Nàng dâu sợ hãi vì sắp phải về sống ở nhà chồng địa ngục

Google News

"Mình thất vọng quá, mình khiến con trai 7 tuổi và đứa con chưa chào đời đã mất bố là đúng hay sai? Mình có nên vứt bỏ tương lai của cả mình và con để về đó ở cho con có bố không?”

Cách đây ít giờ, trên một diễn đàn mạng, một nàng dâu trẻ tên B.D đã đăng tải câu chuyện mâu thuẫn của gia đình mình khiến cô không biết tính sao.

Theo đó, người vợ trẻ này tâm sự: “Hôm trước mình tâm sự rằng, vợ chồng mình sắp ly hôn vì mỗi tháng chồng mình góp 3 triệu và không làm bất cứ việc gì khác. Nhưng đây không phải là nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn. Mình kể cho các mẹ chuyện về nhà chồng để các mẹ cho mình biết, mình khiến các con mất bố là đúng hay sai”.

Theo người vợ này cho biết, vợ chồng cô kết hôn năm 2010. Bố mẹ chồng khi ấy không cho đồng nào, thậm chí không cho sắm đồ mà bắt phải dùng đồ cũ từ thời các cụ (giường, tủ, cách đây mấy chục năm rồi). Nhưng sau cô dâu này vẫn liều sắm giường và tủ. Nhưng từ hồi ấy mẹ chồng cô chiếm luôn cái tủ mới để đựng quần áo của bà.

“Mình không nghĩ ngợi nhiều vì bọn mình ở Hà Nội, cuối tuần mới về quê. Sau đó mình mang bầu, bố mẹ chồng không 1 câu hỏi thăm, nhà nuôi rất nhiều gà, bọn mình về bà vẫn bán trứng cho người ta. Lúc bọn mình ra Hà Nội, có lần bà đưa cho 4 quả bảo gà vừa đẻ được chỉ có thế.

