Vòng cung Kursk: Trận đấu tăng lớn nhất Thế chiến 2

Google News

(Kiến Thức) - Cách đây 70 năm, ngày 5/7/1943, quân Đức mở cuộc tấn công lớn vào Vòng cung Kursk và dẫn đến cuộc đấu tăng lớn nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai.


 Đài tưởng niệm "Ngọn lửa bất diệt" ở Prokhorovka.

Ý đồ tấn công của quân đội Đức rất đơn giản. Từ hai hướng Bắc và Nam các binh đoàn xe tăng giáng đòn đột kích đồng tâm từ hai phía vào hợp điểm tại thành phố Kursk, cắt đứt chỗ lồi, bao vây và tiêu diệt khoảng 8 đến 10 tập đoàn quân Liên Xô đang phòng thủ Vòng cung Kursk.

 Trận Vòng cung Kursk.

Tổng số binh lực mà lục quân, không quân Đức huy động cho "Chiến dịch Zitadelle” (Unternehmen Zitadelle)  có mật độ chưa từng có kể từ ngày đầu cuộc Chiến tranh Xô-Đức. Trên một trận tuyến chỉ có 600 km phía trước và hai bên vòng cung Kursk (chiếm không quá 14% tổng độ dài mặt trận Xô-Đức), Quân đội Đức Quốc xã đã tập trung 950.000 quân, 2.928 xe tăng, 9.467 trọng pháo, hơn 2.200 máy bay chiếm 17% số sư đoàn bộ binh, 70% số sư đoàn xe tăng, 30% số sư đoàn cơ giới và 60% số máy bay của Đức trên mặt trận phía đông.

Tổng cộng số quân Liên Xô tham chiến là 1,3 triệu người, 3.600 xe tăng, 20.000 trọng pháo và 2.792 máy bay: chiếm 26% quân số và số lượng trọng pháo, 35% số máy bay và 46% số xe tăng thiết giáp của Hồng quân Liên Xô. Riêng tại Vòng cung Kursk, quân đội Liên Xô cũng đã có ưu thế 1,4:1 về người; 1,9:1 về pháo và súng cối; 1,3:1 về xe tăng và 1,6:1 về máy bay.

Không còn yếu tố bất ngờ

Quân Đức hoàn toàn không còn yếu tố bất ngờ trong “Chiến dịch Zitadelle” đột kích Vòng cung Kursk. Hitler đã để cho Hồng quân Liên Xô có thời gian chuẩn bị. Theo kế hoạch, quân Đức sẽ mở “Chiến dịch Zitadelle” trong tháng 3/1943, nhưng Hitler đã nhiều lần trì hoãn phát lệnh tấn công do giới tướng lĩnh kêu ca thiếu chuẩn bị, do du kích Liên Xô đánh phá dữ dội ở hậu phương và do chờ đợi các loại “vũ khí thần kỳ” như xe tăng “Con cọp” (Tiger), “Con báo” (Panther).

 Hitler chờ đợi "vũ khí thần kỳ" là xe tăng "Con báo" (Panther)...

Những thông tin đầu tiên về một kế hoạch tấn công mang tên “Chiến dịch Zitadelle” đã được nhân viên tình báo Liên Xô Rudolf Rössler hoạt động tại Thụy Sĩ chuyển cho Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô từ tháng cuối tháng 3/1943, khi Bộ Tổng tham mưu quân đội Đức mới chỉ hình thành ý đồ của kế hoạch này.

Nếu Hồng quân Liên Xô có thể kéo quân từ Siberia, tập trung quân đánh bại quân Đức trước cửa ngõ Moscow là nhờ “Nhà tình báo vĩ đại” Richard Sorge khẳng định Nhật Bản không tấn công vào Viễn Đông vào thời điểm đó, thì Bộ chỉ huy Hồng quân Liên Xô đã nhận được cảnh báo và lịch tấn công cụ thể của “Nhà tình báo tư nhân” Rudolf Rössler từ Thụy Sĩ.

Trong tháng 4/1943, khi I. V. Stalin điện hỏi ý kiến của tất cả các tư lệnh phương diện quân và các sĩ quan cao cấp của Bộ Tổng tham mưu thì đều nhận được câu trả lời thống nhất: mục tiêu bị tấn công sắp tới là Vòng cung Kursk.

