Chuyện “hài-hãi” ở những tộc người “sợ ma” nhất VN

Google News

(Kiến Thức) – Người Khùa “sợ ma” thuộc loại đệ nhất thiên hạ. Đây cũng là xứ sở của cọp, beo, sói đỏ… nhưng người dân sợ nhất là... “ma”. 

Không sợ cọp, sói, chỉ sợ... "ma"

Một vài dân tộc ít người nhất Việt Nam như người Khùa, người Mày, người Sách, người Mã Liềng… vùng Tây Quảng Bình, giáp biên giới Lào nằm dưới dãy Giăng Màn đến nay vẫn còn tin vào những truyền thuyết, lời nguyền từ xa xưa và “sợ ma” một cách kỳ lạ.

Ông Hồ Thoong, Trưởng bản Ka Roong kể rằng, người Khùa ai cũng “sợ ma” hết và khẳng định Chủ tịch xã Dân Hoá – anh Hồ Tân, huyện Minh Hoá là người “sợ ma” nhất xã. Ông Thoong thuật lại: “Nó đi ngang qua chỗ rừng ma ở Y Leeng ban đêm. Hắn sợ quá bỏ xe, chạy thục mạng ngã vật xuống nhà tôi nói không ra tiếng. Hắn thở hồng hộc cả tiếng đồng hồ mới bảo là mới đi qua rừng ma… Sợ! Hắn ngủ luôn nhà tôi mới vừa về đó…”.

  Theeng theeng thờ “ma xó” ở góc nhà người Khùa.

Đây cũng là xứ sở của cọp, beo, sói đỏ… nhưng người dân sợ nhất là... “ma”. Khách lạ vào nhà, không biết phong tục, chỉ cần mắc màn để ngủ là bị phạt bò, trâu rất nặng và đuổi đi ngay trong đêm cho… “ma” bắt. Việc mắc màn thuộc loại đại kỵ vì họ cho rằng, “con ma” thấy mắc màn là nhảy vô nhà ngủ liền.

Để chống lại “ma”, người Khùa chia sẻ kinh nghiệm duy nhất là bằng cách đi rừng nhiều người. 

Vì “sợ ma” nên các nghi thức cúng bái, tang lễ ở tộc người này diễn ra khá nhanh và đơn giản. Thông thường, người chết được đưa đi chôn ngay trong ngày. Nếu chết bất đắc kỳ tử, việc chôn cất càng nhanh, có khi chết giờ trước giờ sau họ đưa đi chôn ngay. Họ bó xác người chết trong chiếu, hoặc trong quan tài ghép sơ sài bằng ván, khiêng vào rừng và mang theo hai quả trứng gà. Quả trứng đầu tiên ném xuống nếu không vỡ, chứng tỏ “ma” không thích ở chỗ đó, phải tìm vị trí khác. Thế nhưng, thông thường, quả trứng đầu tiên bao giờ cũng đúng vị trí.

Sau khi tìm được chỗ, họ mau chóng lấp người chết, có khi còn lộ ra trên mặt đất và sau đó cắm đầu bỏ chạy thục mạng, vừa chạy vừa la ré hoảng hốt, không dám quay mặt lại hướng đã chôn người chết vì sợ “con ma” nó chạy theo về nhà. Có những đám ma, nhiều thanh niên trai tráng đi đào huyệt mà đào đến nửa chừng thì bỏ chạy vì không chịu đựng được sự sợ hãi. Tất cả những người khác lấp đất xong là kéo nhau “chạy như ma đuổi”. Cả đời, người Khùa không hề thăm mộ người thân. Khu rừng đó trở thành “rừng ma”, không ai dám đặt chân vào.  

Trong bất cứ ngôi nhà nào của người Khùa, người Mày, người Sách... cũng có chỗ “thờ ma”. Đó là nơi không ai được phép xâm phạm, gọi là chỗ cấm, thờ “ma xó”. Chỗ thờ “ma xó” nằm ở một góc khuất phía cuối căn buồng, được đánh dấu bằng một vài cành cây kiểu như vòng ngụy trang. Nhiều người dân nơi đây cũng không biết rõ, “ma xó” là ma gì nhưng cho rằng ma xó thiêng và đáng sợ lắm.