Chồng mình bảo bố mẹ chồng thịt con gà cho mình bồi dưỡng, chồng bảo gà còn bé, gà mới tiêm thuốc, thậm chí còn nói luôn "người ta ăn gì mình ăn thế cần gì bồi dưỡng". Thật ra mình "thèm" đồ quê thôi, chứ mình đủ khả năng kinh tế ra chợ mua gà về ăn. Hơn nữa bọn mình vẫn biếu ông bà tiền vì nếu hỏi mua, ông bà sợ mang tiếng nên không bán”.
 Biết nhà chồng ky bo, bố mẹ chồng gia trưởng, khó tính, cổ hủ nên B.D định đẻ ở Hà nội. Nhưng nhà chồng D kiên quyết bắt về quê đẻ. Do ngày ấy không thuyết phục được chồng, lại là dâu mới nên D đành chấp nhận về đó đẻ trước thời điểm dự sinh 1 tuần.
“Mình về đưa tiền ăn cho mẹ chồng, số tiền còn đắt hơn cơm bụi Hà Nội. Nhưng suốt 1 tuần trước đẻ mình không hề được ăn uống bồi dưỡng, bụng to ì ạch nhưng mình vẫn khệ nệ bê mâm bát ra sân giếng rửa bát, nhờ chồng thì bà ấy xót con xông ra rửa giúp. Thậm chí mình nằm nghỉ cũng bị mẹ chồng dựng dậy, bắt sang nhà họ hàng làm cỗ để đẹp mặt bà”, D kể.
Chồng D khi ấy vẫn đi làm ở Hà Nội, sáng đi tối về. Sáng hôm D đau bụng vào viện đẻ, chồng D chưa về nên mẹ chồng mua cho con dâu cái bánh chưng 2 ngàn và 1 cái bánh mì "không người lái" 1,5 ngàn lạnh ngắt bảo con dâu ăn lấy sức mà đẻ: “Mình không thể nuốt trôi, đợi đến trưa chồng về tới nơi mua cho bát phở. Nhưng lúc đó đau đẻ mình chỉ ăn mấy miếng. Đến chiều mình đói, chồng về nhà lấy đồ dùng, mẹ chồng đưa bát phở trương phềnh từ lúc trưa bảo mình ăn đi”.
5h chiều D vào phòng mổ. Vì sức khoẻ yếu nên D không đẻ thường được. Lúc đang ngấm thuốc mê, trong cơn mê sảng thậm chí D còn thấy được ăn hoa quả, món này món kia. Lúc tỉnh lại, D luôn miệng hỏi mẹ đẻ (nhà đẻ cách 150km, lúc đó mới tới kịp) thèm ăn món a,b,c...
Mấy hôm D ở viện, mẹ đẻ phục vụ chủ yếu, mẹ chồng thỉnh thoảng vào, mang cháo loãng hoặc canh rau ngót gắp được 2 lượt cho con dâu ăn. Mẹ chồng tiếc tiền không mua nên sang nhà người quen hái tạm 1 nắm nấu cho mình.
Khi ra viện về nhà chồng ở cữ cũng là khoảng thời gian kinh hoàng đến mức căm thù đối với D. Do mẹ đẻ D ở đó không tiện nên xin phép về. Trước khi về bà có đưa cho mẹ chồng D 2 triệu nhờ mua đồ bồi dưỡng cho D. Mẹ chồng D cầm luôn và hôm sau D được biết, mẹ chồng đã dùng số tiền đó để mua cám cho lợn.
“Chồng mình đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về nên ăn cơm sau. Mấy hôm đầu mẹ chồng có mua móng giò về nấu cho mình. Về sau bữa sáng của mình là mì tôm kèm quả trứng gà nhà đẻ. Bữa trưa ăn cơm thừa của chồng từ tối hôm trước. Nhà chồng mình ki bo nên quanh năm chỉ ăn thịt luộc (ăn phần mỡ, phần nạc để dành tối con trai bà ấy về ăn) rau cải (vì nhà trồng). Ông nội chồng bảo gái đẻ đừng ăn rau cải thì mẹ chồng bảo "kiêng gì mà kiêng, con nhà người ta ăn từ đời nào rồi".
Mình cũng giải thích luôn là phải lệ thuộc vào mẹ chồng, không thể tự đi chợ được bởi không ai bế con giúp, chợ thì xa. Ngay cả lúc cháu khóc, bà cũng mặc kệ. Thậm chí cháu khóc nhiều quá, cả nhà chồng quay ra mắng mình không biết dỗ con. Mẹ chồng mình còn bóp vú mình bảo mình ít sữa trong khi sữa chảy ướt cả áo”, D kinh hãi nhớ lại.
Sát ngày đầy tháng cháu, chồng và bố mẹ chồng D có mâu thuẫn. Bố chồng D không cho vợ chồng D làm đầy thánh cho con nữa, còn tuyên bố nếu làm cỗ thì ông ấy hất đổ. D tâm sự với ông nội chồng (người duy nhất trong nhà chồng quý mình). Ông nội D đồng ý cho làm, D lại phải đưa tiền cho bố mẹ chồng làm mấy mâm cỗ. Mẹ chồng còn vòi thêm 200 ngàn để mua hương, vàng mã thắp hương hôm đầy tháng cháu.
“Sau hôm đầy tháng 1 tuần, mình xin phép về ngoại. Trước hôm đó, vợ chồng cãi nhau về chuyện mình muốn con tiêm phòng dịch vụ, còn chồng mình muốn tiêm miễn phí ở phường (thời điểm đó có hàng trăm trẻ sơ sinh tử vong do tiêm Quivanxem). Mình chỉ đề phòng thôi, dù sao kinh tế vẫn đủ để mang lại những thứ tốt đẹp nhất cho con. Thấy bọn mình cãi nhau, mẹ chồng mình bênh con cái chằm chặp, còn bảo mình im mồm để chồng còn tập trung ăn cơm”.