Trong khi đó Nguyên soái G. K. Zhukov đã thuyết phục được I. V. Stalin rằng Hồng quân Liên Xô  không nên tấn công mà cần phải tổ chức phòng ngự và tiêu hao lực lượng Đức tiến công vào Vòng cung Kursk. Khi phát xít Đức đã thấm mệt sau các đợt tiến công vất vả thì Hồng quân sẽ tung những lực lượng dự bị chiến lược ra đập tan các mũi tấn công đã mỏi mệt của phát xít Đức.

Từ tháng 3 đến tháng 6/1943, quân đội Liên Xô chuẩn bị kỹ lưỡng cho chiến dịch Trận Vòng cung Kursk và kết quả vòng cung Kursk trở thành một trong những khu vực được bố phòng dày đặc nhất trong lịch sử chiến tranh.

Trận đấu tăng lớn nhất lịch sử chiến tranh thế giới

Chiến dịch phòng ngự-phản công Kursk là một trong những chiến dịch lớn nhất trên chiến trường Xô-Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai, kéo dài từ ngày 5/7 đến ngày 23/8/1943 giữa quân đội Liên Xô và quân đội Đức Quốc xã.

 Xe tăng "Con cọp" (Tiger) của Đức Quốc xã.

Trong chiến dịch này, có trận đánh này nổi tiếng là trận đấu xe tăng lớn nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh bắt đầu từ ngày 10/7 tại Pokrovka và lên đến đến đỉnh điểm là ngày 12/7 tại cánh đồng Prokhorovka.

Trận Prokhorovka diễn ra ngày 12/7/1943 giữa Tập đoàn quân xe tăng 4 của Đức Quốc Xã với Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5, Quân đoàn xe tăng 2, Quân đoàn cơ giới cận vệ 2 của Quân đội Liên Xô, diễn ra tại làng Prokhorovka cách Moskva 450 cây số về phía nam. Đây là trận đấu xe tăng lớn nhất trong lịch sử quân sự thế giới. Tổng cộng hai bên đã đưa vào trận 1.464 xe tăng và pháo tự hành.

Lực lượng Đức trong trận Prokhorovka chủ yếu bao gồm 6 sư đoàn xe tăng và 1 sư đoàn cơ giới, trong đó có 3 sư đoàn xe tăng SS. Các tài liệu Liên Xô cho rằng phát xít Đức tung 500-700 xe tăng vào trận này.

Tập đoàn quân thiết giáp số 4 của Thượng tướng Hermann Hoth do Quân đoàn thiết giáp SS số 2 làm tiên phong đã tấn công tuyến phòng ngự dài từ 10-15 dặm của Liên Xô. Mũi tấn công của tướng Hoth đã tiến sâu được 35 cây số vào tuyến phòng ngự thứ ba của Hồng quân nhưng sau đó bị Tập đoàn quân xe tăng số 1 Liên Xô chặn đứng.

Trước tình hình mặt trận bị chọc thủng vào ngày 11/7, Nguyên soái G. K. Zhukov đã tung Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 5 của tướng Pavel Alekseyyevich Rotmistrov và Tập đoàn quân cận vệ số 5 thuộc Phương diện quân Thảo nguyên vào mặt trận để bịt lỗ hổng. 

 Xe tăng T-34 của Hồng quân Liên Xô.

Cuộc chiến giằng co vẫn diễn ra ác liệt trên toàn bộ khu vực tam giác Prokhorovka - Vasilyevka - Storozhevoye kéo dài đến quá trưa với những thiệt hại nặng nề cho cả hai bên nhưng không đi đến kết quả ngã ngũ. Riêng thị trấn Vaslievka đã qua ba lần giành giật giữa hai bên. Làng Bogorodetskoe cũng hai lần chuyển từ tay quân đội Liên Xô sang tay quân Đức và ngược lại chỉ trong hơn 4 giờ. Trên khúc cong của sông Psyol đã có hàng trăm xe tăng bị cháy của cả hai bên phải lao xuống nước để dập lửa. Khi các xe tăng đều cạn kiệt nhiên liệu và đạn dược, thì làng Prokhorovka đã trở thành một đấu trường đẫm máu cho các pháo thủ và lái xe tăng của hai bên chiến đấu với nhau bằng súng ngắn, lưỡi lê, dao găm…

 Máy bay tầm thấp diệt tăng Il-2 của Liên Xô.

