Phương pháp mới: Phá hủy khối u gây tắc nghẽn khí quản

Google News

Tắc nghẽn nội khí quản do u lành tính hay ác tính, có thể dẫn đến viêm phổi, xẹp phổi, suy hô hấp và tử vong.

- Tắc nghẽn nội khí quản do u lành tính hay ác tính, có thể dẫn đến viêm phổi, xẹp phổi, suy hô hấp và tử vong. Trong phần lớn các trường hợp, cắt bỏ tổn thương gây tắc nghẽn là không thể thực hiện được. Phá bỏ hoàn toàn khối u để làm thông thoáng đường thở là phương pháp điều trị giảm nhẹ thích hợp cho những bệnh nhân này.

Đốt u phổi bằng sóng cao tần (RFA).
Đốt u phổi bằng sóng cao tần (RFA).
Các kỹ thuật điều trị giảm nhẹ hiện đang được áp dụng tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TPHCM gồm: Điều trị áp lạnh (cryotherapy), nhiệt đông cao tần (electrocautery) thông qua nội soi phế quản ống mềm hay ống cứng.
 
Chọn lựa phương tiện để thực hiện tùy thuộc mức độ tắc nghẽn đường thở do u nội phế quản, khả năng dung nạp gây mê toàn thân của bệnh nhân và kinh nghiệm của thủ thuật viên soi phế quản.
 
Phương pháp soi phế quản ống cứng có giá trị đối với u nội phế quản kích thước rất lớn, bệnh nhân có nguy cơ xảy ra suy hô hấp, vì vậy ưu tiên trong những trường hợp lâm sàng này là kiểm soát nhanh tình trạng chảy máu và nhu cầu phá huỷ nhanh u nội phế quản để làm thông thoáng đường thở, đảm bảo thông khí tốt.
 
Kỹ thuật soi phế quản ống mềm có thể thực hiện an toàn dưới gây tê tại chỗ, có giá trị nhất trong những trường hợp u nội phế quản nằm ở vị trí ngoại biên hơn.

Nhiệt đông cao tần sử dụng dòng điện để tạo nhiệt và phá hủy mô, phá hủy nhanh khối u trong vài giây, vì thế đây là biện pháp hợp lý để làm giảm tình trạng suy hô hấp sắp xảy ra.
 
Nghiên cứu tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TPHCM cho thấy, kỹ thuật nhiệt đông cao tần phá hủy và làm thông thoáng hoàn toàn đường thở cho 92,9% bệnh nhân và làm giảm nhẹ triệu chứng khó thở trong 100% trường hợp.

Áp lạnh sử dụng N2O để tạo lạnh phá hủy mô sống là một kỹ thuật đơn giản, không biến chứng, khung phế quản được bảo tồn. Hoại tử hoàn toàn mô đạt được sau 8 - 10 ngày.
 
Áp lạnh được chỉ định để điều trị những tổn thương thâm nhiễm, những u dạng chồi khí phế quản không có yêu cầu điều trị cấp cứu, những ung thư phế quản tại chổ hay vi xâm lấn. Tai biến do điều trị áp lạnh trong lòng đường dẫn khí ít xảy ra hoặc không đáng kể.

Trong ung thư phế quản, cả áp lạnh và nhiệt đông cao tần có thể có sự cộng hưởng hiệu quả khi kết hợp với xạ trị, có thể có hiệu ứng hiệp đồng khi sử dụng điều trị kết hợp áp lạnh với hoá trị hoặc xạ trị.
 
BSCK II Nguyễn Hữu Lân (Phó Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TPHCM)

Bình luận(0)