Thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt khi ra “biển lớn” CPTPP

Google News

(Kiến Thức) - Sau nhiều nỗ lực, Hiệp định CPTPP vừa được ký kết tại Chile. Việt Nam được xem là kém cạnh tranh nhất trong 11 quốc gia thành viên. Bởi vậy, cạnh tranh là thách thức lớn nhất khi hiệp định lịch sử có hiệu lực.

Không thể phủ nhận cơ hội lớn lao mà Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại cho các nước thành viên. Đây là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện. Hiệp định này không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước...
Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định CPTPP đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước, từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.
Hiệp định CPTPP đã được ký kết sau nhiều nỗ lực của 11 quốc gia. Ảnh: Internet. 
Với nền kinh tế Việt Nam, Hiệp định CPTPP được coi là mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Bộ Kế hoạch Đầu tư tính toán, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 1,32%, xuất khẩu sẽ tăng thêm 4% nhờ những thỏa thuận trong CPTPP. Theo hiệp định này, 100% dòng thuế đối với tất cả hàng hóa sẽ về 0% theo lộ trình 7 năm nhưng với Việt Nam được kéo dài lộ trình 7 đến 10 năm. Các mặt hàng hải sản như tôm, cá ngừ đại dương, dệt may, giày dép của Việt Nam cũng nằm trong danh sách các mặt hàng được hưởng lợi. Ngoài ra, các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam có thuế nhập khẩu đa số là 0%...
Cơ hội là vậy nhưng thách thức cũng không hề nhỏ. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cảnh báo: “ Nếu không chủ động mà thụ động, thậm chí lơ là, không quan tâm đến thực thi cam kết trong hội nhập, tất yếu sẽ phải trả giá”.
Trong đó, thách thức lớn nhất của kinh tế Việt Nam được cho là năng lực cạnh tranh, khi mà Việt Nam vẫn bị đánh giá là nước kém cạnh tranh nhất trong 11 quốc gia thành viên. Sức ép cạnh tranh này sẽ tác động lên nền kinh tế, doanh nghiệp và thậm chí cả người lao động.
Với doanh nghiệp, sức ép cạnh tranh sẽ đồng nghĩa với nguy cơ thất bại của các doanh nghiệp trên chính thị trường nội địa nếu không nhanh chóng và quyết liệt thay đổi cung cách làm ăn. Việt Nam sẽ phải mở cửa chào đón hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh gay gắt hơn tại “sân nhà”. Không chỉ đối với các mặt hàng nông sản, các DN dệt may của Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ có thể phải bán lại thương hiệu cho công ty nước ngoài, hoặc phải đi gia công cho các thương hiệu và phân phối ngay trong thị trường nước nhà.
Với người lao động, việc đào tạo các kỹ năng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây là thời đại mới, lao động cần có kỹ năng về công nghệ thông tin. Trong khi lao động Việt Nam lại đang khá yếu kém về khả năng thích ứng cũng như những kỹ năng hiện đại.
Song, trên tất cả, Hiệp định CPTPP vẫn là cơ hội vàng để kinh tế Việt Nam phát triển, để doanh nghiệp Việt Nam ra “biển lớn”. CPTPP gắn chặt với cải cách thể chế trong các quốc gia, do đó sẽ tạo ra áp lực, cơ hội quan trọng buộc Việt Nam phải cải cách thể chế trong nước trong thời gian tới, hướng đến hoàn thiện môi trường đầu tư- kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bởi vậy, theo các chuyên gia kinh tế, ngay từ bây giờ, Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp để doanh nghiệp Việt Nam phát huy thế mạnh, tăng khả năng cạnh tranh. Bản thân các DN cần chủ động hơn nữa trong việc tận dụng những cơ hội từ CPTPP mang lại. Có như thế, kỳ vọng về Hiệp định lịch sử CPTPP mới thành hiện thực.
Lê Thịnh

>> xem thêm

Bình luận(0)