Sai lầm chết người khi sử dụng đồ uống trong ngày Tết

Google News

Đưa chén cho người khác rót, uống cho bằng bạn bè cùng mâm, uống thuốc vẫn uống rượu…là những sai lầm “chết người” mà nhiều người mắc mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Ths. Lưu Liên Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết có rất nhiều thói quen sai lầm mà người dân mắc phải khi sử dụng đồ uống trong những ngày Tết.
Đầu tiên phải kể đến là việc uống rượu bia khi bụng rỗng. Việc làm này có thể làm tăng tạm thời hàm lượng cồn trong máu ngay khi lượng rượu, bia này được hấp thu.
“Khi bụng bạn rỗng, lượng cồn có trong rượu bia sẽ được hấp thu nhanh hơn và do vậy bạn cũng sẽ say nhanh hơn. Để dự phòng tình trạng này, hãy ăn một bữa ăn đầy đủ, cân bằng trong suốt cả ngày, trước khi bạn đi tiệc tùng và đảm bảo rằng, bạn đã ăn nhẹ thứ gì đó trước khi uống”, Ths Liên Hương nói.
Sai lam chet nguoi khi su dung do uong trong ngay Tet
Lưu ý khi sử dụng đồ uống trong ngày Tết (Ảnh minh họa). 
Sai lầm tiếp theo là không uống nước giữa những lần uống đồ có cồn. Rượu bia có thể khiến cơ thể bị mất nước và khiến bạn đi tiểu nhiều hơn. Khi bạn không bù đủ lượng nước đã bị mất đi, cơ thể sẽ bị mất nước nhanh hơn và nếu trong ngày tiếp theo, bạn tiếp tục uống rượu thì nguy cơ say xỉn của bạn sẽ cao hơn.
Do đó, uống nước giữa những lần uống rượu cũng là cách làm giảm lượng rượu, bia mà bạn tiêu thụ và nhắc nhở bạn nên ăn thêm và không để bụng quá đói. Để tránh tình trạng say xỉn, cách tối ưu là bạn để sẵn cốc nước bên cạnh, hoặc có thể uống thêm canh chua nếu có sẵn ở trên bàn ăn…
Một sai lầm khác cũng khá phổ biến trong bữa tiệc đó là việc đưa ly của bạn cho người khác rót.
Theo Ths Liên Hương, mặc dù đây là một hành động lịch sự khi đi ăn uống (nhậu), nhưng việc này sẽ khiến bạn nhanh chóng mất kiểm soát về việc bạn đã uống bao nhiêu. Do vậy, cách tốt nhất là bạn hãy tự rót cho mình và chỉ rót với lượng mà mình có thể uống được.
Hơn nữa, tửu lượng của mỗi người là khác nhau, nhưng trong những ngày lễ Tết, khó lòng tránh khỏi việc nâng ly và uống cùng một lượng rượu bia tương đương với những người cùng mâm (trong khi tửu lượng của bạn kém hơn).
“Giống như việc uống thuốc, để đạt được cùng một tác động, người này chỉ cần uống một lượng nhỏ, nhưng với người khác sẽ cần uống một lượng nhiều hơn.
Do vậy, nếu bạn của bạn có tửu lượng tốt hơn, thì việc họ uống được nhiều hơn bạn là chuyện bình thường, nhưng nếu bạn uống bằng với họ, thì khả năng bạn bị ngộ độc sẽ cao hơn, trong khi có thể họ chưa bị làm sao cả”, Ths Liên Hương nói.
Đáng lưu ý, đừng nên uống đầy ly đối với bất cứ loại đồ uống nào. Bởi theo các chuyên gia, nếu bạn đang uống rượu vang đỏ, việc uống đầy 1 ly sẽ tương đương với việc uống 2 ly.
Nếu bạn đang uống các loại rượu mạnh, bạn chỉ nên uống đầy ly khi rượu đã được pha loãng với các loại nước khác. Điều quan trọng nhất là bạn phải ý thức được khẩu phần thực sự của mình.
“Bạn uống 2 ly đầy không thể được tính tương đương như 2 ly thông thường được. Do đó, bạn cần phải luôn ý thức được về việc bạn đang uống loại đồ uống gì và uống bao nhiêu”, Ths Liên Hương nhấn mạnh.
Điều này lý giải, không phải tự nhiên mà với mỗi loại đồ uống lại phải sử dụng một loại ly/cốc riêng. Các loại đồ uống có nồng độ cồn cao như rượu mạnh (scoth hay whiskey) thường được uống trong ly nhỏ hơn. Nếu bạn sử dụng ly to để uống rượu mạnh, thì việc uống 1 ly lớn trên thực tế sẽ tương đương với việc uống 2-3 ly tiêu chuẩn. Nếu bạn không thể đổi ly khác, thì bạn hãy đảm bảo rằng bạn chỉ uống rượu mạnh với lượng tương đương một lần rót.
Một điều sai lầm tiếp theo mà nhiều người mắc phải đó là việc uống thuốc và uống rượu. Dù cho bạn đang phải uống thuốc nhưng “mải vui”, “cả nể” bạn vẫn uống “vài ly”. Đây là điều không nên bởi việc uống rượu khi đang uống thuốc, tuỳ theo từng loại thuốc mà bạn đang uống có thể gây ra những tác dụng không mong muốn như làm giảm tác dụng của thuốc hoặc gây viêm, loét dạ dày …
Điều đáng lo ngại là khi say rượu, rất nhiều người nghĩ rằng “mình chưa say” và vẫn tiếp tục lái xe. Điều này là nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn giao thông đau lòng trong những ngày Tết.
“Kể cả khi bạn cảm thấy rằng mình chưa say, nhưng một khi đã sử dụng rượu bia thì bạn không lái xe nữa. Nhìn chung, sẽ mất khoảng 1 giờ để cơ thể tiêu hoá 30ml cồn. Do vậy, kể cả khi bạn cảm thấy mình rất ổn và có thể lái xe nhưng bạn lại uống 3 ly trong khoảng 1 giờ trước khi ra xe thì nồng độ cồn trong máu của bạn vẫn sẽ cao và vẫn sẽ bị phát hiện khi bị cơ quan chức năng kiểm tra”, Ths Liên Hương nhấn mạnh.
Theo Minh Châu/Infonet.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)