Lạm bàn tư duy xin xỏ và thước đo bia rượu của "quan" Việt

Google News

(Kiến Thức) - Tư duy "xin xỏ" vốn đã ăn sâu trong não trạng của cán bộ các cấp, nó trở nên phổ biến đến mức người ta coi đó là cơ chế cơ chế xin cho.

Chủ tịch huyện "xin" doanh nghiệp 10 tỉ trồng cây xanh
Trước hết xin lạm bàn một tí về chuyện "xin xỏ". Hành vi này không xa lạ gì đối với người Việt chúng ta thậm chí nó đã thành nếp nghĩ, thành lối tư duy "xin xỏ" vốn đã ăn sâu trong não trạng của cán bộ các cấp, nó trở nên phổ biến đến mức người ta coi đó là cơ chế - cơ chế xin cho - hậu quả của chế độ bao cấp một thời.
Sang thời mở cửa, chuyện "xin xỏ" không còn giới hạn trong phạm vi giữa các cơ quan nhà nước với nhau nữa mà đã lan ra ngoài xã hội. Bất cứ việc gì cũng "xin". Thế cho nên chuyện các cơ quan, ban ngành, địa phương đi "xin" doanh nghiệp không còn là chuyện lạ. Nhưng "xin" đến 10 tỉ như ông chủ tịch huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) thì quả đúng là vô tiền khoáng hậu.
Chuyện kể rằng một sáng mùa xuân ngồi trong nhiệm sở nhìn ra ngoài cửa sổ, đắm mình trong khung cảnh "trời trong veo, nước trong veo" của xứ sở, ông chủ tịch huyện bỗng nổi hứng "buông chèo" múa bút, kí roẹt cái công văn "xin" Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC hỗ trợ kinh phí 10 tỉ đồng để thực hiện dự án trồng cây xanh tại trung tâm huyện nhà. Một ý tưởng thật đẹp và quả đáng giá tiền tỉ!
Dưng mà dư luận không khỏi giật mình khi đọc được thông tin này trên báo. Ui chao, xin gì mà những 10 tỉ? Có người nói mát: Sao ông chủ tịch còn ngại ngùng chi mà không ngoặc thêm vài con số không nữa để bà con huyện nhà được hưởng lộc giời, địa phương lập được kì tích xóa hết hộ nghèo bởi đằng nào thì cũng mang tiếng "ăn xin" rồi?
Lam ban tu duy xin xo va thuoc do bia ruou cua
Ảnh minh họa - Nguồn Internet. 
Dạo một vòng trên Google sau khi gõ cụm từ "chính quyền xin tiền doanh nghiệp" thì thấy đủ chiêu trò "xin xỏ" nghe thật mủi lòng. Nào là "thực hiện xã hội hóa, đảm bảo an sinh xã hội trong dịp tết"; nào là "ủng hộ hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt; nào là " động viên kịp thời lực lượng an ninh, bảo vệ dân phố tuần tra giữ gìn trật tự ANXH"; rồi thì "hỗ trợ tổng kết ngành", "hỗ trợ cơ quan kỉ niệm ngày truyền thống". Vân vân và… vân vân.
Doanh nghiệp dù đang làm ăn thua lỗ lâm cảnh khó khăn, cạn túi cũng khó mà từ chối trước những lời có cánh ấy, đành "vui vẻ" móc hầu bao cho trọn "tình thương mến thương" đối với địa phương. Bỗng nhớ đến lời ông Đỗ Văn Đương, đại biểu Quốc hội đương nhiệm: "Một ông nông dân cõng 4 ông công chức béo thì chết, dân oán thán lắm!”. Vâng, ông đại biểu nhân dân nói quả không sai, nhưng không chỉ nông dân oán thán mà còn cả doanh nghiệp nữa, thưa ông. Họ đang phải cõng trên mình đủ thứ phí vô lí.