Nỗi sợ hãi của người dân bản là có thực, nhưng cũng chỉ đơn thuần là một niềm tin của người dân nơi đây, còn có “ma” thật hay không, hình thù “con ma” cụ thể như thế nào thì chẳng ai chứng thực.

Sơn nữ xinh đẹp bị cho là... hiện thân của quỷ

Một số tộc người ở vùng rừng núi phía Bắc đến nay vẫn còn truyền tai những câu chuyện rùng rợn về “ma cà rồng”. Chuyện đầy hoang đường nhưng đã khiến rất nhiều thiếu nữ xinh đẹp vùng sơn cước suốt đời mang nỗi oan khuất, tủi hờn.

Trong suy nghĩ của những người dân một số nơi thuộc tỉnh Lai Châu, Tuyên Quang, Sơn La..., “ma cà rồng” là thứ rất rùng rợn và đáng sợ. “Ma cà rồng” đêm đêm lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm, rình nhà nào sơ hở là vào hút máu người. Ai bị “ma cà rồng” hút máu sẽ bị bệnh vàng da rồi chết. Ngày chúng là người, đêm chúng biến thành những hình thù kỳ quái, ghê rợn. “Ma cà rồng” là những bóng sáng xanh chập chờn lang thang khắp nơi để ăn xác thối và hút máu người. Đã thành thông lệ, người dân nơi đây đêm xuống là cửa đóng then cài, hạn chế không ra đường bởi lẽ có thể bị “ma cà rồng” tấn công.
 
 Người Thái trồng loài cây này để đuổi "ma cà rồng".  

Từ bao đời nay, người dân tộc Tày vẫn nói với nhau rằng, “ma cà rồng” thường hóa thân vào các cô gái đẹp, da trắng như trứng gà bóc, môi đỏ như máu, tóc đen chảy dài xuống lưng. “Ma cà rồng” chẳng bao giờ chết. Mỗi lần người “bị ma nhập” chết đi ấy là một lần “ma cà rồng” lột xác. Lột xác 7 lần thì “ma cà rồng” có thêm một chiếc sừng. Có thêm một chiếc sừng thì “ma” thoát xác 63 lần (trên đầu có 9 cái sừng) lúc ấy “con ma” hấp thu đủ linh khí tam tài, công lực trở nên vô cùng thâm hậu, biến hóa muôn hình vạn trạng. Lúc ấy chỉ cần “ma” nhìn ai thì người đó sẽ phải… chết.

 Rất nhiều cô gái xinh đẹp người Tày bị cho là hiện thân của “ma cà rồng”. (Ảnh minh họa)

Nhiều người dân bản quả quyết đã từng thấy “ma cà rồng” và kể lại rằng, chúng biến hóa rất khôn lường. Mỗi khi, trong bản có ai bị ốm nặng, người dân lại cho rằng, bệnh nhân bị “ma cà rồng” cắn. Với họ, chỉ có một cách duy nhất phát hiện bệnh nhân bị “ma cà rồng” cắn, đó là dùng một loại lá rừng xát vào người và vết chân răng của con ma sẽ hiện lên.

Những câu chuyện hoang đường kể trên được dân bản truyền tai nhau, theo đó, một số người bị dân bản nghi là “ma cà rồng” cũng sẽ bị cả bản xa lánh, cô lập, trọn đời, trọn kiếp phải chịu muôn vàn tiếng xấu. Tuy vậy, lãnh đạo các địa phương này khẳng định, chưa có ai thực sự nhìn thấy “ma cà rồng”. Các cán bộ địa phương vẫn tích cực tuyên truyền, khẳng định không có “ma cà rồng” và họ hy vọng rằng, những suy nghĩ mê tín này không lâu nữa sẽ trở thành quá khứ.

TIN BÀI LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Anh Tuấn (tổng hợp)

Bình luận(0)