Tây dọn rác và thái độ của Ta

Google News

Mấy ngày nay chuyện một “ông Tây” dọn rác cùng ba người bạn dưới mương thối đang trở thành một đề tài nóng. 

Mấy ngày nay chuyện một “ông Tây” dọn rác trở thành một đề tài nóng. Đúng ra phải gọi là “anh Tây”, vì anh này mới 34 tuổi, đang là giáo viên tiếng Anh ở một trường tiểu học. Nhưng thôi mọi người, từ bán chè chén, chú xe ôm đến ông giáo sư khả kính đều gọi anh ta bằng… ông.
Có hai điều xảy ra, nói cách khác có hai nhân vật “ta” xuất hiện là Ông Chủ tịch Thành phố Hà Nội và Ông Chủ tịch phường Yên Hòa, Cầu Giấy, và có hai thái độ khác nhau. Khi nghe dân báo có ông Tây rủ thêm ba người nữa cùng lội xuống đoạn mương thối để dọn rác thì ông Chủ tịch UBND phường bảo, việc này phải báo cáo, phải xin phép chính quyền. Còn sau đó, khi biết tin, Ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đến tận nơi thăm ông Tây, hoan nghênh, khen ngợi, và cài lên ngực áo ông Tây logo biểu tượng Hà Nội.
Tay don rac va thai do cua Ta
 Chủ tịch UBND Hà Nội thăm và trò chuyện cùng người nước ngoài dọn rác.
Dư luận lập tức nóng lên. Nóng lên vì lãnh đạo thành phố đã tỏ thái độ kịp thời, đúng đắn. Đúng đắn vì người ta đến đất của mình, không hôi của cải nhà mình, mà đi dọn rác, chắc chắn là việc tốt rồi, việc gì phải xin phép. Ở ta lâu nay thường nói công dân được làm những điều mà luật pháp không cấm. Vả lại, nếu phải xin phép nhà chức trách để chúng tôi dầm bùn lầy nước đọng mò rác, thì xin phép theo quy định ở văn bản nào? Sao ông Chủ tịch UBND phường lại nói năng ào ào như thế? Có phải đó là sự vô cảm không? Cái ghế của ông liệu có lung lay không?
Ông Chủ tịch phường cũng nói, chúng tôi đã dọn sạch (rác) từ trước đó rồi. Hoan nghênh. Dọn rồi, nhưng hôm sau lại bẩn, là do ý thức của không ít người dân còn kém. Vậy thì ông Tây lại phải dọn rác là điều bình thường chứ sao! Ở đây là lối suy nghĩ vụn theo từng việc cụ thể. Điều đòi hỏi ở người cán bộ cơ sở là, luôn luôn xử lý tình huống một cách nhanh chóng, nhanh chóng nhưng không vội vã, cẩu thả. Mỗi tình huống phải đặt trong một bối cảnh cụ thể, trong những liên hệ cụ thể, ở đây là mối liên hệ với người nước ngoài, có ý thức bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường. Thử hỏi, nếu đó là mấy thanh niên, sinh viên Việt Nam dọn rác thì ông có yêu cầu báo cáo chính quyền không?
Chợt nhớ cách đây chưa lâu, ở một đoạn đường cấm đi ngược chiều cũng có câu chuyện một ông Tây đứng ra làm “cảnh sát giao thông”. Ông đứng đầu đường, cứ ai đi vào đường ngược chiều là ngăn lại. Thậm chí còn kéo xe máy lại.Vậy mà có nàng chân dài còn ngồi im trên xe, ngoái cổ cự nự. Ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đã thấm vào máu của người dân các nước phát triển. Còn ở ta, cứ nói văn hóa giao thông, nhưng vắng bóng công an là... phóng, bất chấp ngược, thuận chiều, đèn xanh hay đèn đỏ (?!)
Vẫn biết không phải cái gì Tây cũng văn minh hơn Ta, trách nhiệm với môi trường, với bảo vệ trật tự giao thông hơn ta. Cũng đã có trường hợp vài anh “Tây ba-lô” say rượu làm náo loạn cả một khu phố. Nhưng cái gì đúng, cái gì hay thì ta phải học. Học một ông Tây đứng chờ dưới gốc cây để nhặt một cái lá vàng rơi xuống rồi bỏ túi, để mang đến bỏ thùng rác thì nên quá đi chứ.
Theo Petrotimes

Bình luận(0)