Từ chuyện xin doanh nghiệp 10 tỉ của ông chủ tịch huyện, dư luận cứ băn khoăn mãi một điều: Bao giờ thì tư duy "xin xỏ" bị loại khỏi bộ nhớ của quan chức để các vị toàn tâm toàn ý suy tư, trăn trở về trọng trách đang gánh trên vai, tìm phương hướng, giải pháp tích cực đưa địa phương dưới quyền "cai trị" của mình cất cánh bay lên cùng đất nước?
Và sở trường bia rượu
Năm 2015, Việt Nam tiêu thụ 3,4 tỉ lít bia, lọt vào tốp 5 nước xài bia nhất châu Á. Còn tiêu thụ rượu dù không thể đong đếm được nhưng có lẽ cũng thuộc hàng quán quân thế giới vì cứ vào giờ cao điểm trưa hoặc tối, bất kể ngày làm việc hay ngày nghỉ, đâu đâu cũng rộn ràng điệp khúc "Một hai ba! Zô! Một hai ba! Uống!" hay "Trăm phần trăm!".
Bia rượu đang làm thui chột trí tuệ, méo mó nhân cách, hủy diệt giống nòi. Thời nô lệ, chúng ta lên án chế độ thực dân phát xít tội đầu độc dân ta bằng rượu cồn và thuốc phiện. Còn bây giờ, có địa phương dùng công văn chỉ thị ép buộc, hô hào cán bộ viên chức - người người uống bia - nhà nhà uống bia để tăng doanh thu cho doanh nghiệp bia rượu đóng trên địa bàn.
Một quốc gia ngập tràn trong bia rượu cho nên dư luận mới đồn thổi lên rằng, một trong những tiêu chí quan trọng để làm cán bộ là phải có sở trường uống bia rượu. Chẳng hiểu lời đồn ấy là thực hay hư nhưng cứ thử dạo qua các quán nhậu nhà hàng quanh phố phường vào giờ ăn trưa hay buổi tối thì sẽ biết, trong số hàng trăm ngàn đệ tử lưu linh đang say sưa hò hét "zô trăm phần trăm"ấy có mấy ai là người lao động với đồng lương còm cõi?
Bia rượu tự bao giờ đã trở thành thước đo tình cảm, thước đo quan hệ; là cơ hội phô trương, nịnh bợ. Dư luận hẳn chưa quên chuyện ông phó GĐ sở NN&PTNT nọ cứ mỗi lần nhận quyết định thăng chức là một lần ăn nhậu tưng bừng xả láng. Dường như chảy trong huyết quản con người này không phải là máu mà là… rượu bia?
Và mới đây nhất, chuyện hi hữu khiến dư luận không thể không quan tâm là việc ông bí thư huyện ủy Tây Giang (Quảng Nam) đào đường hầm xuyên núi sau biệt thự nhà mình với chiều dài gần 100m, rộng 1,5m, cao gần 2m. Chủ nhân của đường hầm cho biết, việc đào hầm được thực hiện từ năm 2009 trên diện tích đất do ông quản lý. Dư luận bảo ông đào hầm để tìm vàng nhưng ông thì phủ nhận và khẳng định chỉ để làm nơi chứa rượu, vui thú tuổi già sau khi về hưu (!?)
Nghe chuyện này, bạn tôi cười ngặt nghẽo: Ha ha, xứ Quảng đúng là khác người bởi có những quan chức, trẻ thì đam mê chơi chim, già thì lo chuẩn bị hầm rượu để vui thú khi về hưu. Chỉ có điều dư luận vẫn không hiểu nổi, ông bí thư lấy đâu ra rượu để lấp đầy 100m đường hầm kia?
Dưng mà lo gì. Hầm rượu xuyên núi của ông bí thư rồi sẽ được nhiều người hoan hỉ kết bạn lắm, ví như ông phó GĐ sở NN&PTNT nọ, ông sẽ là ứng viên số 1. Lúc ấy, hầm rượu của ông sẽ trở thành nơi "hội ngộ" của những quan chức từng một thời tài… xin và giỏi… uống!
>>> Xem thêm video: Góc khuất trong dự án của FLC tại Sầm Sơn
Nguyễn Duy Xuân

Bình luận(0)