Sri Pada - nơi ba lần đón dấu chân Đức Phật

Google News

Núi Sinai nằm ở bán đảo Sinai (Ai Cập) được xem là một trong những ngọn núi linh thiêng cổ xưa nhất. 

Núi Phú Sĩ nổi tiếng với vẻ đẹp kiêu hùng, là một trong ba Thánh sơn của Nhật Bản (bên cạnh Tate và Haku). Núi Kailash ở Tây Tạng (Ngân Sơn), Phật giáo gọi là núi Tu Di ẩn tàng nhiều di chỉ và lịch sử Phật giáo.
Và cũng không thể không kể đến Sri Pada ở Sri Lanka, nơi hội tụ của nhiều tôn giáo trong nhiều thế kỷ qua, lưu giữ lịch sử phát triển và thịnh hành của Phật giáo, không chỉ đối với người Sri Lanka mà còn cho cả người theo đạo Phật toàn nhân loại.
Ngọn núi Sri Pada được xem là nơi trú ngụ của thần Samanta.
Văn học Sankrit ghi nhận, núi Sri Pada còn có nhiều tên gọi khác nhau như núi Lanka, Ratnagiri, Malayagiri hay Rohana. Và tên gọi sau cùng của ngọn núi này là Al Rohoun (theo tiếng Ả rập và Ba Tư) có nguồn gốc từ tên của một quận ở Tây Nam Sri Lanka, nơi có ngọn Sri Pada tọa lạc.
Theo biên niên sử Mahavamsa (được viết vào thế kỷ thứ 5 theo Tây lịch) của Sri Lanka, ngọn núi này còn có tên gọi khác là Samantakuta. Trước khi Phật giáo có mặt ở Sri Lanka, khoảng năm 246 trước Tây lịch, ngọn núi Sri Pada được xem là nơi trú ngụ của thần Samanta (Saman hay Sumana) và là nơi diễn ra các hoạt động tâm linh. Sau này, Phật giáo Nguyên thủy của Sri Lanka xem thần Samanta là thần bảo hộ tâm linh cho vùng đất và con người nơi đây.
Cùng với sự phát triển của Phật giáo Đại thừa du nhập từ Nam Ấn, Samanta phát triển thành Samantabhadra - Bồ-tát Phổ Hiền, một trong bốn vị Đại Bồ-tát trong Phật giáo Đại thừa.
Tại Weligama, cảng biển cổ xưa nằm ở phía Nam Sri Lanka, người ta tìm thấy tượng Bồ-tát Phổ Hiền cao gần 3,7 m. Với vị trí của Sri Pada, hành giả từ Ấn Độ và bắc Sri Lanka cập cảng Weligama hành hương đến Sri Pada như được Bồ-tát Phổ Hiền “chào đón” bằng nét mặt tôn nghiêm và đầy từ bi của Ngài.
Ngày nay, có hai bệ thờ Bồ-tát Phổ Hiền trang trọng ở khu vực này, một được thiết trí trên đỉnh núi Sri Pada và một bệ thờ khác ở gần đỉnh Ratnapura, cách chân núi 19 km. Cái tên Sri Pada là sự hợp thành của hai từ Sri (thiêng liêng) và Pada (dấu chân), là “dấu chân trên đỉnh núi thiêng”.
Sri Pada, cao 2.243 m, nhìn xa xa từ tây nam Sri Lanka
như một lâu đài với bức tường thành cao vót mọc lên.
Sri Pada, cao 2.243 m, nhìn xa xa từ tây nam Sri Lanka như một lâu đài với bức tường thành cao vót mọc lên từ những cao nguyên xanh mát. Trong một năm thì có hơn 6 tháng Sri Pada chìm phủ trong mây và những cơn mưa trút nước, việc chiêm bái và du ngoạn trong những ngày này trở nên khá khó khăn. Lượng mưa mang lại nguồn nước dồi dào cho bốn con sông lớn ở Sri Lanka khởi lưu từ những con dốc lưng chừng của Sri Pada. Cùng với thời gian, những cơn mưa này bào mòn và cuốn đi những lớp đất đá trên bề mặt và lớp đất phù sa dưới chân ngọn Sri Pada và những dãy núi xung quanh lưu chảy xuống vùng đông nam Sri Lanka, tạo thành một trong những mỏ đá quý lớn nhất thế giới.
Người Trung Hoa truyền rằng, khi Đức Phật đến Sri Lanka, ở đây toàn người nghèo và nạn cướp bóc. Ngài đã dùng lòng từ bi để tưới mát tâm hồn người dân nơi đây, cảm hóa kẻ xấu thành người thiện lành và bao bọc vùng đất này bằng một màn sương mỏng, màn sương này kết tụ thành những viên đá quý giúp người dân nơi đây thoát khỏi đói nghèo.
Sri Pada còn nổi tiếng là khu bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên phong phú và đa dạng, trong đó nổi tiếng nhất là nhiều loài bướm lạ và quý. Sri Pada là ngôi nhà lý tưởng của nhiều loài bướm quý hiếm, mỗi năm một lần, hàng trăm loài hội lại cùng nhau thành từng dòng, bay lượn và du ngoạn khắp những vùng lân cận. Truyền thuyết cho rằng, sự hội tụ của những sinh vật này đến Sri Pada là để tỏ lòng tôn kính đối với Đức Phật.
Hơn thế, Sri Pada được xem là nơi đánh dấu bước chân du hóa của Đức Phật, từ thế kỷ đầu tiên trước Tây lịch, từ những di chỉ đá cuội tìm thấy ở đây.
Theo Đại sử (Mahavamsa) Phật giáo Nguyên thủy, Đức Phật đã đến Sri Pada ba lần. Dù có nhiều ghi nhận khác nhau về vấn đề này nhưng chắc chắn rằng những lời dạy của Đức Phật đã lưu lại và đi vào từng ngõ ngách đời sống của người dân Sri Lanka một cách sâu sắc như được chạm khắc vào đá, cho đến hôm nay.
 Nhiều thế kỷ qua, những nhà hải hành dùng Sri Pada để xác định phương hướng.
Sri Pada và những bí mật về ngọn núi này đã được khám phá và biết đến từ thời kỳ Con đường tơ lụa, bởi Sri Lanka nằm hữu ngạn trên hành trình từ đông sang tây của con đường thương mại này.
Từ thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch, tàu thuyền của người Ả rập đã cập bến tại Ấn Độ và 400 năm sau có sự tham gia giao thương của người La Mã. Và từ thế kỷ thứ 4, 5 Tây lịch thì người Trung Quốc và người Javan (thuộc Indonesia) cũng đặt chân đến Ấn Độ từ phía bên kia.
Trên những chuyến hải hành của mình, các thương nhân đi ngang qua hoặc dừng chân tại Sri Lanka đều có thể nhìn thấy ngọn Sri Pada sừng sững từ xa. Nhiều ghi nhận mô tả về ngọn Sri Pada như “một kỳ quan hùng vĩ với sự tráng lệ phi thường”… Trên thực tế, ngọn Sri Pada có thể được nhìn thấy ở đường chân trời, cách bờ biển gần 130 km, được xem là một biểu tượng chào đón sự cập bến an toàn cho hành trình vượt Ấn Độ Dương của người Ethiopia và Ả rập.
Nhiều thế kỷ qua, những nhà hải hành dùng Sri Pada để xác định phương hướng. Chính những người lữ hành trên biển này (thủy thủ tàu viễn dương, thương nhân, các nhà thám hiểm) đã mang câu chuyện về Sri Pada đến những nơi xa xôi hơn trên toàn thế giới này.
Theo Giác Ngộ

Bình luận(0)