Cán bộ tiếp công dân có bị cấm cầm xì gà?

Google News

(Kiến Thức) -  Hình ảnh ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương nói chuyện với người dân Thủ Thiêm, trên tay cầm một vật màu nâu giống điếu xì gà đang khiến dư luận tranh cãi kịch liệt.

Sáng ngày 7/11, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP HCM cùng nhiều lãnh đạo ban ngành đã tiếp người dân Thủ Thiêm (quận 2, TP HCM) nhằm giải quyết những vấn đề trong kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến việc thực hiện quy hoạch dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Sau đó, hình ảnh ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) được chia sẻ "chóng mặt" trên mạng xã hội. Điều đáng nói, trong bức hình ông Điệp tại buổi tiếp dân trên tay cầm một vật giống điếu thuốc xì gà khiến dư luận tranh cãi kịch liệt.
Can bo tiep cong dan co bi cam cam xi ga?
 Hình ảnh ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương thuộc Thanh tra Chính phủ xuất hiện ở buổi tiếp xúc người dân trên tay cầm một vật nghi điếu xì gà khiến dư luận xôn xao, tranh cãi.
Bày tỏ quan điểm của mình trước vấn đề trên, Luật gia Đồng Xuân Thuận (Hà Nội) cho hay: Theo Điều 2 Luật Tiếp công dân 2013, tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân quy định tại Điều 4 của luật này đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.
Tiếp công dân bao gồm tiếp công dân thường xuyên, tiếp công dân định kỳ và tiếp công dân đột xuất.
Trách nhiệm tiếp công dân được quy định như sau: Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân bao gồm: Chính phủ; Bộ, cơ quan ngang bộ; tổng cục và tổ chức tương đương; cục; Ủy ban nhân dân các cấp; Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Các cơ quan của Quốc hội; Hội đồng nhân dân các cấp; Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước.
Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức việc tiếp công dân phù hợp với yêu cầu, quy mô, tính chất hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
Căn cứ vào quy định của Luật này, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội quy định về việc tiếp công dân trong cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống mình; Chính phủ quy định cụ thể việc tiếp công dân tại các cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập.
Trách nhiệm của người tiếp công dân được quy định tại Điều 8, Luật Tiếp công dân 2013 như sau: Khi tiếp công dân, người tiếp công dân phải bảo đảm trang phục chỉnh tề, có đeo thẻ công chức, viên chức hoặc phù hiệu theo quy định.
Yêu cầu người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có); có đơn hoặc trình bày rõ ràng nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc tiếp nhận, thụ lý vụ việc.
Có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày.
Giải thích, hướng dẫn cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết.
Trực tiếp xử lý hoặc phân loại, chuyển đơn, trình người có thẩm quyền xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thông báo kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cho công dân.
Yêu cầu người vi phạm nội quy nơi tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm; trong trường hợp cần thiết, lập biên bản về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Luật gia Đồng Xuân Thuận, các hành vi bị nghiêm cấm khi tiếp công dân đã được quy định cụ thể tại Luật tiếp công dân 2013, gồm: Gây phiền hà, sách nhiễu hoặc cản trở người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; Thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân, làm mất hoặc làm sai lệch thông tin, tài liệu do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp; Phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân; Lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để gây rối trật tự công cộng; Xuyên tạc, vu khống, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân; Đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ; Kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc người khác tập trung đông người tại nơi tiếp công dân; Vi phạm các quy định khác trong nội quy, quy chế tiếp công dân.
Theo luật gia Đồng Xuân Thuận, việc cán bộ cầm trên tay thứ gì, ví dụ trong trường hợp này có thể là điếu xì gà không nằm trong các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Tuy nhiên, xét về các khía cạnh khác như bối cảnh, văn hóa, xã hội... thì có thể nó không phù hợp và gây thiếu thiện cảm với một bộ phận nhỏ người dân.
Bảo Ngân

>> xem thêm

Bình luận(0)