Vỡ đập thủy điện Lào dưới góc nhìn tiến sĩ địa chất Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Theo Tiến sĩ Lê Huy Y, việc bỏ qua những đứt gãy khi xây dựng các đập chứa nước, cũng như xây dựng các công trình lớn, các khu dân cư là một bệnh thường thấy không chỉ ở Lào mà còn thấy nhiều ở Việt Nam.

Các đập chứa nước đều phải đè lên các đứt gẫy
Vụ vỡ đập thủy điện tại Lào đã để lại những hậu quả nặng nề khiến 27 người chết, 131 người mất tích, 3.060 người dân của 521 hộ gia đình đang phải sống trong cảnh mất nhà.
Thủ tướng Lào Thonglun Sisoulit nhận định, đây là thảm họa tồi tệ nhất của Lào trong nhiều thập niên qua. Ông cho rằng, nguyên nhân gây vỡ đập phụ thuộc dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy tại tỉnh Attapeu có thể do mưa lớn và khả năng có sai sót trong xây dựng.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc mực nước dâng cao vì mưa lớn có thể không phải là nguyên nhân duy nhất khiến con đập này, đã hoàn thành xây dựng 90%, bị vỡ.
 Vụ vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy tại Lào đã để lại những hậu quả nặng nề.
Một nguồn tin từ Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào cho biết, Chính phủ sẽ sớm mở cuộc điều tra về sự cố vỡ đập dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy, rà soát khả năng có sai phạm trong vụ này.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Tiến sĩ địa vật lý Lê Huy Y (nguyên Giám đốc Liên hiệp Khoa học địa chất và du lịch, thuộc Tổng hội Địa chất Việt Nam) đưa ra giả thiết địa chất về sự cố vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy.
Theo Tiến sĩ Lê Huy Y, sự vận động nâng lên của các khối macma còn nóng trong lòng đất đã làm nẩy sinh nhiều đứt gãy kiến tạo cắm thẳng đứng cho phần vỏ trái đất trên mặt nó. Các đứt gãy này làm cho đất đá dọc theo nó bị vỡ vụn, nứt nẻ, tạo đường cho nước mặt, nước ngầm chảy xuôi, dần dần tạo thành suối, sông.
 
Vì vậy, ở mọi nơi trên mặt quả đất, các đập chứa nước đều phải đè lên các đứt gẫy. Vì nhiều lý do chủ quan như nhận thức chuyên môn không phát hiện được, hoặc cố tình nói ít đi các đứt gẫy kiến tạo để lừa người xây dựng đập.
Khi có sự cựa mình của các khối macma trong lòng đất sẽ làm cho các đứt gẫy tái hoạt động. Dù chỉ với những dao động nhỏ, nhưng lại được sự cộng hưởng của nhiều triệu m3 nước trên hồ chứa thì những con đập khi xây dựng đã bỏ sót các đứt gẫy sẽ gặp nguy hiểm.
 
Tiến sĩ Lê Huy Y đã đưa ra hai hình ảnh về kết luận phần đập xả nước đã đè lên ít nhất 1 đứt gẫy lớn theo phương Bắc - Nam và khu vực Xe-Pian Xe-Namnoy có nhiều đứt gẫy theo 4 phương giao nhau theo quy luật cơ học đất.
Người ta đã phát hiện sự sụt lún và nứt thân đập ít ng ày trước khi vỡ đập. Chắc là đã có động đất nhẹ xảy ra mà do xa các trung tâm nên người thường không phát hiện được nhưng những khiếm khuyết khi khảo sát, thiết kế và xây dựng đập đã có dịp cộng tác với nước lũ tràn về phát huy tác haị, dẫn đến vỡ đập.
Theo Tiến sĩ Lê Huy Y, việc bỏ qua những đứt gãy khi xây dựng các đập chứa nước, cũng như xây dựng các công trình lớn, các khu dân cư là một bệnh thường thấy không chỉ ở Lào mà còn thấy nhiều ở Việt Nam. Lo sợ về những hậu quả của việc này là hiện hữu và phải sớm khắc phục việc bỏ sót các đứt gẫy kiến tạo để tránh những thảm hoạ khôn lường.
 Tiến sĩ Lê Huy Y.
Trước đó, chiều 25/7, tại cuộc họp khẩn chỉ đạo để bàn biện pháp ứng phó trước việc Lào bị vỡ đập thủy điện Xe-pian Xe-Namnoy và diễn biến mưa lũ đang diễn ra rất nguy hiểm do Ban Chỉ đạo TW về PCTT tổ chức, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Tổng cục Thủy lợi cử ngay các đoàn công tác tiếp tục rà soát các hồ có nguy cơ cao bị sự cố.
"Hồ nào không có khả năng an toàn khi tích nước thì kiên quyết không cho tích, chứ nếu không bị sự cố giống thủy điện của Lào là rất nguy hiểm", ông nói.
Đối với các hồ thủy điện, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Bộ Công Thương tổng kiểm tra lại ngay 285 hồ chứa, trong đó phải đặc biệt lưu ý các hồ thủy điện nhỏ thuộc thẩm quyền của ban chỉ huy phòng, chống thiên tai các địa phương cấp tỉnh.
 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tại cuộc họp.
Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Cục trưởng Cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cho rằng, sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào là bài học đối với Việt Nam.
"Chúng ta cần rà soát, đánh giá tổng thể các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trước mùa mưa lũ. Ngoài ra, cần tính toán quan trắc để có thông tin chính xác về lượng mưa, lượng nước… để đánh giá kỹ lưỡng an toàn hồ chứa, đập thủy điện để có giải pháp ứng phó kịp thời", ông Hải cho biết.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)