Tam quốc diễn nghĩa: Vì sao Viên Thiệu luôn bị coi là kẻ ngốc?

Google News

“Tam Quốc diễn nghĩa” là bộ tiểu thuyết chương hồi lấy cảm hứng từ lịch sử Tam quốc. Mà lịch sử Tam quốc lại cấu thành từ những con người có thực. Hình tượng mà họ để lại có ba loại: hình tượng chính sử, hình tượng dã sử và hình tượng văn học.

Trong đó, hình tượng chính sử được mặc nhiên xem là gần với sự thật hoặc chính là sự thật. Bắt đầu từ sự yêu thích đối với hình tượng văn học trong “Tam quốc diễn nghĩa”, người ta đi đến so sánh các hình tượng văn học với ghi chép chính sử ngõ hầu tìm ra chân dung đích thực của nhân vật mà mình yêu thích…
Tam quoc dien nghia: Vi sao Vien Thieu luon bi coi la ke ngoc?
Trong mắt người đời sau, Viên Thiệu được mô tả chẳng khác gì gã ngốc. 
Nếu cuộc đời Lưu Bị gắn với sự đối đầu với Tào Tháo thì cuộc đời Tào Tháo lại gắn với… sự đối đầu với Viên Thiệu. Đánh bại Viên Thiệu là thành công lớn nhất trong cuộc đời Tào Tháo. Hình tượng Viên Thiệu thường được tiểu thuyết chương hồi cũng như lịch sử mô tả trong sự so sánh với Tào Tháo, cho người đọc cảm giác “Tào Tháo thông tuệ, Viên Thiệu ngu xuẩn”.
Nhưng điều không thể phủ nhận chính là Viên Thiệu là quân phiệt hùng mạnh nhất đầu thời Hán Hiến đế, là người đã gây ra khó khăn lớn nhất cho Tào Tháo. Một người như thế có phải là kẻ xuẩn ngốc không? Liệu còn có một hình tượng Viên Thiệu thật nào bị che giấu phía sau?
“Bản sơ” của Viên Thiệu
“Tam quốc chí, Viên Thiệu truyện” cho biết, Viên Thiệu tự là Bản Sơ, người huyện Nhữ Dương, quận Nhữ Nam. Nếu như Tào Tháo là hậu nhân của hoạn quan thì Viên Thiệu là hậu nhân của quý tộc, kể từ thời Viên An có bốn người làm đến chức tam công, nên thường tự hào là “bốn đời tam công”.
Viên Thiệu lúc trẻ “có vẻ oai phong, biết nhún nhường kẻ sĩ” nên rất được nhiều người theo về. “Tam quốc chí, Vũ đế kỷ” nói Thiệu cùng Tào Tháo kết bạn, chuyên đi trộm gà bắt chó, cưỡng đoạt dân nữ. Một lần cả hai đi cướp cô dâu, bị người ta truy đuổi, Thiệu chạy nhằm vào trong bụi gai, không ra được thì Tháo hô lớn: “Kẻ cướp ở đây!”, Thiệu sợ hãi cuống cuồng, vội vùng dậy chạy. Xem ra Viên Thiệu, Tào Tháo lúc trẻ đều là cường hào ác bá. Có điều, sử quan khiến ta có cảm giác Tào Tháo cơ trí, Viên Thiệu ngốc nghếch.
“Anh hùng ký” chép Thiệu lúc trẻ làm quan Lang, rồi lên tới chức Bộc Dương trưởng. Mẹ mất, Thiệu cư tang mấy năm, rồi nhận sự trưng tập của Đại tướng quân Hà Tiến. “Tam quốc chí, Viên Thiệu truyện” nói, Thiệu đầu làm Đại tướng quân duyện, chuyển sang Thị ngự sử, Trung quân Hiệu úy rồi đến Tư lệ hiệu úy. Thời kỳ Hoàn – Linh, vấn đề hoạn quan lộng quyền đã trở thành nhức nhối.
Viên Thiệu cùng Đại tướng quân Hà Tiến mưu diệt hoạn quan. Theo “Tục Hán thư”, Viên Thiệu chủ động sai Trương Tân đến thuyết phục Hà Tiến trừ hoạn. Hà Tiến theo kế đó. Tuy nhiên, “Tam quốc diễn nghĩa” hoàn toàn không đánh giá cao đóng góp của Viên Thiệu.
La Quán Trung mô tả Thiệu là người đã hiến kế triệu các tướng ở ngoài vào kinh. Tào Tháo phản đối, cho rằng đó chính là mầm họa đối với thiên hạ. Ai cũng nghĩ, sự ngốc nghếch của Viên Thiệu đã giúp Đổng Trác vào kinh gây loạn. Sự thật như thế nào?
Đường sáng của kẻ ngốc
“Ngụy thư” nói, Tào Tháo nghe tin Hà Tiến muốn mời quân ở ngoài về triều diệt hoạn quan, đã nói: “Quan hoạn xưa nay có bao giờ không có. Chẳng qua gần đây các vua cho chúng nhiều quyền hành, ân huệ quá mới nên nỗi. Muốn trị bọn này, cứ giết mấy tên đầu sỏ, chỉ cần một viên ngục quan là đủ, cần gì phải gọi đến các tướng bên ngoài! Bằng như muốn diệt sạch bọn này, việc thể nào cũng lộ ra, tôi nghĩ là sẽ thất bại”.
Kỳ thực trước đó, Tào Tháo đã dâng thư lên hoàng đế nói về vấn đề hoạn quan, lời lẽ thống thiết, từ đầu tới đuôi đều chủ trương dùng phương pháp chính trị để loại bỏ bọn đầu sỏ trong hoạn quan, do đó, không cần động binh bên ngoài, chỉ cần một tên ngục lại là đủ. Sự thực tình hình đâu có dễ như thế!
