Đề xuất “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo“: Dư luận dậy sóng?

Google News

(Kiến Thức) - Dư luận dậy sóng khi đề xuất chuyển từ “học phí” sang “giá dịch vụ đào tạo” không chỉ ở khái niệm mà đó còn là nỗi lo lắng tình trạng tiêu cực, lạm thu phát sinh trong quá trình triển khai mà khó ai kiểm soát được.

Việc Bộ GTVT chuyển từ “thu phí” sang “thu giá” BOT khiến dư luận phản ứng và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị Bộ GTVT đổi tên gọi, yêu cầu tên trạm BOT phải chuẩn xác, đúng và bảo đảm sự trong sáng của tiếng Việt.
Trong khi “bão” dư luận về trạm “thu phí” thành trạm “thu giá” BOT chưa lắng xuống, dư luận lại vô cùng ngạc nhiên khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trong tờ trình Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học yêu cầu chuyển quy định về “học phí” sang quy định “giá dịch vụ đào tạo”.
Dù Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sau đó lý giải, việc chuyển đổi từ cơ chế thu học phí sang giá dịch vụ đào tạo theo hướng tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo. Quy định này được viện dẫn căn cứ vào Luật giá.
De xuat “hoc phi” thanh “gia dich vu dao tao“: Du luan day song?
 Ảnh minh họa.
“Học phí là khái niệm lâu nay, giờ chuyển sang tự chủ có rất nhiều chương trình đào tạo phải tính đến chi phí dịch vụ theo Luật giá, đảm bảo tương xứng chất lượng đào tạo. Việc tính toán toàn bộ để hạch toán theo tự chủ thì gọi là "giá dịch vụ đào tạo", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.
Giải thích thêm, Bộ GD&ĐT đưa ra phản hồi cho rằng, theo quy định của Luật phí, lệ phí hiện nay, học phí được chuyển sang thực hiện theo cơ chế tính giá dịch vụ theo quy định của Luật giá. Tuy nhiên, ở mức độ nhất định, với những khoản người học phải đóng góp cho quá trình học, thuật ngữ học phí vẫn nên sử dụng để đảm bảo tính thông dụng, dễ hiểu, dễ áp dụng.
“Những dịch vụ không sử dụng ngân sách, tài sản Nhà nước, cơ sở giáo dục đại học xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của pháp luật. Các mức này đều được tính theo cơ chế tính giá và phải được công bố công khai cho từng năm học, khoá học cùng thông báo tuyển sinh”, Bộ GD&ĐT cho biết.
Tuy nhiên, ngay khi vừa đưa ra, tờ trình Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học của Bộ GD&ĐT vấp phải nhiều ý kiến phản ứng mạnh mẽ.
Việc dư luận phản ứng về việc Bộ GD&ĐT đề xuất đổi tên “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo” cũng giống như việc “thu phí” thành “thu giá” BOT không chỉ bởi khái niệm “thu giá” mờ hồ không rõ nghĩa trong từ điển Tiếng Việt mà còn bởi sự lo lắng về cách triển khai thực hiện dễ phát sinh tiêu cực. Bởi “phí” được thực hiện theo Luật phí, lệ phí do nhà nước ấn định còn “giá” được xác định do luật giá. Rõ ràng, giữa nội hàm học phí và giá dịch vụ là khác nhau và giá trị của hai khái niệm này không đồng nhất.
Nhiều chuyên gia giáo dục băn khoăn, việc thay đổi thuật ngữ “học phí” thành cụm từ “giá dịch vụ đào tạo” sẽ khiến người ta hiểu môi trường giáo dục đại học Việt Nam đang được biến thành thương trường, thương mại trong giáo dục.
"Giá” để chỉ giá trị hàng hóa được quy đổi thành tiền. “Giá dịch vụ đào tạo” là tiền sinh viên, người theo học nộp cho những dịch vụ đào tạo không sử dụng ngân sách trong thời gian học tập. Tất nhiên, các trường, cơ sở giáo dục đại học được tùy ý đưa ra giá theo dịch vụ mà trường cung cấp cho sinh viên, có thể tự tăng giá, giảm giá. Do vậy dễ dẫn đến tình trạng lạm thu, tiêu cực mà các sinh viên không còn sự lựa chọn nào khác là buộc phải đóng tiền theo giá nhà trường quy định nếu muốn sử dụng dịch vụ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các cơ sở giáo dục có thể lách qua quy định phí của nhà nước mà tùy ý định giá.
Trên thế giới, một nền giáo dục được cho là văn minh là một nền giáo dục phi lợi nhuận, học phí ở mức thấp nhất, thậm chí miễn giảm học phí. Còn theo quy định này, nền giáo dục Việt Nam liệu có phải đang hướng đến chất lượng cao bằng cách phải nộp giá cao?
Nếu đúng như thế, trong bối cảnh kinh tế của người dân vẫn ở mức thấp, sự phản ứng là điều tất yếu bởi khi đó những học sinh, sinh viên nghèo không thể có đủ điều kiện để sử dụng những dịch vụ mà các trường tự quy định giá dẫn đến thiệt thòi.
Ngay trong báo cáo thẩm tra dư luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình cho hay, đa số thành viên Ủy ban tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ; tuy nhiên, không nhất trí việc thay thuật ngữ học phí bằng giá dịch vụ đào tạo như thể hiện trong Dự thảo Luật.
“Việc sử dụng khái niệm học phí vừa thể hiện quan điểm coi giáo dục là lĩnh vực đặc thù, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế và vừa tránh cách tiếp cận theo hướng thương mại trong giáo dục”, ông Phan Thanh Bình nói.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị nghiên cứu quy định rõ nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo cần thiết làm căn cứ để xây dựng khung giá, mức giá cụ thể đối với các khoản thu dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện, trong đó làm rõ phần Nhà nước hỗ trợ và phần phải thu phí thêm. Đi đôi với cơ chế thu dịch vụ, cần quy định cơ chế giám sát, công khai, minh bạch trong tài chính đại học, để kiểm soát việc thu phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo; quy định chính sách hỗ trợ người học để có thể tiếp cận với giáo dục đại học khi tăng mức học phí.
Thiên Nga

>> xem thêm

Bình luận(0)