Giật mình đại phú hào Nam Bộ giàu hơn cả vua Bảo Đại

Google News

Ông là đại gia giàu nhất trong Tứ đại hào phú đất Nam Bộ xưa, cũng chính là ông ngoại Hoàng hậu Nam Phương. Tương truyền, ruộng đất của ông cò bay mỏi cánh, bất động sản ở trung tâm Sài Gòn nhiều không kể xiết, thậm chí giàu hơn cả vua Bảo Đại.

Đại gia giàu nhất trong Tứ đại hào phú Nam Bộ
Đại gia Lê Nhứt Sỹ (1841 - 1900) sinh ra tại TP.HCM (Sài Gòn xưa) trong một gia đình theo đạo công giáo. Ông chính là vị phú hào đứng đầu trong tứ đại phú hộ Nam Bộ xưa trong câu nói “nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa”.
Theo đó, sự nghiệp của Huyện Sỹ bắt nguồn từ việc được các tu sỹ người Pháp đưa sang Malaysia học tập. Tại đây, Huyện Sỹ được học ngôn ngữ Latinh Pháp, Hán và chữ quốc ngữ. Thời gian này, ông đổi tên thành Lê Phát Đạt, do tên cũ trùng với tên người thầy dạy.
Giat minh dai phu hao Nam Bo giau hon ca vua Bao Dai
 Tượng bán thân Huyện Sỹ tại nhà thờ do chính ông bỏ tiền xây dựng.
Sau khi trở về nước, ông được bổ nhiệm làm thông ngôn rồi sau đó làm Ủy viên Hội đồng Quản hạt Nam kỳ. Người ta gọi ông là Huyện Sỹ bởi những ai biết ông gọi ông bằng tên Sỹ, chứ không phải tên Đạt.
Ở miền Tây, ruộng đất của Lê Phát Đạt được ví như "cò bay mỏi cánh không hết". Những vùng đất trù phú ở Gò Công, Long An, Tiền Giang kéo dài đến tận biên giới Campuchia đều do ông nắm giữ. Tại miệt sông nước, phú hộ Đạt cũng xây ngôi biệt thự ven sông như cung điện án ngữ một vùng.
Tại TP.HCM, gia đình Huyện Sỹ cũng sở hữu nhiều mảnh đất đắc địa ở trung tâm. Mảnh đất rộng hơn 1 hecta dành xây nhà thờ Chợ Đũi là một trong số đó. Ngoài ra, ông có rất nhiều đất ở khu Gò Vấp, nơi con trai ông sau này dùng một phần xây nhà thờ Hạnh Thông Tây.
Người ta đồn rằng, ngôi nhà đồ sộ của Huyện Sỹ ở Tân An được cất trên thế đất hàm rồng, nên gia đình ông giàu có, danh vọng bậc nhất thời bấy giờ. Sau khi trở nên giàu có, ông dùng tài sản của mình để xây các nhà thờ, bởi ông là người theo đạo công giáo.
Các di sản mà Huyện Sỹ để lại có nhà thờ Chí Hòa. Con trai ông là kỹ sư Lê Phát Thanh cũng bỏ tiền xây nhà thờ Hạnh Thông Tây, nằm tại quận Gò Vấp TP.HCM. Tất cả các ngôi nhà thờ này đều xây trên đất của Huyện Sỹ.
Giàu hơn cả vua Bảo Đại?
Bỗng chốc phất thành đại gia hạng nhất đất Việt đương thời nhưng vợ chồng Huyện Sỹ không tiêu xài hoang phí, gia đình có cuộc sống đơn giản. Toàn bộ gia sản được tập trung phát triển nông nghiệp và truyền bá đạo Công giáo. Để nhắc nhở gia đình, trong nhà ông treo câu đối: "Cần dữ kiệm, trị gia thượng sách. Nhẫn nhi hòa, xử thế lương đồ".