Trải qua thời gian lâu dài, hoạn quan đã liên kết với nhau thành một thế lực lớn, cầm đầu là nhóm mười hai tên, thường bị gọi lầm là Thập thường thị. Họ không chỉ chi phối hoàng đế và hậu phi, mà còn cài người vào trong các đội quân bảo vệ kinh thành. Muốn diệt hoạn quan, không thể chỉ diệt vài tên đầu sỏ, bản thân Thập thường thị cũng sẽ không ngồi yên cho người ta giết.
Trên thực tế, muốn diệt hoạn quan không chỉ có Hà Tiến. Trước đó, đã có Đại tướng quân Đậu Vũ. Có điều, Đậu Vũ bị hoạn quan phản công và giết chết. Tào Tháo dâng thư nói về hoạn quan là sau thời điểm này và cuối cùng Tào Tháo cũng bị cách chức. Đến mức như thế mà Tháo vẫn tin rằng có thể dùng một tên ngục lại để xử lý họan quan thì thật là lạ!
Đường tối của kẻ trí
Viên Thiệu không như vậy, mà nhìn nhận vấn đề tỉnh táo hơn. “Cửu châu xuân thu” nói, Thiệu bàn với Hà Tiến: “Hoàng môn-Thường thị nhiều đời lớn mạnh, oai trùm cả nước, khi trước Đậu Vũ muốn giết chúng mà trái lại bị chúng hại, chỉ là vì nhân lời nói bị tiết lộ mà đem quân của năm doanh gây biến vậy. Quân của năm doanh sinh trưởng ở kinh sư, sợ phục người trong cung. Vậy mà họ Đậu trái lại dùng sức mạnh của họ, rút cuộc họ phản chạy theo bọn Hoàng môn, cho nên tự chuốc lấy thua diệt.
Nay tướng quân dựa vào sự tôn quý của cậu vua, hai phủ đều nắm quân khỏe, quan tướng bộ khúc của mình đều là kẻ sĩ anh hùng, vui lòng dốc hết sức, việc ở trong lòng bàn tay, cũng là trời cho gặp thời vậy. Nay vì thiên hạ mà trừ diệt tham ô, công lao hiển hách, lưu danh đời sau, dẫu Thân Bá của nhà Chu há đủ để sánh được? Nay nhà vua ở điện trước, tướng quân nên mượn chiếu thư mà lĩnh quân giữ gìn, nhưng chớ vào cung”.
Rõ ràng, Viên Thiệu đánh giá đúng đắn thực lực của hoạn quan. Họ không đơn thuần là bọn gia nô giữ nhà, mà còn có một bộ phận quân đội sẵn sàng ủng hộ. Đấu tranh với hoạn quan bằng chính trị rõ ràng là nửa vời, chỉ có thể dùng bạo lực để đập tan. Viên Thiệu khuyên Hà Tiến dùng lực lượng bản thân để đàn áp đội quân ủng hộ hoạn quan, nắm lấy thiên tử và không trực tiếp đối mặt với hoạn quan.
Xét những diễn biến tiếp theo, lời khuyên của Viên Thiệu là hoàn toàn xác đáng: Hà Tiến vì không nghe khuyến cáo, sơ suất vào cung nên bị hoạn quan giết chết. Phe diệt hoạn không nắm được thiên tử, bị dư đảng hoạn quan đưa ra ngoài, rốt cuộc rơi vào tay Đổng Trác. Chỉ nhờ có sự quyết đoán của Viên Thiệu vào thời điểm Hà Tiến bị giết, phe diệt hoạn mới có thể đạt được thắng lợi.
Chính biến lần này, bọn hoạn quan đều bị giết sạch, số chết tới hơn hai ngàn người, thế lực của hoạn quan hoàn toàn bị thanh toán. Tào Tháo dự đoán sự việc sẽ thất bại, thực sự đã phán đoán sai. Đương nhiên, kế hoạch cũng có chỗ không mỹ mãn: Hà Tiến đã chết, em của Hà Tiến là Xa kỵ tướng quân Hà Miêu cũng bị giết, ở Lạc Dương có rất nhiều đội quân vô chủ.
Các thế lực quân phiệt mới vào kinh không bị ai kiềm chế mà Hoàng đế thì còn quá nhỏ. Một cục diện loạn lạc mới đã hình thành. Có điều, Viên Thiệu phải chăng là người chịu trách nhiệm chính? Viên Thiệu đã cảnh báo Hà Tiến không nên vào cung, Hà Tiến không nghe nên vong mạng. Chẳng lẽ đây lại là lỗi của Viên Thiệu?
Cuộc binh biến do Viên Thiệu tính toán, vì sai lầm của Hà Tiến mà vượt quá tầm kiểm soát: Thay vì diệt hoạn quan, cả thế lực của ngoại thích cũng bị đánh gục; Hà thái hậu không có năng lực khống chế chính trị; Thiếu đế còn quá nhỏ; hai nhân vật đứng đầu quân đội đều đã chết; Lạc Dương xuất hiện một “khoảng trống” chính trị lớn.
Trong tình thế đó, ai nắm được quân đội trong tay, người đó sẽ có được tất cả. Và Đổng Trác đã vươn lên giành lấy quyền lực cao nhất. Cách Viên Thiệu xử lý cục diện tiếp theo cũng rất đáng cho người ta bàn luận. Nhiều sử gia như Lê Đông Phương, Dịch Trung Thiên đều cho rằng Viên Thiệu hoàn toàn có khả năng thanh toán Đổng Trác, nhưng đã không làm.
Theo Ngô Dụ /Pháp luật Việt Nam

>> xem thêm

Bình luận(0)