Nữ bác sĩ tức nghẹn vì bị chỉ trích nuôi con hay ốm

Google News

Theo BS Nguyễn Tiến Dũng, trẻ ốm là do hai yếu tố, thứ nhất cơ thể trẻ yếu, thứ hai yếu tố môi trường cực kỳ quan trọng.

Chiều 16/1, tại Toạ đàm về “Để nuôi con không phải cuộc chiến" cùng Nhã Phương và các chuyên gia hàng đầu, PGS Nguyễn Tiến Dũng nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ từ ngày xưa khi mới bước vào chuyên ngành nhi, ông đã được dạy nhi khoa là cái bếp đi trước, tủ thuốc đi sau. Từ câu nói này vô cùng khái quát vai trò nuôi dưỡng đối với trẻ nhỏ.

PGS Dũng chia sẻ, hàng ngày ông gặp cả chục những câu hỏi tại sao con em hay ốm, tại sao con em cũng nuôi như nhà hàng xóm mà con nhà em ốm liên miên. Đặc biệt, ông chia sẻ câu chuyện của một nữ bác sĩ đưa con đến khám trong tình trạng bé ốm, mũi khụt khịt. Bà mẹ nói chuyện với giọng rất bức xúc, tức nghẹn vì chị luôn bị nói: “mang tiếng mẹ là bác sĩ mà con dặt dẹo hay ốm đau”.

Bà mẹ trẻ này tức vô cùng khi mỗi lần bị chồng, gia đình nhà chồng lôi ra so sánh với bà hàng xóm chỉ bán hàng xén nhưng nuôi con khéo, còn chị dù là bác sĩ có kiến thức về sức khoẻ nhưng con vẫn ốm, yếu. Bà mẹ bất lực chỉ muốn bác sĩ tìm hiểu vì sao chị nuôi con lại hay ốm, yếu.

Nu bac si tuc nghen vi bi chi trich nuoi con hay om
PGS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ vì sao trẻ hay ốm.

PGS Dũng cho biết khi tìm hiểu các nguyên nhân, môi trường sống xung quanh, gia đình, nhà cửa ánh sáng hay ẩm thấp, bác sĩ tìm ra thủ phạm khiến con của nữ bác sĩ này hay ốm đau đó là ông bố nghiện thuốc lá. Mỗi ngày ông bố hút cả bao thuốc rồi mùi thuốc lá ám từ trong nhà tới quần áo, đồ dùng. Đây là một trong những tác nhân khiến trẻ hay ốm nhưng ít được để ý.

Cùng với khói thuốc lá, PGS Dũng cũng cảnh báo sai lầm nữa mà rất nhiều bà mẹ mắc phải đó là nuôi con nhỏ, song trong gia đình luôn thắp hương. Có cháu bé 1,2 tuổi sống cùng ba mẹ và ngày nào cũng hít khói hương từ ban thần tài của gia đình. Nếu hít khói hương, trẻ không những nhiều bệnh viêm mũi họng đi cùng mà trong tương lai nguy cơ mắc các bệnh mãn tính khác.

Một đứa trẻ sinh ra hoàn toàn bình thường và trong quá trình nuôi dưỡng nếu môi trường không tốt thì trẻ có nguy cơ mắc nhiều bệnh. Hiện nay, theo ông Dũng có cuộc chiến nuôi con đó là con của họ luôn bị so sánh với con của người khác hay có những bà mẹ đưa con tới bác sĩ tâm sự cảm thấy tủi thân vì mỗi lần đưa con về nhà ngoại con lại ốm trong khi ở nhà nội trẻ không ốm. Hỏi ra, lý do đơn giản chỉ là ở nhà bà ngoại nhà ống, chật hẹp, không có ánh sáng lại thêm ông ngoại hút thuốc. Đây là lý do khiến trẻ ốm và nhà ngoại cứ mang tiếng như vậy.

Chia sẻ tại buổi toạ đàm, diễn viên Nhã Phương cũng tâm sự có lúc chị đã bị trầm cảm vì con gái nuôi không chịu lớn rồi bị so sánh với con nhà người này, người kia. Diễn viên Nhã Phương cho biết cô sinh con gái trong 6 tháng đầu đời nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, con ăn tốt nhưng không tăng cân. Sau đó, Nhã Phương cũng khổ sở đi tìm các thực phẩm khác như sữa công thức để phù hợp với con nhưng con vẫn chỉ thích ti mẹ, bé khoẻ và không tăng cân nên nhiều người nhìn vào bé “quở” sao bé còi dí.

Trong cuộc chiến nuôi con, diễn viên Nhã Phương cho biết nếu không được sự chia sẻ của người thân và có thêm kiến thức từ công nghệ 4.0 chắc cô đã rơi vào trầm cảm. Việc tìm sữa cho con cũng không dễ vì bé ăn không tăng cân lại táo bón. Có vị sữa cô thích nhưng con lại không ăn. Nhã Phương còn nếm thử cả sữa của mình để tìm hiểu vì sao con thích sữa mẹ. Sau này, Nhã Phương cho con sử dụng sữa non nên bé tăng cân tốt hơn, có da thịt hơn. Nghĩ lại lúc nuôi con còi cọc bị so sánh với con nhà này, nhà kia, Nhã Phương vẫn thấy sợ.

Khi nuôi dưỡng trẻ, dinh dưỡng rất quan trọng và nó quyết định yếu tố “yếu hay khoẻ” của đứa trẻ. Vì vậy, PGS Dũng cho rằng ngoài môi trường, các bà mẹ nên quan tâm nhiều hơn tới dinh dưỡng cho con làm sao đủ vi chất, đủ dinh dưỡng để bé phát triển cân bằng hơn.

Theo Infonet

>> xem thêm

Bình luận(0)