Đại Tống hoang mang không dám nhận kỳ lân của nước Đại Việt cống

Google News

Vua Lý Thánh Tông của nước Đại Việt sai sứ sang Trung Quốc cống lễ vật thể hiện sự bang giao, trong đó có một con vật được cho là kỳ lân trong truyền thuyết. Triều đình nước Tống lúc đó đã yêu cầu sứ giả mang về.

Kỳ lân là con vật trong truyền thuyết, người Trung Quốc xưa tin rằng bắt được lân là điềm báo hiệu đất nước thái bình. Tuy là truyền thuyết, nhưng lân được mô tả trong sách cổ; Phù Thụy Đồ đời Hán chép "Lân là thú có lòng nhân, thân hình giống như con quân, đuôi trâu, 1 sừng, cuối sừng có thịt." Hán Việt Tự điển Thiều Chửu ghi quân là con chương; mà không giải thích rõ chương là con vật như thế nào. Sách Nhĩ Nhã 1 chép "con quân, lớn như con nai, có 1 sừng".

Dai Tong hoang mang khong dam nhan ky lan cua nuoc Dai Viet cong

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nước ta chép việc cống lân vào đời vua Lý Thánh Tông năm Đinh Dậu [1057] như sau:

Sai sứ đem con thú lạ sang biếu nhà Tống nói là con lân. Tư Mã Quang nói: "Nếu là con lân thực mà đến không phải thời cũng chẳng lấy gì làm điềm tốt, nếu không phải lân, thì làm cho người phương xa chê cười. Xin hậu thưởng rồi bảo đem về".

Sử liệu chứng tỏ triều đình ta đã tham khảo các sách nêu trên, biết chắc rằng con vật có trong tay chỉ là con thú lạ có một vài điểm giống lân; nên nói là con kỳ lân rồi đem sang biếu Trung Quốc. Hai con vật lạ vừa là món quà giao hảo của nước Đại Việt, vừa là cuộc chơi về tri thức.

Tư Mã Quang là Tể tướng của nhà Tống, cũng là tác giả Tư Trị Thông Giám. Tầm cỡ Tư Mã Quang, tượng trưng cho trí thức của Trung Quốc lúc bấy giờ, qua trích dẫn, cũng không xác quyết được con vật nước Đại Việt cống là con gì.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư không mô tả con vật lạ, nhưng Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên của Lý Đào đời Tống, ghi rõ ngày tháng đến cống và chi tiết như sau:

Ngày Đinh Mão tháng 6 [21/7/1058], Giao Chỉ cống 2 thú lạ. Lúc đầu nước này xưng cống lân, hình dáng giống như trâu nước, thân che bởi giáp thịt, cuối mũi có sừng, ăn cỏ hoặc trái dưa; phải đánh trước rồi mới cho ăn.

Dai Tong hoang mang khong dam nhan ky lan cua nuoc Dai Viet cong-Hinh-2

Nếu so sánh con vật Đại Việt cống với con lân mô tả trong truyền thuyết, chúng chỉ giống nhau ở chỗ đuôi trâu và có 1 sừng; nên khi đưa con vật trình lên triều đình, viên Khu mật sứ Điền Huống dựa vào lời tâu của viên quan châu Nam Hùng [Nam Hùng thị, Quảng Đông] để phản đối, vì e rằng bị lừa dối:

Hôm qua Thiêm phán châu Nam Hùng Đồn điền viên ngoại lang Tề Đường tâu con thú này so với những điều trong sách sử chép thì không giống; sợ không phải là kỳ lân, như vậy triều đình sẽ bị man di lừa dối.

Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên

Lại có Tri Kiền Châu [Cống Châu thị, Giang Tây] Tỷ bộ lang trung Đỗ Thực căn cứ vào lời người ngoại quốc đến giao thiệp với Trung Quốc tại Quảng Châu [Quảng Đông] để phản biện. Người ngoại quốc, Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên gọi là phiên; sau khi xem qua con vật này do Sứ giả nước ta trên dường đi cống ghé qua Quảng Châu [Quảng Đông], khẳng định rằng đó là con tê giác trên núi. Đỗ Thực chấp nhận lời nói đó, cùng trưng lên các lập luận từ các sách; để khuyên triều đình trong văn thư trả lời nước ta, không gọi đó là kỳ lân chỉ gọi là con thú lạ, để khỏi bị mắc lừa:

