Gần 450 giáo viên hợp đồng Thanh Oai mất việc: Không thể ứng xử lạnh lùng

Google News

(Kiến Thức) - Gần 450 giáo viên hợp đồng ở Thanh Oai đã dành cả tuổi thanh xuân, niềm nhiệt huyết đóng góp cho ngành giáo dục. Không thể vì một quyết định, một chữ ký mà xóa nhòa những công lao ấy bằng những cách ứng xử lạnh lùng…

Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến vụ việc gần 450 giáo viên hợp đồng tại các khối trường mầm non, Tiểu học, THCS ở huyện Thanh Oai (TP Hà Nội) đang đứng ngồi không yên xen cùng tâm trạng bức xúc khi nguy cơ mất việc đang cận kề do UBND huyện này bất ngờ có thông báo chấm dứt hợp đồng lao động không thỏa đáng.
Thông báo số 1020 của UBND huyện Thanh Oai về việc chấm dứt hợp đồng đối với những trường hợp trước đây được UBND huyện đã ký hợp đồng lao động làm giáo viên và nhân viên tại các trường công lập thuộc huyện để chuyển về các trường do Hiệu trưởng xem xét, ký hợp đồng theo thẩm quyền từ ngày 1/9/2018…như một gáo nước lạnh dội lên tâm huyết của gần 450 giáo viên hợp đồng ngày đêm phấn đấu cho sự nghiệp trồng người.
Trong số gần 450 giáo viên hợp đồng có nguy cơ mất việc, có người đã gần 20 năm đứng lớp, không ít thầy cô giáo đã không quản ngại gian khó cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giáo dục, tâm huyết dạy dỗ bao thế hệ học trò thành người có ích cho xã hội.
Gan 450 giao vien hop dong Thanh Oai mat viec: Khong the ung xu lanh lung
 Hàng trăm giáo viên hợp đồng ở Thanh Oai đứng ngồi không yên trước nguy cơ mất việc.
Họ là những người mà trước đây khi nhiều trường lớp, nhiều học sinh nhưng không đủ giáo viên cơ hữu, huyện đã ký hợp đồng với họ và họ cũng là những người đã đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp giáo dục của huyện, của thành phố.
Thế nhưng đến nay, khi lượng giáo viên cơ hữu đủ đầy, không cần đưa ra bất kỳ lý do nào để thuyết phục các giáo viên hợp đồng, chỉ cần một quyết định, vài thông báo, UBND huyện Thanh Oai đã đẩy hàng trăm giáo viên ra khỏi bục giảng, trường học khiến họ phải trải qua những cảm giác hụt hẫng, đau đớn, trách móc, bức xúc và phẫn nộ do bị phụ bạc.
Cảm giác như bị bạc đãi lại tiếp tục đày đọa hàng trăm giáo viên hợp đồng khi liên tiếp các cuộc họp của giáo viên các khối mầm non, Tiểu học, THCS với huyện Thanh Oai – cơ hội để các giáo viên bày tỏ nguyện vọng, nỗi niềm cũng như đòi hỏi quyền lợi chính đáng và để nghe những lời giải đáp từ lãnh đạo huyện thì lại không một lãnh đạo UBND huyện nào tham dự. Đến cuộc họp bằng những kỳ vọng, họ buộc phải ra về trong sự thất vọng khi đại diện các phòng ban của huyện chỉ giải thích vòng vo và không thỏa đáng. Trong khi họ không thể gặp được lãnh đạo huyện để bày tỏ tâm tư.
Gần 450 giáo viên đã rơi nước mắt hôm nay bởi ngày mai họ không biết làm gì, biết đi đâu về đâu để có việc làm, lo toan cuộc sống gia đình. Nhưng quan trọng hơn, họ cần những người có trách nhiệm trả lời những câu hỏi mà họ luôn canh cánh trong lòng: Tại sao lại chấm dứt hợp đồng đột ngột, từ một phía trong khi lúc được ký thời gian hợp đồng là vô hạn? Nếu lý do là thừa giáo viên thì tại sao mấy năm gần đây huyện vẫn tuyển các giáo viên hợp đồng ầm ầm? Nếu chấm dứt hợp đồng liệu có được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội với người lao động theo đúng quy định hay không…?
Và họ cũng tự hỏi bản thân mình rằng: Liệu có được công tác trong ngành nữa không? Liệu mình đi về đâu khi mà đã hiến dâng hết cả tuổi thanh xuân cho ngành giáo dục?
