Kỳ lạ người đàn ông "sống lại" giữa đám tang của mình

Google News

Khi cả nhà đã thắp nhang, rước thầy về cúng và lo hậu sự, gia đình hoảng hồn khi thấy ông N.V.L bất ngờ tỉnh dậy, khều khều đứa cháu ngoại.

Hai lần “chết hụt”
Chuyện người đàn ông chết đi sống lại tưởng như đùa trên được chính gia đình ông P.V.L (61 tuổi, ở Long An) và các bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM) kể lại. BS Nguyễn Thiên Hào, Phó khoa Tim mạch, Trưởng đơn vị Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Trưng Vương cho biết, ông P.V.L từ trước đến nay rất khỏe mạnh, chưa từng có tiền sử bệnh tim mạch gì. Nhưng cách đây 2 tuần, ông lên cơn đau ngực dữ dội, vã mồ hôi, da tái xanh. Thấy vậy, người nhà vội đưa ông đến Bệnh viện tỉnh cấp cứu. Trên đường đến bệnh viện, ông bị ngưng tim ngưng thở nhưng được các bác sĩ Bệnh viện tỉnh cấp cứu hồi sức kịp thời rồi chuyển lên một bệnh viện ở TPHCM điều trị tiếp.
Tại đây, sau khi khám và qua các hình ảnh, phim chụp, các bác sĩ cho biết ông bị nhồi máu tim và tư vấn can thiệp tim. Tuy nhiên, theo lời bác sĩ, với tình trạng sức khỏe hiện nay của bệnh nhân, tỷ lệ tử vong do can thiệp rất cao. Nghe vậy, người nhà ông L đã không đồng ý can thiệp mà chấp nhận để ông điều trị nội khoa. Sau hai ngày điều trị, vì tình trạng quá tải, không đủ máy thở nên ông L phải thở bằng bóng người nhà tự bóp, dẫn tới sức khỏe liên tục giảm sút và sau đó rơi vào hôn mê, mạch và huyết áp vô cùng tệ.
Bà D.T.N.H vợ ông P.V.L kể lại: “Bác sĩ nói sự sống của ổng chỉ còn 2% nên cho chồng tôi về nhà lo hậu sự. Lúc đó, tui nghĩ bác sĩ đã nói vậy thì chắc không còn hi vọng gì nữa, chấp nhận cho ổng về, không bóp bóng thở nữa. Khi cả nhà bắt đầu làm các thủ tục ma chay, thắp hương 4 chân giường, rước thầy về cúng, cột chân cho ổng… chỉ còn chờ mua quan tài thì bỗng dưng đứa cháu la lên. Cả nhà nhìn sang, hoảng hồn vì thấy ổng đang khều thằng cháu”.
Theo lời kể của vợ ông, sau khi thấy chồng mình có biểu hiện của sự sống, bà đã rất hoang mang. Chợt nhớ ra mình có người bạn quen với BS Nguyễn Thiên Hào nên bà H vội gọi điện cho bạn nhờ bác sĩ trợ giúp. Sau đó, nghe lời bác sĩ, gia đình gọi cấp cứu, đưa ông đi bệnh viện một lần nữa. “Ổng chết hụt hai lần. Một lần ngưng tim ngưng thở trên đường đưa lên bệnh viện tỉnh cấp cứu. Một lần sống lại giữa đám ma. Trời đất còn thương ổng, thương gia đình tui” - Bà H nói.
Ky la nguoi dan ong "song lai" giua dam tang cua minh
 BS Nguyễn Thiên Hào khám lại cho ông P.V.L. Ảnh: K.Q
Cuộc “hội chẩn” qua viber
Tiếp tục câu chuyện, BS Nguyễn Thiên Hào kể tiếp: “Tôi nghe điện thoại từ người nhà bệnh nhân gọi. Nắm được câu chuyện, nhưng bệnh nhân ở tận Long An, tôi thì ở TPHCM nên không thể khám trực tiếp được. Trong khi đó, muốn điều trị cho bệnh nhân thì phải biết được qua qua về tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Lúc đầu, tôi định nhờ một người bạn làm bác sĩ ở Long An qua xem giúp nhưng sợ anh đang trực nên chợt nhớ ra cách gọi video qua viber cho người nhà để nắm bắt tình hình”.