Tại Quảng Châu từng nghe viên Thương biện Phiên [ngoại quốc] nói rằng: "đó chỉ lá sơn tê [tê giác trên núi] mà thôi". Kính cẩn xét Phù Thụy Đồ chép lân là con thú có lòng nhân, thân mình giống như con quân, đuôi trâu, một sừng, cuối sừng có thịt. Nay Giao Chỉ hiến không có thân hình như con quân, mà có giáp; biết rằng nó không phải là lân, nhưng không biết tên là con gì. Trước kia vào cuối đời Tống Thái Thủy, Vũ Tiến đưa ra một con thú có 1 sừng, đầu giống dê, cánh giống rồng, chân ngựa, các phụ lão không biết giống gì; như vậy vật lạ tại trung nguyên cũng có. Sách Nhĩ Nhã chép con quân, lớn như con nai, có 1 sừng… Quảng Chí ghi rằng chi xem như lân, da có giáp lân; trông thì cũng gần giống, nhưng hình thể lại như trâu, lại sợ rằng không phải. Bởi vậy các quan ở ngoài triều, mấy lần dâng tấu chương tranh biện. Vậy phải chăng triều đình muốn cho nước di xa xôi hưởng lợi trong việc triều cống, để ràng buộc; thì cũng không nên nói là có được lân rồi cho đó là điềm lành. Hãy xin tuyên dụ cho Tiến phụng sứ Giao Chỉ, cùng ban chiếu chỉ hồi đáp rằng được phụng tiến thú lạ, nhưng không nói là kỳ lân, đủ để cho thói tục lạ không lừa được ta; cũng không mất ý nghĩa triều đình hoài nhu với nước xa xôi.

Cuối cùng thì triều đình quyết định gửi chiếu thư cho Vua nước ta, chỉ dùng chữ thú lạ, chứ không phải là con lân:

Bèn ban chiếu chỉ nói là thú lạ thôi.

Sự việc tưởng là xong, nhưng lúc Sứ thần nước ta mang chiếu thư trở về nước, qua Quảng Châu, lại có dự mưu bắt giữ lại. Bấy giờ viên An phủ sứ Quảng Tây Tiêu Chú, mấy lần mang quân tuần tiễu tại biên giới, xúi giục các dân tộc thiểu số tại các khe động sinh sự. Triều đình nước ta chủ trương tiên lễ hậu binh, một mặt sai Sứ ngoại giao, một mặt mang quân đến biên giới đánh phá. An phủ sứ Tiêu Chú bất lực trước sức mạnh quân ta, bèn tỏ ra đê hèn xin triều đình bắt giữ phái đoàn nước ta lúc đó mới về đến Quảng Châu, để đòi hoàn lại người và chiến lợi phẩm do quân ta tịch thu. Sự việc được phản ảnh qua tờ tâu của Tiêu Chú như sau:

Ngày Giáp Tuất [25/3/1059], Quảng Tây An phủ sứ đô giám Tiêu Chú tâu:

Giao Chỉ cướp phá các động Tư Lẫm, Cổ Sâm, Thiếp Lãng [đều tại Khâm Châu, Quảng Tây]; cướp người và súc vật tại 19 thôn, không biết bao nhiêu mà kể, muốn xuống Quảng Châu giữ lại người tiến phụng thú lạ; đợi khi lấy lại được người và súc vật bị cướp, mới cho trở về. Nếu không tuân mệnh, tức mang quân đánh sâu vào.

Triều đình Trung Quốc biết rằng An phủ sứ Tiêu Chú là kẻ gây rắc rối bang giao Việt Trung; bởi vậy không những không chấp thuận làm khó khăn phái đoàn cống thú lạ của ta, mà lại còn giáng chức Tiêu Chú. Riêng viên Chuyển vận sứ Lý Sư Trung cho rằng giảng chức còn nhẹ, tội Chú đáng phải xử chém:

Chú tham ô ngăn trở ra uy, dụ bắt 5 tôi tớ bị thiến của Nùng Trí Cao về làm nô tỳ, tự tiện điều động đinh tráng trong khe động tìm vàng, thu hoạch được không ghi vào sổ sách, gây chuyện rắc rối cho quốc gia, xét theo pháp luật đáng tội chém. Nay chỉ giáng một cấp, từ Đô Giám làm Kiềm Hạt, không biết lấy danh nghĩa nào mà quyết định như vậy.

Qua văn bản nêu trên về con thú lạ với các chi tiết như: "hình dáng giống như trâu nước, thân che bởi giáp thịt, cuối mũi có sừng, ăn cỏ hoặc trái dưa"; khiến người viết liên tưởng đến tấm hình con tê giác [gọi là tê ngưu đúng hơn] trong bài báo nhan đề "TÊ GIÁC 1 SỪNG CUỐI CÙNG TRÊN THẾ GIỚI Ở VIỆT NAM TUYỆT CHỦNG NHƯ THẾ NÀO"?

Dai Tong hoang mang khong dam nhan ky lan cua nuoc Dai Viet cong-Hinh-3

Bài báo cho biết con tê ngưu sống tại rừng già Cát Lộc tỉnh Lâm Đồng, gần Vườn Quốc Gia Cát Tiên, bị bắn chết vào cuối tháng 4/2010. Con tê này trông hình cũng giống con trâu nước, đuôi giống đuôi trâu, có 1 sừng, da cũng nỗi lên giáp thịt; tại đây nó thường ăn đọt mây măng tre, cũng tương tự với "ăn cỏ hoặc trái dưa". Phải chẳng con tê này là hậu sinh của con thú lạ, hay kỳ lân mà triều đình nước ta đã biếu nhà Tống 1000 năm về trước? Người viết bài này thiếu kiến thức chuyên môn nên không dám quyết đoán; vậy xin mời các chuyên gia về động vật cho biết ý kiến.

Theo Tri Thức

>> xem thêm

Bình luận(0)