Tất nhiên đến thời điểm này, những câu hỏi của họ dành cho chính quyền huyện Thanh Oai và các cơ quan chức năng vẫn đang bị bỏ ngỏ và nỗi lo phía trước vẫn đè nặng lên những tâm tư khiến những ngày trôi qua với họ dài đằng đẵng khi trước mắt họ là một tương lai vô định, không biết đi đâu về đâu.
Trên thực tế, không ít địa phương có lượng lớn giáo viên hợp đồng trước nguy cơ mất việc. Những năm trước, dư luận đã từng lùm xùm chuyện hàng nghìn giáo viên hợp đồng ở Hải Dương bị nợ lương và đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Tuy nhiên sau đó, tỉnh Hải Dương đã có giải pháp để chi trả tiền lương và phụ cấp cho các giáo viên này và gia hạn chi trả đến hết tháng 5/2018. Dù hiện tại, các giáo viên hợp đồng ở Hải Dương vẫn chưa biết tương lai mai sau ra sao khi hiện tại việc ký tiếp hay không vẫn còn bỏ ngỏ. Nhưng theo lời nói của ông Đỗ Duy Hưng - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương) cho biết, hiện tại Sở đang rà soát và có phương án sắp xếp, bố trí đội ngũ số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập và giáo viên hợp đồng vẫn có cơ hội được tiếp tục giảng dạy.
Dư luận cũng từng xôn xao trước vụ việc hơn 500 giáo viên hợp đồng bị mất việc tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk), dù lãnh đạo huyện này từng nói huyện không còn cách nào khác phải chấm dứt hợp đồng với các giáo viên nhưng sau đó, UBND tỉnh Đăk Lăk đã yêu cầu huyện Krông Păk tạm ngưng chấm dứt hợp đồng với các giáo viên để rà soát, tìm giải pháp gỡ vướng mắc.
Vài ví dụ trên để thấy rằng, thay bằng cách lạnh lùng chấm dứt hợp đồng, UBND huyện Thanh Oai nên tìm cách tháo gỡ xem có phương án nào vừa hợp tình, vừa hợp lý để không đẩy hàng trăm giáo viên vào cảnh khốn cùng. Bởi trên thực tế, số lượng giáo viên hiện nay được cho là thừa nhưng thời gian tới lại có thể thiếu, phải có giải pháp đào tạo lại họ để sắp xếp những công việc ở những vị trí phù hợp. Trong trường hợp bắt buộc phải chấm dứt hợp đồng thì cũng cần có những giải đáp thỏa mãn để các giáo viên hiểu và chấp hành.
Nhìn ở góc độ vĩ mô, những vụ hàng loạt giáo viên hợp đồng đứng trước nguy cơ thất nghiệp có nhiều nguyên nhân như các cơ sở đào tạo mạnh ai nấy làm, trong khi lại có sự lỏng lẻo trong quản lý nhà nước về đào tạo của Bộ GD&ĐT và các địa phương. Một thống kê cho thấy còn hơn 40.000 cử nhân sư phạm chưa có việc làm, hàng chục nghìn sinh viên sư phạm không thể vào biên chế, họ chấp nhận làm giáo viên hợp đồng dù tương lai bấp bênh. Bên cạnh đó, cũng do trước đây, chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm đã thu hút lượng lớn người theo học nhưng đến nay đã để lại hậu quả như là “con dao hai lưỡi” khi nhiều cơ sở đào tạo khi đó thi nhau tuyển sinh rồi lại ồ ạt đưa ra thị trường lao động dẫn đến tình trạng “khủng hoảng thừa” .
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã thực hiện nhiều giải pháp để chấn chỉnh như đưa ra dự thảo sinh viên sư phạm phải đóng học phí, cảnh báo trạng thừa giáo viên và đề nghị hạn chế tuyển sinh vào sư phạm, xem xét quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm, nâng cao chất lượng đào tạo…Tuy nhiên, đến nay, một câu hỏi tưởng như bình thường: “Đến bao giờ những cử nhân sư phạm làm đúng nghề mình đã chọn?” vẫn chưa thực sự có lời giải đáp và tình trạng thừa giáo viên hợp đồng dẫn đến chấm dứt, loại bỏ sẽ tiếp tục diễn ra.
Thiên Nga

>> xem thêm

Bình luận(0)