Vụ thử bom H đầu tiên của Trung Quốc diễn ra như thế nào?

Google News

Trên cơ sở bom nguyên tử thử nghiệm thành công năm 1967, vượt mọi khó khăn về trình độ kỹ thuật và tiềm lực kinh tế, chỉ trong vài năm Trung Quốc đã chế tạo thành công bom H trong điều kiện hoàn toàn "tự lực cánh sinh".

Nhân 40 năm ngày Trung Quốc thử thành công bom khinh khí (bom H) (1967-2007), vào năm 2007, tạp chí Quan Đông tác gia (Nhà văn Quan Đông) đăng bài của Trương Khai Thiện , một cựu sĩ quan trước đây đã trực tiếp tham gia vụ thử lịch sử đó.
Quá trình chuẩn bị
Ngay từ đầu, các nhà khoa học Trung Quốc đã đề xuất phương án thử: dùng máy bay thả cho bom H nổ trên bầu trời Robubai Tân Cương, như vậy mới là nổ bom H đích thực, chứ không phải chỉ là một thiết bị gây nổ thông thường trên mặt đất.
Vu thu bom H dau tien cua Trung Quoc dien ra nhu the nao?
 Ảnh minh họa.
Với trình độ khoa học kỹ thuật của Trung Quốc những năm 60 của thế kỷ trước, phương thức nổ thử bom H trên không không dễ dàng chút nào, bởi phải khắc phục hàng loạt vấn đề nan giải.
Ví dụ: máy bay ném bom hạng nặng của Trung Quốc thời đó chỉ có sức chở tối đa còn hạn chế, mà trọng lượng thiết kế của bom H không được thấp hơn 30 tấn.
Lại nữa, máy bay ném bom hiện có dùng để ném bom thông thường, khi dùng để ném bom H phải cải tiến để đảm bảo sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cả phi hành đoàn và máy bay không bị nhiễm phóng xạ nguy hiểm.
Trước khi thả bom H chính thức, cần phải diễn tập bằng cách thả thử quả bom H mô phỏng, có hình dáng, kích cỡ và trọng lượng "y chang" quả bom H thật, nhưng... "bom câm".
Trương Khai Thiện kể: "Đầu năm 1967, thả thử, bom rơi rất "ngọt", nhưng chiếc dù chính treo bom rách bươm trong không trung, chúng tôi lo quýnh, vội vàng "phi" tới nhà máy may dù Nam Kinh nơi chế tác dù dùng cho bom H khi đó, nhưng cảnh tượng nhà máy hiện ra trước mắt khiến chúng tôi tá hỏa.
"Nhiệm vụ hàng đầu" của nhà máy khi đó là tham gia "Đại cách mạng văn hóa", toàn bộ nhà máy ngừng sản xuất, các phân xưởng mênh mông không một bóng người.
May chiếc dù mới là nhiệm vụ cực kỳ cấp bách, bởi vậy, chúng tôi tỏa đi tìm những người có trách nhiệm mới của nhà máy (vì ban lãnh đạo cũ hầu hết đã bị "phê – đấu" đánh đổ) trình bày tầm quan trọng và đã được họ đồng ý.
Sau khi chiếc dù mới được hoàn thành đúng tiến độ, chúng tôi dùng chuyên cơ chở thẳng tới căn cứ tại Tân Cương, tiến hành buộc dù vào quả bom H chính thức".
Công việc vận chuyển bom H – Bí mật tuyệt đối
Quả bom H được chế tạo tại căn cứ quân sự Thanh Hải, nhưng công việc lắp ráp và nổ thử lại ở Tân Cương cách xa cả ngàn dặm. Các linh kiện, bộ phận của quả bom sau khi chế tạo xong tại Thanh Hải, được vận chuyển thẳng tới Tân Cương.
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, chỉ có cách vận chuyển bằng xe lửa. Mà xe lửa phải là loại chuyên xa đặc biệt, nhìn bề ngoài tựa như một đoàn xe lửa chở khách bình thường, chỉ khác là mỗi toa được lắp thêm 4 bánh sắt nữa, nhằm tăng tính ổn định và an toàn, ngang với một toa xe trong đoàn chuyên xa của "lãnh tụ tối cao".
Đoàn xe sau khi khởi hành từ Thanh Hải, dọc tuyến đường sắt được cảnh giới cực kỳ nghiêm ngặt trong tình trạng báo động cấp 1, trừ một số ít người có trách nhiệm được biết, còn mọi người – kể cả nhân viên đường sắt, không biết trên xe chở thứ gì.