Bất chấp tổn thất nặng nề, các lực lượng xe tăng Liên Xô vẫn giữ vững được trận tuyến. Lúc này Hồng quân đã thay đổi chiến thuật, các trận đấu tăng chủ yếu diễn ra trong những không gian chật hẹp nhằm hạn chế thương vong. Trận đấu tăng cuối cùng kéo dài suốt buổi chiều cho đến sẩm tối, khi binh sĩ cả hai bên đều đã kiệt sức, các xe tăng còn sống sót đều cạn dầu và hầu như hết nhẵn đạn dược.

Sáng sớm ngày 13/7, các sư đoàn xe tăng Đức bị tổn thất nặng nề  đã rút khỏi chiến trường. Nhà nghiên cứu người Anh Alexander Bevin cho rằng quân đội Đức Quốc Xã tổn thất khoảng 300 xe tăng, còn quân đội Liên Xô mất hơn 400 chiếc.

Ý nghĩa chiến lược của trận Vòng cung Kursk

Kết quả chung cuộc là quân đội Đức Quốc xã đã phải rút lui sau một tuần tấn công. Quân đội Liên Xô không những đã đứng vững trước các đòn tập kích rất mạnh bằng xe tăng của quân đội Đức Quốc xã mà còn phản công thu hồi thêm hơn 70.000 km vuông lãnh thổ.

 Quân đội Liên Xô phản công thu hồi thêm hơn 70.000 km vuông lãnh thổ.

Phía Liên Xô công bố đã gây thương vong cho 500.000 quân Đức, phá hủy 1.500 xe tăng và 3.000 khẩu pháo, bắn rơi và phá hủy 3.700 máy bay của đối phương.

Phía Đức chỉ tính riêng thương vong ở thời gian từ ngày 5 đến ngày 12/7 và đưa ra con số thiệt hại gần như ngược lại: Phía Đức có 54.182 thương vong, mất 252 đến 323 xe tăng và pháo tự hành, 159 máy bay, khoảng 500 pháo xe kéo; phía Liên Xô có 177.847 thương vong, mất 1.614 đến 1.956 xe tăng và pháo tự hành, 1.459 đến 1.961 máy bay và 3.929 pháo xe kéo.

Người Pháp cho rằng phía Liên Xô chỉ có 200.000 người thiệt mạng, tổn thất vật chất hơn 1.500 xe tăng và khoảng 2.800 máy bay; phía Đức có khoảng 500.000 thương vong, 1.200 xe tăng bị phá hủy và cũng mất trên 2.000 máy bay. Các sư đoàn xe tăng 3, 9, 12 của Đức bị xóa sổ.

Với thất bại nặng nề sau 7 ngày tấn công và một tháng rút lui sau đó, quân đội Đức Quốc xã không những đã không đạt được bất kỳ một mục tiêu nào trong “Chiến dịch Zitadelle”; không những bị tổn thất nặng về binh lực và phương tiện mà còn phải rút lui thêm về phía tây từ 120 đến 300 km so với tuyến mặt trận trước ngày 5/7/1943.

Nếu như trận Stalingrad đánh dấu sự bắt đầu quá trình đảo ngược cục diện Chiến tranh Xô-Đức, thì trận Vòng cung Kursk đánh dấu quá trình xuống dốc không thể đảo ngược của quân đội Đức Quốc xã.

Thắng lợi ở Vòng cung Kursk có thể được xem là to lớn hơn cả chiến thắng Stalingrad. Trận vòng cung Kursk được xem là một trận đánh bước ngoặt quan trọng của Chiến tranh Xô-Đức và Chiến tranh thế giới thứ hai.

Thống chế Đức Erich von Manstein đã dự báo hoàn toàn đúng khi ông cho rằng trận Stalingrad có thể chỉ là một khúc dạo đầu cho một thảm họa còn khủng khiếp hơn nữa và thảm họa đó đã diễn ra tại Vòng cung Kursk. Thất bại của quân đội Đức Quốc xã trong trận Vòng cung Kursk đã khẳng định tính không thể đảo ngược của cục diện chiến trường Xô-Đức vốn đã được xoay chuyển sau trận Stalingrad.


Lê Chân (tổng hợp)

Bình luận(0)