Say rượu thiệt mạng: Ép nhau uống trên bàn nhậu là... tội ác!

Google News

(Kiến Thức) - "Ép nhau uống thêm một ly, kích nhau uống thêm một chai... các anh vui đấy nhưng đó là niềm vui tội ác", bạn Minh Hoa bày tỏ. 

Những ngày qua, hình ảnh người thanh niên gục chết dưới mương nước cạnh xe máy nghi do say rượu trong khi Tết cận kề khiến nhiều người ám ảnh, xót xa. 
Chia sẻ về bức ảnh, một cư dân mạng buồn rầu bày tỏ: “Cậu ấy đi nhậu về, say quá lao xe thẳng xuống mương và mãi mãi ra đi bỏ lại vợ và con nhỏ. Những ngày này mỗi khi uống thêm 1 ly, ép bạn thêm 1 chai hãy nghĩ đến những thanh niên như thế này các anh ạ!". 
Chết vì say rượu, cái chết quá vô nghĩa mà mỗi năm dịp Tết đến xuân về, thời khắc mà các gia đình đều đoàn tụ, xum vầy bên nhau trong niềm vui đoàn viên, thì ngoài kia nhiều gia đình vẫn chịu những nỗi đau, nỗi ám ảnh ấy. 
 Hình ảnh người thanh niên gục chết dưới mương nước cạnh xe máy nghi do say rượu trong khi Tết cận kề khiến nhiều người ám ảnh, xót xa.
Hình ảnh người thanh niên khỏe mạnh gục chết ngày giáp Tết liệu có ám ảnh những người bạn nhậu của anh ta? Những người mà chỉ mới trước đó thôi còn hào hứng hô vang, ép nhau, kích nhau uống đến say mèm? Cái chết của người thanh niên liệu có làm chùng tay đưa ly rượu lên môi của những ma men hay chỉ là cái tặc lưỡi "chết có số"?...
Cách đây không lâu, dân mạng cũng dậy sóng vì câu chuyện người bố trẻ, trên đường vào bệnh viện sau khi nghe tin vợ sinh con, bị tai nạn ra đi mãi mãi chỉ vì người lái xe say rượu. Và người bố trẻ ấy chưa kịp biết mặt con, người vợ nằm viện chưa được biết tin mất chồng mãi mãi...
Nếu nói giết người là tội ác thì việc ép nhau uống rượu trên bàn nhậu đến mức gây ra hậu quả chết người thì cũng không khác gì tội ác giết người và uống rượu gây ra tai nạn thảm khốc lại càng là tội ác xã hội không thể dung thứ.  
Theo báo cáo của Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam, năm 2017 lượng bia các loại tiêu thụ trên cả nước đạt hơn 4 tỉ lít, tăng 6% so với năm 2016.
Theo báo Thanh niên, con số này đã sát mục tiêu đạt 4,1 tỉ lít bia vào năm 2020 trong quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam do Bộ Công thương phê duyệt. Với dân số 93,7 triệu người hiện nay, ước tính mỗi người dân VN uống gần 43 lít bia/năm.

Dự báo mức tiêu thụ này sẽ còn tiếp tục gia tăng vì theo quy hoạch của Bộ Công thương, đến năm 2035, cả nước sản xuất khoảng 5,5 tỉ lít bia và dự kiến với dân số khi đó ở mức 105 triệu người thì trung bình mỗi người dân Việt sẽ uống 52 lít bia mỗi năm.

Mặc dù nhiều doanh nghiệp vẫn than khó khi mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia đã tăng lên 60% từ năm 2017 và tiếp tục tăng lên 65% từ đầu năm 2018 nhưng với lượng tiêu thụ liên tục gia tăng, doanh số và lợi nhuận của các công ty ngành bia vẫn tăng.
Dùng rượu, bia trong ngày Tết để chúc nhau là điều không tránh khỏi. Ảnh minh họa.
Đáng chú ý, lượng rượu bia trung bình sử dụng trên thế giới không tăng trong vòng một thập niên qua, trong khi ở Việt Nam lại tăng trưởng theo chiều "thẳng đứng". Thống kê cho thấy, năm 2008 Việt Nam mới đứng thứ 8 châu Á về tiêu thụ bia, nhưng 8 năm sau (2016) đã trở thành quốc gia tiêu thụ nhiều thứ 3 trong khu vực, sau Nhật Bản và Trung Quốc.
Theo Vnexpress, sản lượng bia năm 2016 của Việt Nam là 3,788 tỷ lít bia, trung bình mỗi người Việt uống 42 lít bia, tăng khoảng 4 lít so với năm 2015.
Những con số trên mới thống kê lượng bia tiêu thụ, chưa nhắc gì đến rượu nhưng góp phần khẳng định, việc uống bia của người Việt không giảm mà chỉ có tăng.
Với người Việt Nam uống bia, rượu ngày Tết cùng bạn bè, người thân vừa là một thú vui, vừa là nét phong tục tập quán. Nhất là ở một số vùng quê Việt "cánh mày râu" đã gặp nhau cứ phải “chén chú, chén anh”, “không say là không về”, như vậy mới gọi là thân thiết, nhiệt tình và quý nhau.
Tuy nhiên, điều khủng khiếp là khi sử dụng rượu, bia.... đa phần trong số người này trở thành "tổ lái", tham gia giao thông. Trong khi đó, theo nghiên cứu của một số giáo sư, bác sĩ trong nước sau khi uống rượu, bia người điều khiển phương tiện thường không làm chủ được tốc độ và tay lái, hay đi lạng lách trên đường, khả năng phản xạ tự vệ, phán đoán lúc này không còn nhận biết được hết nên tiềm ẩn tai nạn bất cứ lúc nào.
Từng có nhiều vụ tai nạn giao thông do người uống rượu, bia gây ra mà hậu quả để lại rất nặng nề không chỉ cho chính người lái xe mà còn khiến các gia đình khác phải chịu cảnh ly biệt cha mất con, vợ mất chồng, kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh… Tiền bạc chạy chữa không đủ, sống khổ đau suốt đời.
"Ép nhau uống thêm 1 ly, kích nhau uống thêm một chai... các anh vui đấy nhưng đó là niềm vui tội ác", bạn Minh Hoa bày tỏ. 
Hưng Bùi

>> xem thêm

Bình luận(0)