Chụp ảnh kỷ yếu: Lưu giữ kỷ niệm đâu cần lãng phí, phản cảm

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều ý tưởng khi học sinh, sinh viên cuối cấp chụp ảnh kỷ yếu đã tạo nên sự phản cảm, kỷ niệm giả tạo. Cùng với đó, sự đầu tư lớn dẫn đến lãng phí lớn.

Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện những hình ảnh đáng suy nghĩ về việc chụp ảnh kỷ yếu. Đó là bộ ảnh phản cảm của một lớp học, trong đó nam, nữ sinh tạo dáng rất nhạy cảm khi dùng miệng để kéo áo nhau khiến nhiều người hiểu lầm gây lên sự phản cảm.
Trước đó, trên mạng xã hội cũng xuất hiện rất nhiều hình ảnh như các nữ sinh mặc áo dài đã trèo, ngồi lên người rồi cởi áo nam sinh hoặc cúi xuống vùng nhạy cảm…để chụp ảnh kỷ yếu.
Không chỉ bức xúc về những hình ảnh phản cảm, sự lãng phí khi chụp ảnh kỷ yếu của các học sinh, sinh viên cuối cấp cũng khiến dư luận có nhiều tranh luận gay gắt. Bởi cũng trên mạng xã hội đã từng xuất hiện hai câu chuyện để lại nhiều suy ngẫm.
Đó là hình ảnh tấm bản kê khai chi phí chuẩn bị cho chụp ảnh kỷ yếu của một nữ sinh lên tới 3,2 triệu đồng. Đối ngược lại hình ảnh trên, là sự than thở của một sinh viên khi phải đóng 800.000 đồng để chụp ảnh kỷ yếu khi gia đình rất khó khăn, anh trai bị ung thư. Bản thân sinh viên này phải đi làm để đóng học phí và trang trải cuộc sống.
Câu hỏi của sinh viên này khiến khi đó nhiều người phải ngẫm nghĩ: “Kỷ yếu là gì có ăn được không?”
Chup anh ky yeu: Luu giu ky niem dau can lang phi, phan cam
 Những bức hình kỷ yếu gây nhiều tranh cãi.
Trên thực tế, chụp ảnh kỷ yếu rất có ý nghĩa khi lưu lại khoảng khắc với bạn bè, thầy cô và mái trường đối với các học sinh, sinh viên cuối cấp sắp xa rời ngôi trường nhiều năm họ theo học. Ảnh kỷ yếu chính là cuốn nhật ký lưu lại những kỷ niệm đẹp đẽ của thời ngồi trên ghế nhà trường. Đó cũng là nơi gửi gắm nhiều tâm tư, tình cảm của thời cắp sách đến trường. Để rồi khi ra trường, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, người ta lật giở lại những bức hình như trở lại thời trẻ, có thêm động lực để vượt qua những khó khăn. Cũng là kỷ niệm để sau này khi trưởng thành, thậm chí già đi, người ta ngồi ôn lại chuyện xưa cũ với nhiều kỷ niệm đẹp đẽ của đời người.
Bất kỳ ai dù học ở đâu, hoàn cảnh thế nào cũng đều mong muốn có chung những tấm hình để lưu giữ kỷ niệm với thầy cô, bạn bè và những hình ảnh lớp học, mái trường từng gắn bó.
Trước đây, khi hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn, khi chưa có mạng xã hội facebook, đến cuối năm học, các học sinh, sinh viên thường mời thầy cô xuống sân trường, chụp chung những tấm hình làm kỷ niệm. Những tấm ảnh hồi đó vẫn có sự sáng tạo như xếp người thành tên lớp học hoặc tạo lại hình ảnh vui buồn khi ngôi trên ghế nhà trường.
Thế nhưng, hiện nay với sự phát triển của mạng xã hội, trào lưu chụp ảnh kỷ yếu đang bị tác động mạnh bởi nỗi sống ảo từ học sinh thành phố cho đến nông thôn. Các bạn trẻ đầu tư công phu về chất lượng, trang phục và có nhiều ý tưởng độc đáo phác họa lên một bức tranh sống động về tuổi trẻ, quãng thời gian là học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên, nhiều ý tưởng đã tạo nên sự phản cảm, sự đầu tư lớn dẫn đến lãng phí lớn. Bởi vậy, có ý kiến cho rằng, chụp ảnh kỷ yếu mà sáng tạo quá mức vượt qua khuôn khổ trường lớp không chỉ tạo ra sự dung tục, phản cảm không nên có mà còn để lại những kỷ niệm giả tạo. Sự lãng phí cũng là một gánh nặng với học sinh, sinh viên, thậm chí với gia đình các em bởi bản thân các em còn ngồi trên ghế nhà trường, không phải những người làm ra tiền để có thể phung phí. Trong khi đó, không phải gia đình nào cũng có điều kiện khá giả.
Không thể không ngẫm nghĩ nếu bố mẹ làm quần quật để có tiền trang trải cho các em ăn học mà lại phung phí vài triệu đồng chỉ để…chụp ảnh kỷ yếu.
Không chỉ lãng phí về tiền bạc và sự phản cảm dung tục với nhiều ý tưởng táo bạo, sự an toàn khi chụp ảnh kỷ yếu cũng là điều khiến nhiều người lo lắng. Bởi để có tấm hình kỷ yếu đẹp không ít nam, nữ sinh đã ra sông hồ, leo núi, thậm chí ra “tuyệt tình cốc” – là những nơi dễ xảy ra tai nạn và không ai đảm bảo với tính cách tuổi trẻ để có được những tấm hình, các em luôn bất chấp nguy hiểm. Vụ việc xảy ra trước đây tại bãi biển Cửa Lò khiến 2 nam sinh bị sóng cuốn là một ví dụ điển hình.
Làm sao để chụp ảnh kỷ yếu là niềm vui chứ không phải là ác mộng? Đó là câu hỏi được nhiều người đặt ra. Muốn làm được điều này, cần sự chỉ đạo của ngành giáo dục cũng như Sở GD&ĐT các địa phương. Giáo viên chủ nhiệm cần nắm bắt tâm lý, tham gia định hướng cho học sinh tổ chức chụp ảnh kỷ yếu một cách phù hợp, đạt giá trị tinh thần, tránh sự lãng phí, phản cảm. Bên cạnh đó, nhà trường cần phối hợp với hội cha mẹ học sinh, tuyên truyền, định hướng, quản lý, giám sát, hướng dẫn học sinh trong việc tổ chức các buổi liên hoan chia tay cuối năm của học sinh ngắn gọn, có ý nghĩa, an toàn.
Thiên Nga

>> xem thêm

Bình luận(0)