Vợ trở về tá hỏa vì chồng làm đám cưới với người khác

Google News

5 năm lao động khổ cực bên xứ người, gửi tiền về cho chồng nuôi con, xây nhà nhưng ngày về nước, tôi nghẹn lòng chứng kiến anh ta đang tổ chức đám cưới rình rang với người phụ nữ khác.

Tôi và chồng quen nhau từ ngày học cấp ba, gần nhà, nên tình cảm nhanh chóng nảy nở. Sau một lần không làm chủ được bản thân, tôi dính bầu. Chưa kịp học xong lớp 12, tôi lên xe hoa về nhà chồng.
Cuộc sống đôi vợ chồng trẻ và đứa con gái nhỏ cứ thế yên bình trôi qua, dẫu nghèo khó nhưng đầm ấm.
Vo tro ve ta hoa vi chong lam dam cuoi voi nguoi khac
Ảnh: Yandex 
Một năm sau ngày cưới, biến cố xảy đến với gia đình. Chồng tôi bị bạn bè rủ rê, ham mê trò đỏ đen trên chiếu bạc. Đến khi nợ nần, anh đã bán căn nhà trả bớt nợ.
Bố chồng không chịu được cú sốc, lên cơn đột quỵ rồi qua đời. Chúng tôi đưa mẹ chồng về mảnh đất nhỏ trong làng dựng căn nhà tạm sinh sống. Mảnh đất này là của bố mẹ đẻ tôi cho ngày mới lấy chồng.
Khó khăn chồng chất, hai vợ chồng quần quật quanh năm ngoài đồng ruộng, chăn nuôi vẫn không đủ ăn. Chủ nợ đến nhà liên tục, có con lợn nuôi, chờ cuối năm xuất chuồng, họ cũng đến siết. Mệt mỏi, chán nản, có lúc tôi cảm thấy cuộc sống vô cùng mịt mù.
Thế rồi năm đó, ở xã có chế độ cho chị em phụ nữ vay vốn đi xuất khẩu lao động. Thấy đây là cơ hội cho mình đổi đời, giải quyết bế tắc, tôi bàn với chồng đăng ký tham gia.
20 tuổi, tôi để con ở nhà cho anh, lên đường sang xứ người làm thuê. Trước ngày tôi bay, chồng động viên, hứa hẹn, bảo vợ yên tâm làm ăn còn mình sẽ chăm sóc nhà cửa, con cái.
Tôi ôm chồng con, bịn rịn, lưu luyến. Nghĩ tới tháng ngày phải xa gia đình, lòng tôi thắt lại, trái tim như đang có ai bóp nghẹt.
Quãng thời gian xa chồng con, tôi tập trung làm lụng, cày cuốc, cóp nhặt từng đồng gửi về nhà cho chồng nuôi con và trả nợ.
Mỗi lần gọi sang chồng đều bày tỏ sự nhớ nhung, mong ngóng. Thấm thoắt 3 năm trôi qua, gần đến ngày tôi hết hạn hợp đồng, trở về nước.
Chồng gọi sang thông báo, số nợ đã thanh toán xong xuôi, anh khuyên tôi gia hạn hợp đồng, làm thêm 2 năm nữa, kiếm chút tiền xây nhà. Thấy chồng nói có lý, tôi tiếp tục ở lại. Nhờ đó, chồng tôi ở nhà xây được căn nhà 2 tầng khang trang, tiện nghi.
Trước khi về nước, tôi cũng tiết kiệm thêm được một số tiền, dự định mang về sắm sửa đồ đạc, mua xe máy và kinh doanh.
Tôi cẩn thận mua quà tặng cho mẹ chồng và mọi người trong họ. Nghĩ đến ngày đoàn tụ cùng gia đình, lòng tôi háo hức vô cùng.
Vì vậy, khi kết thúc hợp đồng sớm hơn dự định 5 ngày, tôi vội đổi vé về Việt Nam. Máy bay vừa đáp xuống phi trường, tôi không thông báo cho chồng mà hối hả thuê xe ô tô, đi thẳng về quê.
Đến cổng nhà, tôi thấy nhạc xập xình, phông rạp bắt mắt, đoàn xe ô tô dán chữ song hỷ xếp hàng dài.
Bên trong, tiếng MC đám cưới vang lên, chúc phúc cho đôi vợ chồng. Tôi chết lặng khi thấy người chồng đầu ấp tay gối của mình làm chú rể. Nhìn quanh, tôi không thấy mẹ chồng ở đó.
Tôi tức giận, lao vào giữa đám cưới. Mọi người thấy tôi về bất ngờ chợt im bặt. Trước mặt quan khách, yêu cầu chồng giải thích rõ ràng mọi chuyện.
Vào tình thế đó, chồng tôi lớn tiếng, khẳng định mình đang lấy vợ. Hai người đã đăng ký kết hôn cách đây một tháng.
Anh ta cho biết, trước đây chúng tôi lấy nhau còn trẻ, không đăng ký nên mối quan hệ vợ chồng không được pháp luật công nhận. Cô dâu hôm nay anh ta lấy mới là vợ chính thức.
Bị chồng đối xử tệ bạc, tráo trở, tôi giơ tay tát anh ta rồi yêu cầu họ dừng đám cưới, rời khỏi ngôi nhà của mình. Chồng tôi trắng trợn tuyên bố, căn nhà này anh ta xây, người rời đi phải là tôi.
Thế nhưng, chồng tôi quên mất một điều, mảnh đất dựng nhà do bố mẹ cho nhưng tôi chưa kịp sang tên thì đi lao động nước ngoài. Hiện giờ tài sản đó vẫn đứng tên ông bà, anh ta không có quyền được hưởng.
Tôi kiên quyết đuổi chồng ra khỏi nhà, yêu cầu chính quyền đến làm rõ trắng đen. Nghe vợ nói, chồng tôi tái mặt. Sau đó, đám cưới bị dừng giữa chừng, nhà gái lục đục lên xe, đưa cô dâu ra về.
Tôi nhanh chóng cho người đến thu dọn tàn tích, đi đón mẹ chồng. Hóa ra bà không chấp nhận hành động của con trai, bỏ sang nhà em gái ở mấy tháng nay.
Thương mẹ chồng già yếu, tôi vẫn chăm sóc, phụng dưỡng nhưng nhất định không tha thứ cho gã chồng tệ bạc. Nhiều lần anh ta trơ trẽn, xin vợ được quay về nhà. Thế nhưng tôi từ chối.
Cô vợ mà anh ta cho là danh chính ngôn thuận cũng đã gửi đơn ly hôn ra tòa án.
5 năm trời lao động khổ cực bên xứ người, gửi tiền về cho chồng nuôi con, xây nhà nhưng ngày về nước, tôi nghẹn lòng chứng kiến anh ta đang tổ chức đám cưới rình rang với người phụ nữ khác. Sự phản bội đó như vết sẹo, khiến tôi đau đớn mãi không nguôi.
Mẹ chồng biết con trai mình sai, bà không dám trách cứ gì con dâu nửa lời. Đêm đêm, bà chỉ nén tiếng thở dài đầy buồn bã ...
Theo H.Anh/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)