Chị gái tôi kết hôn lần đầu khi vừa tròn 18, chồng chị 25 tuổi. Đôi vợ chồng son ở cùng với bố mẹ chồng và câu chuyện buồn bắt đầu từ đó. Cô thiếu nữ mới lớn nghĩ về hôn nhân như một giấc mơ màu hồng: hai người yêu nhau thì kết hôn rồi sinh con đẻ cái và hạnh phúc đến đầu bạc răng long.
Nhưng cuộc sống của một cô gái còn quá hồn nhiên với một anh chồng tính tình trẻ con hơn lứa tuổi 25, lại răm rắp nghe lời mẹ không như những gì cả hai cùng tưởng tượng.
Chưa được 1 năm, lại đang bụng mang dạ chửa, chị vác đơn ra tòa ly hôn. Sau nhiều lần đi đi lại lại từ nhà đến tòa án, cuối cùng mọi thứ cũng xong. Chị về nhà sinh nở rồi khai sinh họ mẹ cho đứa nhỏ. Con chưa kịp lớn chị giao con cho bà ngoại rồi đi làm công nhân xa nhà.
Đứa nhỏ lớn lên trong tình yêu của gia đình bên ngoại và sự lạnh nhạt của gia đình bên nội, một phần là do chị giận nên không muốn cho đứa nhỏ tiếp xúc với nhà nội.
Sau đó không lâu, chồng cũ của chị tái hôn. Bảy năm sau ngày ly hôn, chị cũng đi thêm bước nữa. Thằng bé có bố có mẹ, nhưng ai cũng bận rộn với hạnh phúc mới của riêng mình, chỉ có bà ngoại vừa là cha vừa là mẹ của nó.
Đám cưới vội vàng của đôi vợ chồng đủ tuổi theo quy định của luật pháp, nhưng ý thức trách nhiệm, lại chưa trưởng thành đã dẫn đến hậu quả tạo ra một đứa trẻ mà không dành cho nó một cuộc sống bình thường như những đứa trẻ khác.
Vậy, có nên cứ đủ tuổi nhất là đang trong giai đoạn vàng cho sự sinh đẻ thì cứ cưới nhau đi, sinh con đi cho bằng chị bằng em?
|
Cuối cùng mẹ tôi phải 3 lần nuôi con mọn thay chúng tôi. Ảnh minh họa |
Tôi lập gia đình trễ hơn chị, lúc 23 tuổi, và sinh đứa thứ nhất khi 26 tuổi. Vì yêu cầu của công việc, khi con mới được 1 tuổi tôi để con cho bà ngoại rồi đi học xa nhà.
Chồng tôi là bộ đội nên thường vắng nhà và bà ngoại lại trở thành mẹ của con tôi. Bà lại quay về thời kỳ nuôi con mọn lần thứ 3. Con được 5 tuổi, tôi sinh đôi 2 bé nữa.
Mất thêm 5 năm chăm con nhỏ, tôi lại tiếp tục sự nghiệp học hành. Nhưng lần này mọi chuyện có vẻ căng thẳng hơn vì chồng và bà ngoại phải thay nhau sắp xếp để chăm sóc, đưa đón tận 3 đứa nhỏ một lúc.
Có lần đang ở cách nhà hơn ngàn cây số, tôi nhận được điện thoại của cô mầm non báo 2 đứa sinh đôi bị thủy đậu, yêu cầu đến đón về. Nghe điện thoại mà lòng tôi như lửa đốt. Chồng không về ngay được, mình bà ngoại lại không thể đưa cả 2 bé đi bệnh viện cùng một lúc, tôi đành phải nhờ cô cho 2 bé ở lại lớp đến chiều.
Nói chuyện với cô giáo xong, tự nhiên tôi bật khóc. Hơn 30 tuổi là mẹ của 3 đứa con nhưng cả 2 vợ chồng tôi vẫn không thể tự mình lo cho tụi nhỏ, mà cứ phải làm phiền đến mẹ già.
Sự nghiệp học hành của tôi còn kéo dài tới 3 năm, bà ngoại sẽ còn phải nhiều lần thay vợ chồng tôi chăm sóc cho tụi nhỏ, dù rằng bà đã lớn tuổi lại hay bị rối loạn tiền đình. Nhiều lúc một mình tôi vừa đi làm vừa phải học và đưa đón cả 3 con, tôi stress kinh khủng và chỉ ước ao giá mình đừng vội lấy chồng sinh con.
Tại sao tôi lại không lo ổn định công việc, sự nghiệp rồi hãy sinh con để đến nỗi rơi vào khủng hoảng như bây giờ? Con là do tôi sinh ra, nên tôi phải chịu trách nhiệm với con, bà ngoại lẽ ra không phải gánh nặng chăm sóc cháu.
Thỉnh thoảng khi công việc ngập mặt tôi gắt gỏng với chồng: "Nếu không lo được cho con đàng hoàng tử tế thì chẳng thà đừng sinh. Có đứa nhỏ nào đòi cha mẹ phải sinh ra mình đâu. Mình cho nó ra đời rồi làm nó khổ, ông bà cũng khổ theo...".
Những năm tháng ấu thơ đầu đời của con lẽ ra phải được cha mẹ gần gũi, chăm sóc kỹ lưỡng, thay vì cha mẹ chỉ bù đầu lo toan cơm áo gạo tiền. Tôi thấy mình có lỗi với con và với cả bản thân. Giá như có thể quay lại quá khứ, tôi sẽ không chọn kết hôn và làm mẹ sớm. Tôi sẽ tập trung cho sự nghiệp và chỉ sinh con khi nào đủ tài chính và thu xếp được thời gian dành cho con...