Bị cáo dâm ô trẻ em vênh mặt trước vành móng ngựa: Khi công lý bị xem nhẹ

Google News

(Kiến Thức) - Hình ảnh ngẩng cao đầu, "vênh mặt" trước vành móng ngựa của bị cáo Nguyễn Khắc Thủy trong phiên tòa xét xử tội dâm ô trẻ em có lẽ là hình ảnh ám ảnh không chỉ với gia đình các nạn nhân mà còn với cả hệ thống pháp luật.

Vụ việc, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tuyên phạt bị cáo Nguyễn Khắc Thuỷ (78 tuổi, ngụ chung cư Lakeside, phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu) 18 tháng tù treo về tội dâm ô trẻ em đang thu hút sự tranh luận từ dư luận.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án trên vào tháng 11/2017, TAND TP Vũng Tàu đã tuyên án 3 năm tù giam với bị cáo Nguyễn Khắc Thủy do tòa nhận định hành vi của ông Nguyễn Khắc Thủy đã cấu thành tội dâm ô trẻ em với tình tiết phạm tội nhiều lần, nhiều trẻ em nên tính chất, hành vi của bị cáo gây ra nguy hiểm cho xã hội, suy giảm đạo đức xã hội, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, sau đó, tại phiên tòa này, bị cáo Nguyễn Khắc Thủy đã gây náo loạn khi doạ tự thiêu, kháng cáo kêu oan...
 Hình ảnh ngẩng cao đầu, vênh mặt trước vành móng ngựa của bị cáo Nguyễn Khắc Thủy có lẽ là hình ảnh ám ảnh không chỉ với gia đình các nạn nhân mà còn với cả hệ thống pháp luật. Ảnh: Vietnamnet
Trong phiên tòa phúc thẩm vụ án ngày 11/5, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên phạt bị cáo Nguyễn Khắc Thủy 18 tháng tù treo khi nhận định chỉ chứng minh được một vụ việc ông Thủy dâm ô với bé T.D (SN 2008) và chưa đủ căn cứ để xác định ông Thủy có hành vi dâm ô với cháu bé H.A. Bên cạnh đó, Tòa cũng áp dụng các tình tiết giảm nhẹ như bị cáo Nguyễn Khắc Thủy "già yếu, bệnh tật, có cống hiến" để giảm nhẹ tội cho bị cáo Thủy.
Tuy nhiên, ngay khi thông tin về bản án được đăng tải trên báo chí đã khiến dư luận tranh luận nảy lửa. Đa số các ý kiến đều cho rằng bản án trên quá nhẹ, không đủ sức răn đe, không thể hiện hết tính nghiêm minh của pháp luật đối với hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra. Bởi ngay tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo Thủy đều không nhận tội có nghĩa bị cáo chưa nhận biết được hậu quả hành vi của mình đã gây ra cho nạn nhân.
Xét theo các quy định của pháp luật, cụ thể tại điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 về các tình tiết giám nhẹ trách nhiệm hình sự có quy định tại khoản 1, điểm o: “Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên” và điểm v: “Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác”.
Do vậy, việc TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu áp dụng tình tiết giảm nhẹ như trên là có căn cứ. Tuy nhiên, việc giảm án từ 3 năm tù giam xuống 18 tháng tù treo với một bị cáo được xác định đã thực hiện hành vi dâm ô với một bé gái, từng gây hoang mang dư luận, bị dư luận xã hội lên án thì thật khó thuyết phục với người dân khi chưa đủ sức trừng phạt bị cáo cũng như răn đe xã hội và sẽ phát sinh ra nhiều hệ lụy về sau.
Bởi hành vi dâm ô trẻ em là rất nguy hiểm cho xã hội nhất là nạn nhân là các cháu nhỏ đang trong độ tuổi chưa phát triển tâm sinh lý nên sẽ để lại rất nhiều hậu quả cho chính các em và cho xã hội.
Hơn nữa, như HĐXX đã nhận định, bị cáo Nguyễn Khắc Thuỷ là cán bộ hưu trí, lẽ ra phải biết có hành vi cư xử văn minh với cộng đồng, nhất là với các cháu nhỏ.Lẽ ra với nhận định trên, HĐXX cần tuyên một bản án có sức nặng để răn đe bị cáo hơn là bản án tù 18 tháng treo khiến dư luận bức xúc.
Sự phẫn nộ của dư luận có cơ sở khi để tòa tuyên bị cáo Nguyễn Khắc Thủy phạm tội dâm ô trẻ em là quá trình đấu tranh công lý đầy khó khăn và gian khổ của chính cha mẹ các nạn nhân như lời luật sư Lê Ngọc Luân - Đoàn Luật sư TP.HCM - người từng theo đuổi vụ việc cho đến khi vụ án được khởi tố: “Có những thời điểm, tất cả nhận định sẽ không bao giờ khởi tố được Bị cáo Nguyễn Khắc Thuỷ ra toà và ông ấy sẽ thoát vòng lao lý”. Thế nhưng, sau tất cả những nỗ lực đưa kẻ phạm tội ra trước vành móng ngựa, bản án quá nhẹ đã khiến tất cả phải thất vọng, rã rời. Thậm chí, trong phiên xét xử phúc thẩm, bị cáo Thủy cho biết sẽ kiện lại những người tố cáo.
Trên thực tế, án treo không phải là một hình phạt trong Bộ luật hình sự, mà án treo là một biện pháp miễn trách nhiệm hình sự có điều kiện. Bởi vậy, việc bị cáo phạm tội dâm ô trẻ em nhận án treo đã gây sự thất vọng với gia đình các nạn nhân, gây bức xúc trong dư luận và tạo ra những hệ lụy xấu cho xã hội khi tội phạm tình dục không nhận được sự răn đe nghiêm khắc bằng một bản án nghiêm minh của pháp luật.
Trong nhiều vụ án khác, sau mỗi phiên tòa dù phải đền tội nhưng những kẻ gây ra tội ác đều phải đối mặt với tòa án lương tâm còn kinh khủng hơn những bản án. Tuy nhiên, trong trường hợp này, có lẽ “tòa án lương tâm” khó có thể xuất hiện trong suy nghĩ của bị cáo Nguyễn Khắc Thủy khi phạm tội tày trời, được xử án lấy lệ.
Hình ảnh ngẩng cao đầu, vênh mặt trước vành móng ngựa của bị cáo Nguyễn Khắc Thủy có lẽ là hình ảnh ám ảnh không chỉ với gia đình các nạn nhân mà còn với cả hệ thống pháp luật.
Thiên Nga

Bình luận(0)