Khi tàu vào ga, mọi nhân viên nhà ga đều bị "điều" đi khỏi hiện trường, mọi công việc xếp dỡ "hàng" đều do công binh đảm nhiệm và lực lượng quân cảnh giám sát chặt chẽ.
Mỹ biết vụ thử bom H từ nhiều tháng trước
Từ đầu năm 1967, qua thu thập thông tin từ các kênh truyền thông đại chúng Mỹ và các nguồn tình báo khác, phía Trung Quốc phát hiện người Mỹ đã biết tới việc Trung Quốc chuẩn bị thử bom H tại Tân Cương.
Thậm chí, Mỹ còn phán đoán tương đối chính xác địa điểm, thời gian và phương thức thử bom H. Thoạt đầu, Trung Quốc cho rằng: phải chăng thông tin đã bị rò rỉ từ nội bộ?
Sau khi điều tra nghiên cứu mới vỡ lẽ, không phải bị rò rỉ thông tin mà do vệ tinh do thám của Mỹ đã quan sát, theo dõi phân tích sự thay đổi quang cảnh khu vực thử nghiệm của Trung Quốc liên tục hàng ngày và rút ra kết luận.
Số người và vật tư, khí tài tham gia cuộc thí nghiệm rất lớn, luôn biến động, trong khi vệ tinh do thám Mỹ định kỳ hàng ngày bay qua vào những giờ nhất định nên việc phán đoán ra ý đồ thử bom không mấy khó khăn. 
Tại một địa điểm cách bãi thử Robubai hơn 10 km người ta đào một dãy chiến hào sâu ngang ngực để nấp quan sát vụ nổ thử. Dưới chiến hào có lắp điện thoại trực tuyến liên lạc thẳng tới Văn phòng Thủ tướng tại Trung Nam Hải, Bắc Kinh.
Khoảng 7h ngày 17/6/1967, Nguyên soái Nhiếp Vinh Trăn cùng một số vị chỉ huy cao cấp, được Tư lệnh căn cứ quân sự Robubai đưa tới dãy chiến hào quan sát.
Khoảng hơn 7 giờ, từ Sở chỉ huy, Tư lệnh căn cứ thông báo máy bay chở bom đang trên đường bay tới mục tiêu Robubai. Một lát sau, tiếng chuông reo vang khi trên bầu trời Robubai xuất hiện chiếc máy bay ném bom cỡ lớn màu nhũ bạc kéo theo một vệt khói trắng dài phía sau, tiếp đó máy bay lượn vòng thu hẹp dần vào tuyến 1, tuyến 2 và tuyến 3 trung tâm bãi thử.
Giờ G đã điểm. Bom H nhả ra khỏi máy bay, rơi tự do một đoạn rồi dù chính bật mở. Mọi người nín thở theo dõi. Bom rơi tới lưng chừng trời, một bựng ánh sáng chói chang lóe lên kèm theo cơn chấn động rất lớn, nấm mây trắng cuồn cuộn bốc lên trên không trung, cảnh tượng thật ngoạn mục...
Nguyên soái Nhiếp Vinh Trăn điện thoại với giọng xúc động, báo cáo Thủ tướng Chu Ân Lai: cuộc thử nghiệm bom H đã thành công. Có thể khẳng định là, phương châm nghiên cứu sản xuất bom H phần lớn được xác định dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chu Ân Lai và do Nguyên soái Nhiếp Vinh Trăn chỉ đạo trực tiếp, nhưng khi nghe tin thử thành công, Chu Ân Lai không hề nghĩ tới phần cống hiến của mình, mà hô vang: "Mao Chủ tịch vạn tuế!".
Lời hô ấy một mặt biểu thị sự khiêm tốn không màng vinh danh của ông, mặt khác câu khẩu hiệu cửa miệng này là sản phẩm của giai đoạn lịch sử đặc thù thời đó, là phương thức biểu đạt sự hưng phấn "cực đoan" của mỗi người trong "Đại cách mạng văn hóa".
Buổi trưa, với niềm vui sướng lâng lâng khó tả, những người theo dõi vụ thử bom H quay về doanh trại cách bãi thử Robubai gần 20 km, bỗng giật mình khi thấy tường nhà nhiều chỗ nứt toác, các kính cửa sổ đều vỡ vụn, cánh cửa bật tung bởi sóng xung kích của vụ nổ bom H trên không trung gây ra.
Theo ANTG

>> xem thêm

Bình luận(0)