Đỉnh điểm là chồng D xông tới đánh vợ. D đẻ xong vết mổ vẫn đau nhưng ức chế quá xông vào đánh lại. Mẹ chồng thương con trai nên lớn tiếng đuổi D đi trong đêm nhưng phải để cháu ở lại. D cũng chỉ thẳng mặt chồng nói "Đẻ thuê còn được 200-300 triệu. Tôi cứ thế đi tay không thế này à?". Sau đó D gọi taxi, dọn đồ bế con đi. Thấy ầm ĩ ông nội chồng vào khuyên can nên D không đi nữa vì đằng nào sáng hôm sau ông ngoại cũng thuê ô tô đến đón mẹ con D về ngoại ở cữ rồi.
“Trong thời gian về ngoại, cuộc sống mình được lên tiên thực sự. Lẽ ra mình chỉ được về 1 tháng thôi nhưng nghĩ đến khoảng thời gian kinh hoàng ở nhà chồng, mình cứ khất lần không về. Đến hết 3 tháng, mình mới chịu quay về nơi ấy”, người vợ này nói.
Về đó cháu mới được 3 tháng mà mẹ chồng D đã bắt ăn dặm. D kiên quyết không đồng ý thì bà lấy nước cơm đút cho cháu ăn. Bất cứ cái gì có thể đút vào mồm cháu được là bà đều muốn cháu ăn. Cháu khóc đêm bà quay ra đổ tại D ít sữa, bắt cháu ăn bột để cho chắc dạ. D không thể chịu đựng nổi nữa nên 2 tuần sau mình bắt taxi ra Hà Nội. Trước khi đi, cô bị bố mẹ chồng chửi thậm tệ bảo đi thì đừng về nữa.
“Ra Hà Nội, chồng đi làm, mình ở nhà chăm con, trộm vía con ngoan hơn, chỉ ăn và ngủ, tinh thần mình cũng thoải mái. Nhưng cháu tầm 5-6 tháng, hầu như tháng nào ông bà cũng bắt mang cháu về quê chứ ông chưa bao giờ ra thăm cháu, bà 3 năm nay chưa ra”.
Mỗi lần về ông bà lại kiếm cớ chê con của D rồi so sánh với đứa em họ đẻ cùng. Mặc dù trộm vía bé nhà D trắng trẻo, cao ráo (cao thứ 3 trong 50 bạn trong lớp) cân nặng bằng đứa em họ, thậm chí nhỉnh hơn, cao hơn bé kia nhưng ông bà chê nó còi. Trộm vía cả năm con D không tốn viên thuốc nào nhưng ông bà toàn trù ẻo cháu ở Hà Nội bị yếu ớt, thậm chí còn bảo nó cẩn thận bị tự kỷ.
“Lý do ông bà chê, trù dập cháu bởi nó sống với mẹ ở Hà Nôi, chứ mình kiên quyết không nghe lời ông bà gửi cháu về quê cho ông bà nuôi. Ý ông bà nhằm chê mình chăm nuôi con không tốt”.
7 năm nay ông bà liên tục ép buộc vợ chồng D phải về quê ở: “Mình đang có công việc tốt, đúng chuyên ngành học, lương ổn định, mối quan hệ xã hội cũng tốt nhưng ông bà bắt mình về quê làm công nhân hoặc ra chợ bán rau vì ngành của mình ở quê rất kén, không xin việc được.
Mấy năm đầu chồng mình thương vợ, tuy ở nhà thuê ở nhưng cả 2 có thu nhập ổn định, đủ sức đi du lịch, cho con ăn uống đầy đủ, học thêm những môn con thích.
Biết mình không chịu về, mẹ chồng liên tục gọi điện tỉ tê với chồng mình. Mưa dầm thấm lâu, năm ngoái chồng mình bỏ việc, bỏ mẹ con mình ở Hà Nội để về quê xin việc khác, sống cùng bố mẹ. Mình cho 3 tháng, nếu không quay ra Hà Nội mình sẽ ly hôn. Đúng 3 tháng, chồng mình xin công việc khác ở giữa Hà Nội và quê để trung hoà 2 bên và quay ra Hà Nội ở với mình”.
Thế nhưng, bố mẹ chồng vẫn không để yên, tiếp tục gây sức ép bắt vợ chồng D về quê. Tháng 7/2017, chồng D nghe lời bố mẹ, nằng nặc đòi về. D bảo nếu về đó ở thì ly hôn, chồng mình đồng ý. Trong lúc toà đang giải quyết thì D phát hiện có bầu. Chồng vẫn kiên quyết muốn ly hôn và muốn D bỏ đứa bé. D gọi cho mẹ chồng, nói rõ việc có bầu, chồng muốn bỏ. Mẹ chồng D bảo "tuỳ" chứ không khuyên can 1 câu.

 

Lúc đó D nghĩ thương con nên xin chồng quay lại. D chấp nhận khi nào sinh thì về quê ở với nhà chồng. Nhưng thực sự từ hồi có bầu, không ngày nào D không nghĩ và tưởng tượng đến cảnh D về đó sống, nhớ lại địa ngục kinh hoàng 7 năm trước D lại sợ.

“Mình có trao đổi với chồng về bố mẹ chồng nhưng ý chồng mình là bố mẹ già rồi, phải chấp nhận thông cảm và nghe lời bố mẹ. Mình stress kinh khủng và bỏ cuộc, chấp nhận ly hôn chứ không về đó bởi mình biết sẽ chẳng ai bảo vệ mình cả. Mình đang mang bầu, nhưng chồng mình vẫn đồng ý ly hôn, chắc cuối tuần này dọn đồ về ở với bố mẹ.

Mình thất vọng quá, mình khiến con trai 7 tuổi và đứa con chưa chào đời đã mất bố là đúng hay sai? Mình có nên vứt bỏ tương lai của cả mình và con để về đó ở cho con có bố không?”, người vợ này hoang mang chưa biết phải làm thế nào?



Theo Minh Anh/Emdep

>> xem thêm

Bình luận(0)