Theo BS Hào, qua 15 phút gọi video, nhờ người nhà bệnh nhân quay cận cảnh sắc mặt, hơi thở, đồng tử mắt… bác sĩ thấy tình trạng ông L chưa đến nỗi tuyệt vọng. Do người nhà bệnh nhân có người làm trong ngành y tế, BS Hào nhờ người nhà đo huyết áp và mạch cho ông L thì thấy huyết áp ở mức thấp nhưng vẫn còn hi vọng điều trị. Do vậy, BS Hào khuyên người thân nên đưa ông L tới bệnh viện và cố gắng duy trì nhịp tim và nhịp thở cho bệnh nhân. Phải thuyết phục một lúc, người nhà mới đồng ý.
“Ổng đã vầy rồi, bệnh viện ở TPHCM đã trả về rồi, tui sợ giờ mà đem ổng lên bệnh viện nữa, ổng chết trên đường đi thì tội nên lưỡng lự lắm. Con gái tui thì khác, nó khăng khăng đưa ổng đi. Gia đình tui gọi cấp cứu 115 đưa ổng lên bệnh viện tỉnh để đặt lại nội khí quản, dùng thuốc vận mạch rồi mới chuyển viện” - Bà H kể.
Sống nhờ cơ chế kì lạ của cơ thể
Trong lúc đó, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh viện Trưng Vương đã chuẩn bị sẵn phòng cấp cứu và lên kế hoạch điều trị cho bệnh nhân ngay trong đêm. Tiếp nhận bệnh nhân, BS Nguyễn Thiên Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trưng Vương cho biết, vào thời điểm nhập viện, ông L vẫn trong tình trạng hôn mê, huyết áp và mạch yếu, có biểu hiện suy hô hấp, đã đặt nội khí quản. Các bác sĩ tiến hành xét nghiệm ngay cho ông L thì thấy có tình trạng tổn thương đa cơ quan, tổn thương gan thận.
“Tuy tình trạng sức khỏe yếu nhưng huyết khối gây nên tình trạng nhồi máu tim của bệnh nhân đã tự li giải. Nhờ vậy bệnh nhân mới có cơ may sống được như vậy”. BS Thiên Bình giải thích, cơ thể con người có một cơ chế kì lạ, sản sinh ra cái gì thì có thể tự li giải được cái đó. Cục huyết khối cũng vậy, trong một số trường hợp, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim có thể tự li giải cục máu đó.
Tại Bệnh viện Trung Vương, ông L được điều trị hồi sức tích cực với các loại thuốc vận mạch, nâng đỡ huyết áp và dùng kháng sinh để điều trị tổn thương đa cơ quan. Sau 12 ngày điều trị, bệnh nhân được cai thở máy, tự thở, nói chuyện được, mạch và huyết áp, nhịp tim dần ổn định. Tình trạng nhồi máu cơ tim qua lần kiểm tra gần nhất đã trở lại gần như hoàn toàn bình thường. Bệnh nhân sẽ được xuất viện sau vài ngày tới.
Hồi phục sau 2 lần “chết hụt”, ông L liên tục nói cám ơn các bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương. Ông chia sẻ bằng giọng đậm chất miền Tây: “Tui sống được có lẽ nhờ thời gian qua chịu khó tập thể dục, tập yoga, ăn uống rất điều độ. Nhiều năm qua, tui chưa hề biết bệnh vặt, đau ốm là gì, lúc nào cũng khỏe mạnh và lạc quan. Mai mốt được xuất viện, về nhà, tui cũng sẽ duy trì nếp sống như vậy, hên hên… sống lâu”.
Theo Minh Phạm/Lao Động

>> xem thêm

Bình luận(0)