãnh đạo Triều Tiên đang đi trên một đoàn tàu bọc thép đến thăm Matxcova và quyết định dừng lại ở thành phố Novosibirsk để thăm người từng cứu mình. Các sỹ quan KGB đã tìm thấy ông và đưa ông đến nhà ga.
Ông tôi và Kim Nhật Thành đã gặp nhau, nói chuyện với nhau (nhà lãnh đạo Triều Tiên nói tiếng Nga rất giỏi), lãnh tụ Kim (Nhật Thành) đã mời ông cùng gia đình đến thăm Triều Tiên. Kể từ đó đến nay, hàng năm đến ngày quốc khánh hay ngày lễ (của Bắc Triều Tiên), cả gia đình chúng tôi đều đến Bắc Triều Tiên. Ông tôi đã gặp Kim Nhật Thành rất nhiều lần.
Chuyen doi nguoi hung Lien Xo cuu mang lanh tu Trieu Tien-Hinh-5
 Yakov Novichneko trong một chuyến thăm Triều Tiên. Ảnh: Wikimedia.
Mặc dù từng bị thương rất nặng, nhưng ông tôi rất khỏe và nhanh nhẹn. Rất ít khi bị ốm. Chỉ bị đau nhức ở tay mỗi khi trở trời, nhưng ông không hề kêu ca phàn nàn gì. Làm việc luôn tay luôn chân.
Từng là giám đốc một vườn ươm, sau đó làm chủ tịch hội đồng làng, tuy nghỉ hưu nhưng vẫn hoạt động xã hội rất năng nổ. Và ông là một con mọt sách thực sự,- không phải tự nhiên mà chính một cuốn sách đã cứu ông thoát chết – ông đọc rất nhiều tiểu thuyết và báo chí, luôn theo dõi các sự kiện trong nước và trên thế giới.
Ông đã rất đau buồn khi nghe tin Chủ tịch Kim Nhật Thành qua đời ngày 8 tháng 7 năm 1994. Và sau đó, ông cũng ra đi đúng 5 tháng sau Kim Nhật Thành, ngày 8 tháng 12 năm 1994. Khi đó ông 80 tuổi.
Sau đó 20 năm, nhân kỷ niệm 100 năm ngàysinh của ông tôi (2014), đích thân Đại sứ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tại Nga đã đến tận làng Travnoe (cách thành phố Novosibirsk tới 300 km) để gắn một tấm biển tưởng niệm trên ngôi nhà nơi ông từng sống và gắn bia trên mộ ông (sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên năm 1984, gia đình Novichenko được cấp một căn hộ ở thành phố Novosibirsk, nhưng mùa hè nào gia đình ông cũng về sống tại làng Travnoe).
Chuyen doi nguoi hung Lien Xo cuu mang lanh tu Trieu Tien-Hinh-6
Tấm biển tưởng niệm trên ngôi nhà của Ya.T. Novichneko. Ảnh: Wikimedia. Những dòng chữ ghi trên tấm biển (tạm dịch): “Đây là ngôi nhà này mà Anh hùng Lao động Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Novichneko Yakov Tikhonovich 28.4.1914-08.12.1994 đã từng sống”. 
Gia đình chúng tôi vẫn thường xuyên đến thăm Bắc Triều Tiên. Bây giờ thì đến lượt các cháu và thậm chí là các chắt, kể cả những đứa khi ông còn sống vẫn còn chưa đẻ. Lần gần đây nhất là vào tháng 4 năm nay (2017), nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh của Chủ tịch Kim Nhật Thành.
Nhều người hỏi chúng tôi về chính trị của Bắc Triều Tiên, về bom và các mối đe dọa hạt nhân từ họ, nhưng chúng chúng tôi lúc nào cũng trả lời: Gia đình của chúng tôi đứng bên ngoài chính trị. Và đấy là sự thật. Chúng tôi là những cọn người bình thường sống ở vùng sâu vùng xa của nước Nga.
Và ông của chúng tôi cũng là một người nông dân bình thường. Ông tôi ở tầm cỡ nào và Kim Nhật Thành ở tầm cỡ nào? Nhưng chúng tôi rất biết ơn Nhà lãnh đạo Triều Tiên vì ông đã không quên những hành động của ông chúng tôi.
Thật rất may bởi vì sau 38 năm dài đằng đẳng, sự thật đã được làm rõ lúc ông chúng tôi còn sống. Ít nhất thì ông cũng đã có thể chứng minh với mọi người rằng ông không hề nói dối ai. Và dấy là một điều vô cùng quan trọng đối với ông” .
Chuyen doi nguoi hung Lien Xo cuu mang lanh tu Trieu Tien-Hinh-7
 Dòng chữ trên bia mộ: Cựu chiến binh Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, Anh hùng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Novichenko Yakov Tikhonovich 28.4.1914-08.12.1994.
Theo Lê Hùng - Nguyễn Hoàng/Báo Đất Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)