Các con cháu Huyện Sỹ đều được giáo dục và học hành thành tài, không ăn chơi, tiêu xài như con cái những gia đình đại gia khác. Họ chuyên tâm học hành rồi phụ vợ chồng ông cai quản đất đai. Sau này, con Huyện Sỹ đều là đại điền chủ có rất nhiều đất đai ở Tân An, Đức Hòa, Đức Huệ và vùng Đồng Tháp Mười (nay thuộc vùng Long An).
Trong đó, trưởng nam của Huyện Sỹ là Lê Phát An được vua Bảo Đại phong tước An Định Vương. Thời Nhà Nguyễn, Vương là tước vị cao nhất trong 20 bậc tôn tước phong cho hoàng tộc và chỉ dành cho người có công trạng, bình thường kể cả các Hoàng tử đều chỉ phong Công tước. Ông Lê Phát An là người duy nhất trong lịch sử Nam Kỳ không "hoàng thân quốc thích" nhưng được lên ngôi vị cao quý nhất của triều đình.
Giat minh dai phu hao Nam Bo giau hon ca vua Bao Dai-Hinh-2
 Hoàng hậu Nam Phương - cháu ngoại Huyện Sỹ.
Trong số con cháu của Huyện Sỹ, người nổi tiếng nhất phải kể đến Nguyễn Hữu Thị Lan (1914 - 1963), tức Nam Phương hoàng hậu - vợ vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam. Tương truyền, khi gả cho vua, gia đình Huyện Sỹ đã hồi môn cho cháu ngoại hơn 20.000 lượng vàng. Người ta đồn rằng, vua Bảo Đại không giàu bằng Huyện Sỹ, trong đời làm vua, Bảo Đại dùng tiền của vợ nhiều hơn của hoàng gia.
Năm 1900, trong quá trình chuẩn bị xây dựng nhà thờ giáo họ Chợ Đũi, phú hộ Huyện Sỹ qua đời. Trong di chúc, ông dành 1/7 tài sản của mình để xây nhà thờ. Sau đó, các con tiếp tục di nguyện, nhà thờ được khởi công năm 1902 theo thiết kế của linh mục Bouttier. Ba năm sau, nhà thờ được khánh thành.
Nhà thờ dài 40 m, chia làm 4 gian, rộng 18 m. Thiết kế ban đầu của nhà thờ Huyện Sỹ gồm 5 gian, tức khoảng 50 m. Nhưng thời gian đó, nhà thờ tạm Chí Hòa bị hư hại trầm trọng nên giới chức đã xin cắt bớt một gian, dùng số tiền đó để xây nhà thờ Chí Hòa. Vì vậy, trước đây ở gần nhà thờ Chí Hòa (phường 7, quận Tân Bình) có một con đường mang tên Lê Phát Đạt. Khoảng năm 2000, con đường này đổi tên thành đường Đăng Lộ.
Giat minh dai phu hao Nam Bo giau hon ca vua Bao Dai-Hinh-3
Nhà thờ Huyện Sỹ. 
Nhà thờ Huyện Sỹ dùng đá granite Biên Hòa để ốp mặt tiền và các cột chính điện, theo phong cách kiến trúc Gothic (kiến trúc kiểu vòm nhọn). Năm 1920, vợ ông là bà Huỳnh Thị Tài mất, con cháu đưa hai ông bà chôn ở gian chái sau cung thánh của nhà thờ Huyện sỹ.
Trên mộ là tượng toàn thân ông Huyện Sỹ kê đầu trên hai chiếc gối bằng đá cẩm thạch được điêu khắc tinh xảo, đầu chít khăn đóng quay về cung thánh nhà thờ, mình mặc áo dài gấm hoa văn tinh xảo, hai tay đan vào nhau trước ngực, chân đi giày.
Ngày nay, nếu đi bằng xe máy từ nhà thờ Huyện Sỹ đến nhà thờ Hạnh Thông Tây, phải mất gần 1 tiếng đồng hồ, cho thấy quy mô đất đai của Huyện Sỹ lớn như thế nào.
Theo Sơn Ca/Người Đưa Tin

>> xem thêm

Bình luận(0)